Thứ Ba, 2 tháng 7, 2013

ĐÒ NGHỆ XUÂN THIỀU*

LÃO NÔNG PHU xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà toán học, nhà thơ - Ông đồ xứ Nghệ  Vương Trọng. Xin cảm ơn nhà thơ đã cho bạn đọc thưởng thức bài viết hay về nhà văn tài danh đã khuất, đồng hương của anh: Nhà văn Xuân Thiều


Ảnh: Nhà thơ Vương Trọng

Ngày chưa về công tác tại tạp chí Văn nghệ Quân đội, cách đây trên 35 năm, tôi thuộc khá nhiều câu thơ trong những bài thơ của ông, lúc thì mang tên Xuân Thiều, lúc thì với bút danh Nguyễn Thiều Nam, bây giờ có thể chép lại theo trí nhớ. Đó là hai câu kết trong một bài viết về khẩu đội pháo phòng không trên đỉnh núi : " Giá mà kéo núi lên cao nữa/ Giáp mặt quân thù đánh tuyệt hơn". Đây là khổ đầu trong bài thơ viết về tiểu đội bộ binh quân giải phóng ở miền Nam: " Ngủ một giấc ngày mai đi đánh giặc. Tiểu đội nằm ôm nhau trong hầm chữ A. Bom toạ độ réo qua nhưng cơn mơ căm giận. Và cơn mơ xanh trời quê ta"...Khi về công tác ở Tạp chí, tôi mới biết ông viết văn xuôi là chính, thơ chỉ làm tay trái cho vui, và trong hơn ba mươi năm sống gần ông, tôi hiếm thấy ông làm thơ, mặc dù văn xuôi thì xuất bản đều đều, cả tiểu thuyết và các tập truyện ngắn. 
Giống như nhiều nhà văn quê Nghệ Tĩnh, Xuân Thiều đặc biệt yêu thích chơi chữ và làm câu đối. Thế nhưng khi tôi được Ban biên tập giao trách nhiệm lo phần câu đối báo tết, tìm đến ông để "đặt hàng" thì ông lắc đầu từ chối:
- Câu đối là trò chơi chữ. Thế nhưng trên báo tết hiện nay, câu đối hầu như không còn chơi chữ nữa, mất cái hay của câu đối. Viết cho hay hơn, thì mình không viết được, viết như thế, thì chả viết làm gì...
Rồi nhân tiện, ông đọc những câu đối " quái chiêu" của ông từng sáng tác, tôi nghe, " tâm phục, khẩu phục". Có điều, nhiều câu đối tuyệt tác của ông rất khó công bố trên báo chí vì lẽ này hay lẽ khác, mà nó chỉ được truyền miệng theo lối văn học dân gian, ví như các câu đối có địa danh Hóc Môn, Gò Công, Củ Chi…Còn những câu đối của ông đã được công bố tuy không xuất sắc bằng những câu " dân gian" kia, nhưng vẫn khá hay. Ví dụ như năm 1972, khi nhà thơ Vũ Cao, chủ nhiệm Tạp chí, và nhà văn Từ Bích Hoàng, phó chủ nhiệm, cùng bước sang tuổi năm mươi, Xuân Thiều có tặng hai thủ trưởng của mình một đôi câu đối khá hóm hỉnh và nghe cũng rất "sái":
Cậu năm mươi, tớ năm mươi, ờ nhỉ đôi ta tròn trăm tuổi
Đó cấp tá, đây cấp tá, ơ hay hai đứa chẵn đôi quan.
Xuân Thiều khoái hai chữ trăm tuổi và đôi quan, các nhóm từ mà người ta thường kiêng vì mang ý nói về cái chết, nhưng ở đây ông giả vờ hồn nhiên như chỉ " thấy sao nói vậy".
Đó là đối với hai thủ trưởng, còn với hai bạn văn là Ngô Văn Phú (Ban thơ), Vương Trí Nhàn ( Ban lý luân phê bình) của tạp chí, Xuân Thiều cũng làm câu đối mục đích để trêu đùa, chứ không hề có ý chê bai năng lực văn học của bạn mình. Câu đối ấy như sau:
Vương Trí Nhàn, mà trí chẳng nhàn, vương vãi hoài chút trí
Ngô Văn Phú, sao văn không phú, ngô nghê mãi nghề văn.
Một ngày tôi đến thăm nhà ông, mục đích là để sưu tầm một ít câu đối " dân gian" mà ông mới sáng tác. Ông hỏi thăm tôi về tình hình con cái, rồi tiện thể, ông nói về công việc của bốn đứa con của ông, hai trai, hai gái. Mừng cho ông vì cả bốn cháu đều làm ăn khấm khá, có cháu là giám đốc công ty lớn.Nghe xong, tôi cười và nói với ông:
- Đối với anh bây giờ thì Chả lo gì, chỉ lo già!
Xuân Thiều rất khoái trò chơi chữ ở đây, là một câu nói lái, nội dung lại rất đúng với hoàn cảnh của ông. Thế rồi có lần ông kể lại chuyện này trong một bài báo, độc giả tưởng đây là một vế thách đối , nhiều người gửi vế đối về. Một hôm Xuân Thiều tìm gặp tôi, khoe có một độc giả ở Hà Tĩnh, có vế đối khá hay, chỉ tiếc luật trắc bằng chưa chuẩn lắm. Độc giả ấy nói rằng, với các bác giàu có thì Chả lo gì, chỉ lo già, còn với những người nghèo khổ chúng em thì Nỏ cần chi, chỉ cần no!
Lần đầu tôi đi công tác với Xuân Thiều là tháng 5 năm 1975. Chính xác hơn, khi đó tôi là người của Tạp chí Văn nghệ Quân đội đang biệt phái ở Văn nghệ quân giải phóng, còn Xuân Thiều mới vào Sài Gòn. Coi mình là người đến trước, thông thạo thành phố hơn, tôi dẫn Xuân Thiều đi xem Sài Gòn. Mặc dù chúng tôi đều mặc thường phục, nhưng đi đến đâu, người ta vẫn gọi chúng tôi là bộ đội, và mời các chú bộ đội mua hàng. Tôi đi trước giải phóng, lương để lại Bắc cho vợ con nên không có tiền để mua bất cứ cái gì, còn Xuân Thiều mới vào, có mang theo tiền, nhưng ngoài việc chiêu đãi tôi và Lê Thành Nghị những bát hủ tiếu, ông không dám mua bất cứ thứ gì, vì lúc đó có quy định bộ đội không được mua hàng! Một hôm Xuân Thiều, Lê Thành Nghị và tôi đi vào bùng binh Bến Thành, thấy có người gạ bán máy ảnh Cannon khá mới, chỉ với giá ba mươi đồng. Xuân Thiều cầm máy ảnh xem, có vẻ thích thú nhưng bỗng nhiên trả lại máy cho chủ, lảng đi nơi khác. Tôi đi theo hỏi:
- Anh không mang theo tiền à?
- Có chứ.
- Máy ảnh cũ quá à?
- Còn rất mới.
- Đắt quá à?
- Rất rẻ.
- Thế sao anh không mua?
- Thế cậu không biết trên quy định cấm bộ đội mua hàng hoá à?



                              Nhà văn Xuân Thiều


Tôi và Lê Thành Nghị thuyết phục anh rằng, hàng hoá là những thứ to tát như ti vi tủ lạnh, xe máy...còn máy ảnh này mình mua để phục vụ cho công việc của phóng viên ...Nếu anh ngại thì đưa tiền đây, chúng em mua hộ, rồi anh trả tiền công bằng hủ tiếu!
Lúc đó tay bán máy ảnh theo lại gần tận nơi, Xuân Thiều nhìn trước, nhìn sau rồi lấy ra ba mươi đồng dúi vào tay Lê Thành Nghị, vội vàng lảng ra nơi khác. Cái máy ảnh Cannon mà Xuân Thiều dùng trong nhiều năm sau này có xuất xứ như thế!
Là một nhà văn thích đổi mới và sâu sắc, là một ông Đồ Nghệ hay chữ, nhưng Xuân Thiều còn là một cán bộ quân đội khá thích nghi với công việc hành chính. Từ năm 1979 đến 1982, hơn ba năm là Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, phụ trách hành chính nội bộ, Xuân Thiều phát huy khả năng hành chính của mình. Đó là thời kỳ đất nước cực kỳ khó khăn về kinh thế, lo chuyện cải thiện đời sống cho anh em trong cơ quan đâu phải chuyện đơn giản. Xuân Thiều và lái xe Phạm Hồ, mỗi năm không biết bao nhiêu chuyến đi về Hải Hậu ( Nam Định) và Ninh Bình để lo chuyện mua thêm lương thực cho anh em trong cơ quan, cũng như đi mua lợn về nuôi nhốt ở phía sau cơn quan, sao cho dịp tết có thể chia cho mỗi người vài cân thịt, dù là thịt đa khoa như anh em vẫn nói đùa, nhưng đã tạo niềm vui lớn cho mọi người. Hay như mấy năm ông được biệt phái sang Hôi Nhà văn lo công tác văn phòng, ai cũng phải thừa nhận ông là một cán bộ hành chính mẫu mực về duy trì giờ giấc cũng như quán xuyến công việc. 
Yêu thích và có tài sáng tác nhiều câu đối hay, đó chỉ là một phần chất " Đồ Nghệ" trong Xuân Thiều. Ông là một nhà văn tận tuỵ, có trách nhiệm trông công việc bồi dường những cây viết trẻ. Khi có các ai nhờ đọc tác phẩm và góp ý, ông đọc rất tỷ mỉ, sửa chữa từng chi tiết nhỏ, dù tác phẩm đó là thơ, truyện ngắn, hay cả tiểu thuyết. Khi được mời vào làm ban giám khảo các cuộc thi truyện ngắn, tiểu thuyết, ông không những đọc hết, mà đọc kỹ, phát biểu đúng chính kiến của mình, chứ không hề nói dựa, điều mà một số vị giám khảo quen làm! Tháng 8 năm 1991, Hội Văn nghệ Sơn La có mời ông và tôi lên trao đổi kinh nghiệm và đọc bản thảo của các trại viên. Chúng tôi lên ngay sau trận lũ lịch sử, nhà của em trai Xuân Thiều bị lũ trôi hoàn toàn, em trai ông bị chết, thế là ngoài việc giúp đỡ gia đình người em ổn định nơi ăn ở và điều kiện sinh hoạt, Xuân Thiều vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người hướng dẫn sáng tác, thể hiện trong việc lên lớp, đọc bài, góp ý sửa chữa, làm cho anh em trại viên hết sức cảm động. Chính trong dịp này, Xuân Thiều phát hiện ra cây bút truyện ngắn Sa Phong Ba, sau đó không lâu đã trở thành nhà văn. Rồi trại viết của Tạp chí tổ chức ở Cửa Lò năm 1993, cũng vậy. Trưởng trại Xuân Thiều hết sức quan tâm đến những cây viết nghiệp dư, muốn tận dụng thời gian giúp đỡ họ. Và ngay đối với các nhà văn tên tuổi tham dự trại, Xuân Thiều vẫn quan tâm, theo dõi, góp ý với các tác phẩm của họ, để cho chất lượng cao hơn. Truyện ngắn Vịt trời lông tía bay về của nhà văn Hồng Nhu, hình thành, ra đời trong trại viết này, sau đó đoạt giải nhì cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí, là một ví dụ.
Có một chuyện mà không phải người nào cũng biết là công việc của nhà văn Xuân Thiều đối với thơ và văn của Phùng Khắc Bắc. Bây giờ thì nhiều bạn đọc biết được Phùng Khắc Bắc là một nhà thơ có tài, với tập thơ Một chấm xanh từng được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Thế nhưng đến năm 1991, khi Phùng Khắc Bắc mất đi, thì không mấy ai biết anh có làm văn chương, mà chỉ nghĩ anh vốn là một cán bộ của Phòng văn nghệ Quân đội, sau chuyển sang làm cán bộ văn phòng của Hội Nhà văn. Sau khi Phùng Khắc bắc mất, chính nhà văn Xuân Thiều đã thu thập bản thảo của Phùng Khắc Bắc, hầu hết là chưa từng được công bố. Xuân Thiều bỏ ra mấy tháng trời để chọn lọc, phân loại, biên tập, liên hệ xuất bản, để có được tập thơ Một chấm xanh và một quyển tiểu thuyết, mà cả hai sau khi xuất bản đều được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Nếu như không có công lao của nhà văn Xuân Thiều, đến hôm nay, chắc hẳn các tác phẩm của Phùng Khắc Bắc chưa đến tay bạn đọc, họ không biết Phùng Khắc Bắc là ai, và trong mắt nhìn của các nhà văn, Phùng Khắc Bắc chỉ là một cán bộ văn phòng!
Anh Xuân Thiều ơi! Hội Nhà văn lại khôi phục lớp bồi dưỡng sáng tác ở Quảng Bá như những năm nào. Giá chưa rời bỏ trần thế thì tôi tin thế nào anh cũng tự nguyện đến Quảng Bá để giúp đỡ những người viết trẻ trong những khoá học sắp tới. Nhưng anh đã về Công viên Vĩnh Hằng ở Bất Bạt, gần quê hương nhà thơ Quang Dũng, ngước trông lên thấy ngọn Ba Vì và thầm đọc câu thơ " Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm" như bao lần anh đã đọc trong hai tuần lao động ở Mỏ Chén, Hoà Lạc năm nào. Bảy mươi tám tuổi chưa phải là nhiều nếu so với tuổi thọ của nhà văn Nguyễn Lân, nhà thơ Khương Hữu Dụng..., nhưng anh cũng thọ bằng bác Thanh Tịnh, lão tướng của ngôi nhà Số Bốn, người " năm sinh có ghi ở Nhà hát lớn Thành phố", và anh thọ hơn nhà văn Nguyễn Minh Châu, một người bạn đồng niên, đến những mười tám năm! Anh vẫn thường đọc cầu thơ: " Mỹ nhân tự cổ như danh tướng. Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu", và tôi tin ở chốn suối vàng nghĩ lại, không bao giờ anh nghĩ rằng mình chết trẻ. Tôi đã dịch thơ xong toàn bộ 250 bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du, thế là không kịp xuất bản để tặng anh như anh đã dặn. 
Vĩnh biệt anh! 
Một đứa em, người bạn vong niên có chất Đồ Nghệ như anh.

Hà Nội, 07 - 4 – 2007
Vương Trọng

* Bài viết của nhà thơ Vương Trọng trên facebook ngày 3/7/2013

Không có nhận xét nào: