Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

CÓ CHÚ THƯƠNG BINH NÀO CÒN SỐNG NHẬN RA CHỮ VIẾT CỦA MÌNH KHÔNG?



  • CÓ CHÚ THƯƠNG BINH NÀO CÒN SỐNG NHẬN RA CHỮ VIẾT CỦA MÌNH KHÔNG?
    (Bài viết trên Fb của nhà văn Nguyễn Quang Vinh)

    Nếu bạn đi trên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua huyện miền núi Minh Hóa (Quảng Bình), khi tới giáp ranh xã Hóa Tiến, bạn sẽ nhìn thấy một bảng chỉ dẫn ghi rằng: tại vùng núi đá thôn Yên Thành, xã Hóa tiến là Sở chỉ huy của mặt trân 559 Trường Sơn những năm chống Mỹ.
    Tôi luồn rừng theo sát người dẫn đường tên là Hòa. Anh đã treo người giữa lưng chừng vách đá tai mèo, nói vọng xuống:" Cẩn thận nghe. Anh bám lấy từng mấu đá mà trèo lên miệng hang, lớ ngớ trượt chân là ngã vỡ mặt đó". Tôi mắm môi mắm lợi đu người lên từng vách đá. Quá nhọc nhằn. Nhưng mà tại sao lại nhọc nhằn thế này, ngày ấy, đường thế này thì làm sao bộ đội, thanh niên xung phong đưa được thương binh vô hang. Hòa nói:" Để đuaa thuaơng binh vô hang quân y, người ta làm những cái thang gỗ dựng ngược, thang này nối thang kia, đi dễ hơn bây giờ"
    Cửa hang đá thấp tè. Nhưng vào trong thì rộng rãi. Hang đá hóa ra lại không phải bắt đầu từ chân núi mà treo ngược giữa lưng chừng dốc. Hòa kéo mấy cây nứa khô, đốt lên thành đuốc dẫn tôi vào trong. Quá khứ không xa lạ nữa, mọi kỷ vậth đang còn ở trước mắt: đôi dép nhựa bốn quai dành cho bộ đội nữ, cho thanh niên xung phong. Những cục pin khô. Những đôi dép cao su đã mòn vẹt. cả cái mũ cối đã mục nát. Hình như còn cả những mẫu vải quân phục. Một cái xẻng đã cháy cán. Một cối đá giã thuốc. Cối đá được đục ngay trên một phiến đá. Hòa nói:" Bà con kể, mấy o y tá thừơng đâm thuốc nam ở cối đá này rồi sắc thuốc cho thương binh uống. Xa hơn một chút, ngay trong ngách hang, vòm đá đen nhẻm muội than. Đó chính là gian bếp. Trèo lên bậc đá cao, tới một vòm hang rông và thấp, đó là nơi nghỉ ngơi cho các thương binh nhẹ hơn. Đây là hang đá quân y. Ngày ấy người ta gọi thế. Tôi đi tới vòm hang dành cho các thương binh nặng. Qua ánh đuốc, tôi ngẩn người đọc những dòng chữ viết một cách khó nhọc trên vách đá. Có dòng chữ viết bằng cách dùng vật cứng khoét sâu chữ vào đá. Lại có dòng chữ viết bằng màu đỏ trên đá, màu vẫn đỏ tươi. Các thương binh viết bằng sơn đỏ.
    May mắn, tôi lại gặp được nhân chứng của thời chiến tranh khốc liệt ấy. Bà tên là Đinh Thị Y, nhà ở ngay chân núi đá có những hang đá một thời. Bà là bệnh binh nặng. Ngôi nhà nhỏ, chỉ đi chừng nửa giờ là vào hang đá y tá.
    Bà Y kể: " 17 tuổi tui vô thanh niên xung phong. Tui nhớ, ngày tui nhập ngũ là tháng 11 năm 1967. Tui ở Binh trạm 12, đội điều trị 14, thuộc bệnh viện 14 đóng trong hang đá y tá. Phụ trách bệnh viện trong hang đá ngày đó là bác sĩ anh hùng quân đội Lê Đính. Đừng có hỏi ngày đó ác liệt như răng. Đừng có hỏi ngày đó bộ đội hy sinh đổ máu như răng. Đừng có hỏi ngày đó gian khổ, thiếu thốn, cực nhọc ra răng nữa. Ghê gớm lắm. Khổ tợn lắm". Chị Y nói, ngày đó, làm chi có chuyện các núi đá vôi này xanh rì như hôm nay. Tất cả đều bị bom Mỹ đánh phá trọc lóc, không còn một bóng cây nào. Ngày, nắng nóng chói mắt cháy da, đêm sương lạnh buốt xương. Các nữ y tá và thanh niên xung phong hàng ngày lo đi gùi gạo, đi cáng thương binh tại các tọa độ lửa trên đường Trường Sơn ở các trọng điểm Trà Ang, Mụ Gịa, Cổng Trời, Khe Ve, La Trọng, Bãi Dinh. Thương binh nhiều lắm. Bộ đội cao xạ, thanh niên xung phong, lái xe, bộ đội xăng dầu, bị thương, hy sinh hàng ngày, nhiều lắm, không nhớ nỗi.
    " Tui nhớ, có những thương binh rất nặng, cần phải cấp cứu ngay. Nhưng hang đá tối om, máy bay quần đảo, không dám thắp đèn sáng. Nếu khi tiêm cho thương binh mà thuốc tiêm chảy, là biết thương binh còn sống, còn ống tiêm bị tắt giữa chừng tức là chết. Có thương binh tui không nhớ tên, bị thương vào sọ não, trước khi chết, đưa cho tui lá thư anh ấy gửi cho vợ ở quê. Tui cầm lá thư đứng khóc cả đêm. Thương lắm. Chú coi. Nghĩa trang dã chiến của mặt trận lúc đầu chỉ là 1 nghĩa trang, sau rồi thêm nghĩa trang số 2, số 3, số 4, số 5, số 6. Có ngày hy sinh 39 đồng chí, phải huy động cả dân quân xã ra đào huyệt".
    Có lẽ phải dựng tại đây một tượng đài. Có lẽ phải làm một việc gì đó cho vùng đất này bớt hưu quạnh. Có lẽ phải đặt một dấu ấn nào đó cho nơi xa xôi này để mọi thế hệ không bị lãng quên cái nơi mà cha ông mình đã sống, chiến đấu vô cùng anh dũng để bảo đảm cho nhịp sống của đường Trường Sơn huyền thoại.
    ----
    Nhân chứng đây- chú thích theo thứ tự:
    -Ảnh 1,2 dấu tích chữ viết của các chương binh nặng trong Hang Quân Y
    -Cựu y tá tại Hang Quân Y: Bà Đinh Thị Y
    -Thung lũng dưới chân núi đá có Hang Quân Y.
    Thích · 

Không có nhận xét nào: