Có những phút giây nhớ quê, nhớ mẹ, tôi lại nhìn trân trối khóm chua me dại hoa tím mọc hoang bên mé vườn. Ngày tôi còn bé, mẹ đi gặt, đi cấy lúa chiêm về, thường đổ từ trong cái giỏ tre đeo bên mình ra một ít cá thòng đong, mại cờ, cá giếc nhỏ, tôm, tép, cua... Mẹ bảo tôi ra mé ao đầu ngõ xóm lựa hái cho mẹ nắm lá chua me về để mẹ nấu "ù" lên một bát riêu cá chua. Tôi thích bắt con đỗng đễnh (còn gọi là con liêng liễng hoặc liễng), thứ côn trùng cánh cứng lưỡng cư buộc chân giả làm trâu chơi. Con côn trùng này giống như con cánh cam nhưng vỏ màu cánh gián hoặc đen đen, có thể bay hoặc sống dưới ruộng, ao. Con này vặt cánh, càng, nướng ăn thơm ngậy không khác gì cà cuống, muôm muỗm. Con cà cuống thường có ở vụ lúa chiêm, mẹ tôi đi gặt về hay bắt cho tôi chơi chán rồi nướng ăn. Cà cuống, muôm muỗm nhiều đến nỗi, lúa gặt về để ở sân, từng đàn cà cuống, muôm muỗm ăn ánh đèn dầu bay về đậu vào các lượm (bó nhỏ) lúa.
Ai đó nhớ cây đa, bến nước, sân đình. Còn tôi, đám lá chua me dại mọc hoang luôn gợi nhớ về tuổi thơ êm đềm bên ông bà, cha mẹ và lũ em cùng những nếp nhà mái rạ thâm xỉn màu thời gian. Hình ảnh cái chum sành màu gan gà ông tôi đặt hứng nước mưa từ cây cau già trước cửa bên dậu mồng tơi làm bằng tre còn mãi trong tôi. Bà tôi bảo nước mưa nấu chè mới ngon và xanh nước, nhưng phải là thứ nước mưa lưu niên, nước mưa mới nấu không ngon. Tôi phải xách hai cái vò gốm sành màu da lươn sang hàng xóm xin từ cái bể nước mưa về cho bà nấu nước. Cái bể này trong sân của khu nhà một địa chủ. Sau cải cách ruộng đất 1955, khu nhà được chia cho 4 hộ bần cố nông. Cái bể được dùng chung. Bây giờ cái dinh cơ đồ sộ đó không còn nữa.
Tôi là gã trai làng đang lưu lạc chốn phồn hoa đô hội luôn luôn nhớ trong mình vẫn ẩn giấu một góc quê da diết và rất có ý thức về điều đó. Anh Nguyễn Trọng Tạo, nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhạc sĩ có bài thơ hay đến mủi lòng về quê hương. Đó cũng là một góc nhìn, một góc nhớ của con người hào hoa, đa tài này. Đệ xin phép bác Nguyễn Trọng Tạo post bài thơ CỎ MAY TRÊN SÂN THƯỢNG lên cho làng FB thưởng thức. Tôi cũng xin phép nhà văn Đỗ Trọng Khơi, đồng nghiệp, đồng hương được post lên cả bài bình hay của anh về bài thơ này. Mong các anh không nỡ trách cứ gã nhà quê đang nao lòng nhớ cố hương
CỎ MAY TRÊN SÂN THƯỢNG
Thơ Nguyễn Trọng Tạo
Cỏ may khâu áo làng quê
cớ chi gió thổi bay về trời cao
ta trên sân thượng chạm vào
cỏ may. Ta cúi xuống chào... cỏ may!
Đời phiêu bạt sáu tầng mây
từ trên chót đỉnh nhìn ngây phố nhà
nào ngờ cỏ đã đơm hoa
găm vào ta nỗi xót xa tận lòng.
Người như con tốt sang sông
chìm trong phố thị còn trông quê nhà
áo quần chẳng rách như xưa
Trái tim rạn vỡ vẫn chưa vá lành.
Cỏ may không hẹn mà xanh
tìm ta khâu vá cho lành vết thương
ngang trời hoa cỏ đẫm sương
loanh quanh sân thượng mà thương cánh đồng.
LỜI BÌNH CỦA ĐỖ TRỌNG KHƠI:
Cảm xúc thơ bắt đầu từ một cái nhìn ngỡ ngàng, sửng sốt về một sức sống bền dai tươi tốt lạ lùng. Sức sống một loài hoa cỏ. Loài cỏ may vốn chỉ nẩy nở ở cánh đồng. Vậy mà như theo bước người "phiêu bạt sáu tầng mây" cỏ vẫn đơm hoa trên sân thượng nơi thành phố. Như một cuộc rượt đuổi, một ám ảnh không thể dứt. Như một định mệnh của tình yêu, của số phận kẻ nhà quê.
Nhà quê một khái niệm vừa bao la, trìu tượng vừa cụ thể xương máu. Những hình bóng người thân, cảnh vật thiên nhiên... sẽ mãi theo bước người tha phương dựng một cõi nhớ da diết vô cùng. Cái cõi nhớ mang riêng một hệ thời gian và nó luôn trong tình trạng mở cửa dẫn bước người trở về. Một mảnh trăng, màu khói, hay một miếng ăn ngon... tất thẩy như đã thành chất gây men gây nghiện. Thời gian nỗi nhớ thương càng lùi xa càng thêm cộng hưởng. "Ngẩng đầu nhìn trăng sáng / Cúi đầu nhớ cố hương..." (Lý Bạch) hay "Anh đi anh nhớ quê nhà / Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương" (Ca dao). Và ở thơ Nguyễn Trọng Tạo, hình ảnh mang bóng dáng quê nhà đó là "cỏ may khâu áo làng quê".
Nỗi nhớ thời gian là cảm xúc chủ đạo chi phối thơ Nguyễn Trọng Tạo qua các tập thơ ông cho in gần đây. Như Đồng dao cho người lớn, Nương thân, Thế giới không còn trăng... Bài thơ Cỏ may trên sân thượng rút từ tập Thế giới không còn trăng tiêu biểu cho hướng cảm xúc này. Và nỗi nhớ thời gian ở bài thơ này còn nằm sâu, rất sâu trong một vết thương tình yêu: Trái tim rạn vỡ vẫn chưa vá lành. Bởi vậy "cỏ may" xuất hiện mang trong nó cả hình bóng quê nhà với chức năng "khâu vá" cho vết thương: Tìm ta khâu vá cho lành nhớ thương. Mang ý niệm cao quý đó, tư tưởng thơ mới tạo nên một biểu cảm: Cỏ may. Ta cúi xuống chào cỏ may. Ấy là cái "cúi chào" cả hình bóng quê nhà mà cỏ may là một cưu mang, một khả thể duy nhất đưa lại hình bóng quê nhà trong tâm cảnh đó. Và cũng qua đây cho hay, từ con mắt nhân sinh quan ấy một thế giới mang sức ôm trùm thời gian (nỗi nhớ) trượt sang không gian (cảnh sống): Ngang trời hoa cỏ đẫm sương / Loanh quanh sân thượng mà thương cánh đồng... là một tổng thể bao quát mà ẩn ức, cô lẻ. Chữ "ngang trời" đặt bên chữ "loanh quanh" thể hiện ý niệm tinh thần ấy. Đại từ nhân xưng Ta và hình ảnh "sáu tầng mây", "ngang trời" họa nên vị thế cao sáng đấy, tuy vậy nó vẫn không thể làm giảm thiểu và nó cũng không hề có ý định giấu diếm đi một thân phận, một nỗi buồn cô vắng, cô thôn nơi phố thị: Người như con tốt sang sông / Chìm trong phố thị còn trông quê nhà... Ấy là tấm chân dung chân thực của một phận người mang ký ức tình yêu với chốn làng quê như định mệnh và như một thực tại sống.
Cỏ may trên sân thượng: Tình buồn mà cảnh đẹp. Ý nhẹ thoát, chữ giản dị. Với yếu tố cấu thành bút pháp ấy, bài thơ đã dựng nên một cõi nhớ riêng. Và đấy cũng là cõi quê nhà muôn thuở của những hồn thi nhân xưa nay vậy.