Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2013

TRAO GIẢI THƠ LÊ THÁNH TÔNG LẦN THỨ XXV NĂM 2012


Ảnh: Ông Nguyễn Ngọc Minh (Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Quảng Ninh)
và nhà thơ Trương Thiếu Huyền (ngoài cùng bên phải ảnh) trao 2 giải nhất cho:
1/ Tác giả Ngô Văn Lai (CLB Thơ Hưu trí TP Hạ Long) với bài thơ "Nấu cơm
 bằng cóng sữa bò".
2/ Em Nguyễn Trà My, học sinh 16 tuổi (CLB Thơ Trường PTTH Hòn Gai)
với bài thơ "Hạnh phúc của mẹ"
NỘI DUNG tin:
        Sau khi dâng hương tại di chỉ tấm bia đá đề bài thơ của Hoàng đế - Thi sĩ Lê Thánh Tông khắc ngày 29/3/1468, UBMTTQVN tỉnh Quảng Ninh đã trao giải thơ Lê Thánh Tông lần thứ XXV năm 2012. 
       Từ năm 1988 đến nay, theo sáng kiến của Nhà thơ Trần Nhuận Minh, mỗi năm CLB thơ Lê Thánh Tông thuộc UBMTTQ tỉnh Quảng Ninh đều trao giải Lê Thánh Tông dành riêng cho các tác giả thơ của các CLB thơ trong tỉnh Quảng Ninh. Đến dự Lễ trao giải thơ Lê Thánh Tông lần thứ XXV năm 2012 có các vị lãnh đạo MTTQVN tỉnh Quảng Ninh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội VHNT tỉnh, Sở VH - TT và DL, Sở Tài chính, Sở KH -ĐT, Hội Nông dân tập thể, Bộ CHQS tỉnh, Bộ CH Bộ đội Biên phòng tỉnh,... cùng lãnh đạo 19 CLB thơ thành viên, các tác giả, người yêu thơ trong tỉnh. Nhà thơ Đàm Hiển, Phó chủ nhiệm CLB thơ Lê Thánh Tông, Thư ký Hội đồng Giám khảo. nguyên Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh thay mặt CLB đọc báo cáo về hoạt động của CLB trong năm 2012. Nhà thơ Trần Nhuận Minh, Trưởng ban Chung khảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Quảng Ninh nhận xét về các bài thơ đã đoạt giải năm 2012. Theo ông, Ban Tổ chức đã nhận được từ 19 CLB thành viên (100%) với 105 bài gửi dự thi của 92 tác giả. Chất lượng thơ năm 2012 khá, đồng đều. Ông và nhà thơ Nguyễn Châu (Thành viên Ban Chung khảo) đều cùng nhận xét: Các tác giả đoạt từ giải C trở lên, nếu chưa là Hội viên Hội VHNT của tỉnh thì các ông sẽ giới thiệu để Hội VHNT tỉnh xem xét kết nạp. Các tác giả đều đủ tiêu chuẩn và xứng đáng được kết nạp vào Hội nếu xét trên mặt bằng chất lượng giải năm 2012. Nhìn chung các tác phẩm đoạt giải (Kể cả các giải A và B) đều dài, thừa. Nếu lược bỏ các khổ, cắt gọt câu, chữ thừa sẽ hay hơn, đạt chất lượng cao hơn. 
       Kết quả Ban Chung khảo đã trao 24 giải thưởng:
-  02 giải A
-  03 giải B
-  11 giải C


                 - 08 giải khuyến khích
                 - 01 giải dành cho người cao tuổi nhất - Cụ Hùng Hồng Lĩnh, 92 tuổi với bài thơ "Vịnh Hạ Long"
UBMTTQVN tỉnh Quảng Ninh trao Bằng khen cho các CLB tổ chức tốt cuộc thi:
                 1- CLB Thơ Đường thành phố Hạ Long, chi nhánh Quảng Ninh.
                 2- CLB Thơ Trường PTTH Hòn Gai.
Hội VHNT tặng Giấy khen cho các CLB có phong trào sáng tác tốt năm 2012;
                1- CLB Thơ Truyền Đăng, Trung tâm Văn hóa - Thông tin tỉnh Quảng Ninh.
                2- CLB Thơ Công ty Cổ phần Than Hà Lầm - Vinacomin.
Tác giả Nguyễn Đình Thái, Chủ bút blog cá nhân LÃO NÔNG PHU là thành viên các CLB Thơ:
                1- Công ty Cổ phần Than Hà Lầm - Vinacomin.
                2- Truyền Đăng, Trung tâm Văn hóa - Thông tin tỉnh Quảng Ninh.
                3- Công nhân và Công đoàn, LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh.
   (Trong 3 CLB trên thì chỉ có CLB Công nhân và Công đoàn, LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh là không thuộc CLB thành viên Thơ Lê Thánh Tông của MTTQVN tỉnh Quảng Ninh).
        Tác giả nhận giải khi đăng ký bài dự thi tại CLB thơ Công ty Cổ phần Than Hà Lầm - Vinacomin            
        Chủ blog LÃO NÔNG PHU được trao giải B với tác phẩm "TRƯỜNG SA - HOÀNG SA, BIÊN CƯƠNG TỔ QUỐC".  Đây là bài thơ được trích trong trường ca (Chưa xuất bản): "BÀI THƠ VIẾT TỪ XÚC CẢM KHI ĐỌC MỘT BÀI BÁO" 124 câu. Nhà thơ Trần Nhuận Minh đánh giá hai câu kết là chắc và ông thích nhất 2 câu: 
                                     "Sa Vĩ ngoài này cũng địa đầu sóng gió
                                     Tôi thức đêm nay nghe gió thổi tận Pò Hèn"
Xin giới thiệu lại bài thơ đoạt giải B Lê Thánh Tông lần thứ XXV năm 2012 này (Đã được post lên blog LÃO NÔNG PHU ngày 31/1/2013 với tên NGOÀI BIỂN ĐÔNG CÓ MỘT DẢI BIÊN THÙY)


                

   TRƯỜNG SA – HOÀNG SA, BIÊN CƯƠNG TỔ QUỐC*

                      Giữa biển Đông có một phần hình hài Tổ Quốc,
                      có linh hồn những chiến sỹ trên đảo nổi, đảo chìm giữa khơi xa
                      Tổ Quốc chính là lá Quốc kỳ anh lấy máu mình nhuộm thắm
                                                                                              trên bãi đá Gạc Ma
                      Giặc có thể giết anh nhưng phần giang sơn này không thể mất. (1)

                      Tổ Quốc là mốc chủ quyền do tổ tiên và chúng ta
                                                                             dùng đến cả máu xương xây đắp
                      Một trăm mười một kinh độ Đông, năm lăm phút,
                                                                                                            năm lăm giây
                      Vĩ độ tám phía Bắc, ba mươi tám phút ba mươi (2)
                      Sừng sững giữa Biển Đông trên quần đảo san hô Bão Tố. (3)

                      Sa Vĩ ngoài này cũng địa đầu sóng gió
                      Tôi thức đêm nay nghe gió thổi tận Pò Hèn (4)
                      Tiếng còi tàu lẫn tiếng quân reo “Sát Thát” ở biển Vân Đồn (5)
                      Có phải chiến thuyền “Soái” của Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư
                                                                                          đang neo ngoài Cửa Lục. (6)

                                                             
                      Biển Đông, Trường Sa, Hoàng Sa  đang mùa gió lốc
                      Các em hãy tựa lưng vào vững chãi gốc phong ba (7)
                      Phía tây các em, nơi ấy có Nam Quốc sơn hà
                      Non một trăm tám chục triệu cánh tay sẽ đan kết
                                                                 thành tấm khiên thép khổng lồ
                                                                                              chắn che cho quần đảo. (8)


                      Đất liền, hải đảo, biên ải Việt Nam. Suốt một dải
                                                                      cương thổ Việt Nam
                                                                                    đang gồng lưng chống bão
                      Những động thái này thành kỹ nghệ đã bốn nghìn năm
                      Nghệ thuật này đã cụ thể hóa thành văn,
                      ghi rành rẽ trong  “Hịch tướng sĩ văn” -  “Cáo bình Ngô”-
                                                                                                   Tuyên ngôn độc lập”…

                      Kẻ kia chưa thuộc sử Nam ư? Thì nhắc cho chúng biết
                      đâu Đông Bộ Đầu, đâu Vạn Kiếp? Đâu bến Bình Than! (9)
                      Một dải ba lần cuồn cuộn sóng Đằng Giang (10)
                      Ngươi sẽ ngộ ra một điều thật giản đơn:           
                                                                                        Tại sao “…tự cổ huyết do hồng”. 
                      Mỗi ngôi nhà cho đến mỗi dòng sông
                      Ngươi có hiểu tại sao nhà và sông ở đây đều chọn phương Nam
                                                                                         cho mặt tiền và hướng chảy?
                      Kinh thành Thăng Long giặc bao phen đốt cháy (11)
                      mà sóng Hồng Hà vẫn ngàn năm kiêu hãnh khải hoàn ca.

                      Toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải,
                                      không phận Việt Nam có cả một phần không
                                                                thể tách rời: bầu trời, mặt nước biển
                                                                             trong quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa

                      Thềm Tổ Quốc vươn dài nơi Biển Đông trùng trùng phong ba bão tố                                                                                    
                      Cửa ngõ nhà ta, ao nhà của ta, của  nổi, của chìm của ta,
                                                                                                                         ta phải giữ
                      Cơ nghiệp này, giang sơn này, sông núi này
                                                    phải giao lại trọn vẹn không thể thiếu một tấc
                                                                                           cho vạn đại cháu con. (12)
                     
                                                                                                             Hạ Long 8/2012

                                                                                                       NGUYỄN ĐÌNH THÁI

       * Bài thơ in trong tập thơ GỬI NHỚ TRƯỜNG SA – NXB Văn học 2012

CHÚ THÍCH:
               (1) Trong trận hải chiến ngày 14/3/1988, thiếu úy đảo phó đảo Gạc Ma Trần Văn Phương  cùng 2 chiến sĩ Nguyễn Văn Tư và Nguyễn Văn Lanh được trung tá Lữ đoàn phó Trần Đức Thông (Đoàn 146 Hải quân) giao nhiệm vụ bảo vệ lá Quốc kỳ trên bãi đá ngầm. Khi đang giữ cờ, thấy một chiến sĩ bị uy hiếp, anh lao vào bảo vệ và bị trúng đạn, hy sinh tại chỗ. Trước lúc hy sinh anh đã nói: “ Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân anh hùng”. Lúc ấy các anh đều không có vũ khí để tự vệ.
                              Ngày 06/01/1989, Liệt sĩ Trần Văn Phương đã được Chủ tịch HĐNN nước CHXHCN Việt Nam truy phong danh hiệu Anh hùng LLVTN Việt Nam. Anh hùng LS Trần Văn Phương sinh năm 1965, quê ở xã Quảng Phúc, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
               Đảo đá Gạc Ma có tên quốc tế là Johnson South Reef. Bãi đá nơi cao nhất, chỉ khi nào thủy triều xuống mới nhìn thấy.
              (2) Những con số này đã được đắp nổi trên cột MỐC CHỦ QUYỀN của nước CHXHCN Việt Nam tại Đảo Trường Sa Lớn.
              (3) Quần đảo Trường Sa có tên quốc tế là Spratly. Thời Pháp quản lý gọi là Đảo Bão Tố (lle Tem pête).  
              (4) Địa danh Pò Hèn thuộc xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái, nơi ghi dấu ấn chiến công và sự hy sinh anh dũng ngày 17/2/1979 của 59 cán bộ, chiến sỹ đồn 209 (nay là đồn 15) bộ đội biên phòng, trong đó có anh hùng LLVTND, liệt sỹ, thượng úy, đồn phó Đỗ Sỹ Họa và nữ anh hùng ngành thương nghiệp Hoàng Thị Hồng Chiêm. 
              (5) (6)  Những địa danh xảy ra cuộc chặn đánh đoàn thuyền vận tải quân lương do tướng Nguyên là Trương Văn Hổ của Phó tướng Nhân Huệ Vương  Trần Khánh Dư chỉ huy trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên  4/1288.
              (7) Một loài cây trên các đảo trong quần đảo Trường Sa do các chiến sỹ đặt tên.
              (8) Dân sổ nước ta hiện nay khoảng 87 triệu người. 
              (9) Những địa danh quân dân Đại Việt chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông trong thế kỷ XIII.
              (10) Sông Bạch Đằng, thuộc thị xa Quảng Yên, giáp địa danh huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), nơi diễn ra các trận đánh:
                        - Năm 938 Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán.
                        - Năm 981 Lê Hoàn đánh thắng quân xâm lược Tống.
                        - Năm 1288 nhà Trần đánh bại quân Nguyên Mông.
               (11) Vào thế kỷ XIII, ba lần quân Nguyên tràn sang xâm lược Đại Việt, trước thế giặc mạnh, vua tôi nhà Trần đều chủ động bỏ thành Thăng Long vườn không nhà trống lui về vùng Thiên Trường, Thanh Hóa để bảo toàn lực lượng và hoàng tộc.               
              (12) Sách Đại Việt Sử ký bản thử thực lục chép rằng: ngày mùng 03 tháng 4 năm Quý Tỵ Hồng Đức năm thứ tư (1473) tức năm Minh Thành Hóa thứ 9 có sự việc triều đình nhà Minh cho quân lấn chiếm đất các lộ Cao Bằng, Lạng Sơn. Vua Lê Thánh Tông (Thuần Hoàng đế) đã xuống đạo chỉ dụ cho Thái bảo Kiến Dương bá Lê Cảnh Huy lên Ải Nam quan đấu tranh ngoại giao để đòi lại đất: “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang Phương Bắc trình bày rõ điều ngay, lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc thì phải tội tru di”.



              

1 nhận xét:

Unknown nói...

Mình muốn có toàn văn bài thơ (Nấu cơm bằng cóng sữa bò) xem nó hay đến mực nào