Thứ Tư, 5 tháng 6, 2013

MÂY VÀ BÔNG




        Thế hệ những người từ 50 tuổi trở lên như chúng tôi sẽ còn nhớ mãi trong tâm trí bài thơ lục bát 4 câu mà không ít người nhầm tưởng là ca dao dân gian. Bài thơ đó được in trong cuốn Tập đọc lớp 1 (các cuốn sách Tập đọc cấp 1 hoặc Trích giảng văn học cấp 2 thập kỷ 60, 70 thế kỷ trước thường chia làm 2 tập, tương ứng với 2 học kỳ).  
(TT&VH Online) - Đến thăm nhà văn Ngô Văn Phú, tác giả của “Mây và bông” (SGK lớp 1) và “Tí xíu” (SGK lớp 2), (chưa kể “Con voi ở công viên Thủ Lệ” (SGK lớp 9) được ông kể cho nghe mới biết hai tác phẩm được đưa vào SGK của ông cũng có những kỷ niệm thật thú vị. “Bài ‘Mây và bông’ của tôi thường vẫn bị “giật tít” thành “Bông và mây” và thường cho đó là bài ca dao nên không đề tên tác giả… Còn bài ‘Tí xíu’ thì bị chữa nhiều khi đưa vào SGK…”- ông nói.
* “Mây và bông” chứ không phải “Bông và mây”
Bài thơ “Mây và bông” tôi viết khi về nông trường Tam Đảo. Đến đây, tôi được ngắm nhìn những cánh đồng bông “trắng như mây” và thấy rất đẹp do các đơn vị bộ đội ở khu V, khu VI Nam Trung Bộ chuyển ngành đem trồng ở chân núi, từ đó tứ bật ra và viết hoàn chỉnh.
Trên trời mây trắng như bông
Ở dưới cánh đồng bông trắng như mây
Những cô má đỏ hây hây
Đội bông như thể đội mây về làng
Sau khi bài thơ này viết xong tình cờ có một cuộc thi ca dao của của báo Văn học (nay là báo Văn Nghệ) tôi gửi dự thi luôn và đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) năm 1962. Đến năm 1963 “Mây và bông” được đưa vào SGK lớp 1. Chỉ có điều, không hiểu sao khi đưa vào SGK dưới bài thơ họ không đề tên tác giả. 
Nhiều bạn, đọc “Mây và bông” xong vẫn cất lời khen bài “ca dao” ấy hay. Tôi chỉ cười và nghĩ chắc là do bài thơ ấy tham dự cuộc thi ca dao và cũng đậm chất ca dao nên mọi người chỉ nhớ nó theo thể loại chứ không nhớ tác giả. Sau này, ở những lần tái bản SGK đã in tên tác giả. Nhưng có điều, nhiều báo, tạp chí và bây giờ là mạng internet khi in lại bài “Mây và bông” của tôi họ cứ tự ý “giật tít” “Mây và bông” thành “Bông và mây”.
     Câu: “Những cô má đỏ hây hây/ Đội bông như thể đội mây về làng” bị chữa lại thành “Mấy cô má đỏ hây hây/ Gánh bông như thể gánh mây về làng”. Cái từ “gánh” đúng là nó đúng với sự thật ngoài đời khi các cô, và có cả các anh nữa ở các nông trường sau khi hái bông thường sẽ gánh về. Nhưng như thế thì hình tượng không đẹp, không hợp với “Trên trời mây trắng như bông”. Phải “đội bông như thể đội mây” mới đẹp, mới ấn tượng và gợi hình ảnh”…(Về sau đã sửa lại đúng là “đội bông”.
     Đặc biệt hơn là khi tôi đi đến các nông trường trồng bông không hiểu sao thấy mình lại được yêu quý đến thế. Tìm hiểu mới biết, hết nông trường này đến nông trường khác cứ tưởng bài “Mây và bông” là tôi viết về nông trường của họ. Thậm chí bài thơ “Mây và bông” còn được một nông trường trồng bông ghi vào bên cạnh bảng thành tích.

 

Không có nhận xét nào: