Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2013

MÙA LÚA MỚI TRÊN VÙNG ĐẤT THIÊN TRƯỜNG

                               Ảnh: Cổng đền Trần ở phường Mỹ Lộc (TP Nam Định)                                                         
               Vùng đất Xuân Trường - Giao Thủy một phía giáp biển, một phía giáp vùng Hải Hậu, còn hai phía được tắm mát bởi phù sa sông Hồng và sông Ninh Cơ. Bên kia sông Ninh Cơ là vùng đất Trực Ninh. Đây là một trong những vùng đất thang mộc của nhà Trần. Trong ba lần giặc Nguyên sang cướp nước Đại Việt thì cả ba lần vua tôi nhà Trần đều bỏ kinh thành Thăng Long, xuôi dòng sông Cả (sông Hồng) lui về hương Tức Mặc. Nơi đây, các vua Trần xây dựng nhiều hành cung. Nhiều cuộc nghị sự đã diễn ra tại đây. Một trong những hành cung đó bây giờ là di tích đền Trần thuộc phường Mỹ Lộc, thành phố Nam Định. Năm 1262, vua Trần Thái Tông cho lập phủ Thiên Trường. Điều này có nghĩa, trước năm 1262 chúng ta đã có làng Tức Mặc với đơn vị hành chính là cấp hương (giống như ở thời Lý). Nhưng khi ấy, một làng (hương) to bằng một huyện bây giờ. Sau đó Thượng hoàng Trần Thái Tông đã xuống chiếu đổi hương Tức Mặc thành Phủ Thiên Trường. Trong Dư địa chí, Nguyễn Trãi chép: Phủ Thiên Trường bao gồm 4 huyện: Giao Thủy, Nam Chân, Mỹ Lộc và Thượng Nguyên. Hành cung Tức Mặc khi đó là thủ phủ. Kể từ khi chính thức được đổi thành Phủ Thiên Trường (1262) đến nay (2013), Thiên Trường- Nam Định đã trải qua 751 năm lịch sử.
             Tôi về nơi đây những ngày lúa hai bên đường tỉnh lộ và ven đê sông Hồng, sông Ninh Cơ đã chín. Tuy chưa chín rộ, còn nhiều thửa ruộng mới chín đỏ đuôi nhưng nhìn khắp cánh đồng đã trải một màu vàng óng ả. Lúa bằng đầu cây, không có thửa nào cây cao trội vì nông dân cấy cùng một giống lúa, cấy cùng một thời điểm sau tết ta. Buổi tối đi trên đường làng hoặc ra hóng mát phía bìa làng, hương lúa phả về thơm nức. Những đám rơm đã tuốt sạch hạt thóc phơi rải rác trên đường làng cũng vẫn tỏa ngào ngạt hương lúa mới. Bà con không đun rơm nữa mà chỉ phơi khô đốt bón ruộng. Nhiều gia đình dùng ga, bếp than tổ ong hoặc đun bếp trấu. Đi trên đê sông Ninh Cơ, gió mát rượi từ sông phả sang, từ cửa biển Thiên Trường (Giao Thủy) thổi vào lồng lộng mang theo ngạt ngào hương lúa mới đầu mùa. Tiếng chuông nhà thờ xứ Bùi Chu ngay cạnh sông Ninh Cơ thong thả buông, xen lẫn tiếng sáo diều vi vút làm tôi nao nao trong tâm trí. Bất giác, tôi nhớ đến giai điệu bài hát "Ngày mùa" của cố nhạc sĩ Văn Cao. Ông viết bài hát này năm 1948 nhưng vẫn tươi rói giai điệu một mùa vàng nông thôn Việt Nam yên bình. Tôi rất yêu bài hát này như yêu đồng lúa chín trĩu vàng nơi quê nhà mến thương

Ngày mùa vui thôn trang,
lúa reo như hát mừng.
Lúa không lo giặc về
khi mùa vàng thôn quệ
Ngày mùa vui thôn xóm,
đầy đồng giáo với gươm,
súng tì tay anh đứng,
em ngừng liềm trông sang.
Lúa lúa vàng, đồng lúa bát ngát trờị
Bao tay liềm từng nhánh lúa thơm rơị
Ngày vui quân du kích đứng im trông lúa dập dờn.
Người người qua gánh lúa,
nón nghiêng nghiêng cười ai
(Ngày) mùa vui thôn trang,
cũng như trên cánh đồng.
Nhớ công ơn già Hồ,
khi mùa vàng quê hương.
Ngày mùa quân du kích
đặt từng gánh trước sân,
dân làng vui như tết,
qua mùa này không lọ
Gánh thóc vàng từng lớp gánh về.
Gánh thóc vàng từng sớm nắng trên đê
Ngày vui quân du kích đứng im trông lúa dập dờn
Rồi rời sang xóm khác, nhớ lúc ai nhìn theọ


Không có nhận xét nào: