Thứ Bảy, 21 tháng 6, 2014

THƯ GỬI CON Ở TRƯỜNG SA


THƯ GỬI CON Ở TRƯỜNG SA

Mẹ của con chưa bao giờ tới biển
Chỉ thấy nồm nam, gió phương ấy thổi về
Thấy mồ hôi con ướp mặn trưa hè
Chỉ mẹ biết. Mẹ thuộc hơi con từ bé.

Ngót tháng nữa quê nhà gặt lúa
Đồng thôn ta hạt đông sữa, chắc đòng
Trà sớm hơn đang ken hạt, đơm bông
Mẹ ước cỡ đầu sào dăm tạ thóc.

Em gái con đã vào hè, nghỉ học
Nó bảo vào phây để gặp gỡ Trường Sa
Em thấy con ngồi dưới gốc phong ba
“Anh đen giòn mà cười tươi, mẹ ạ!”

Mẹ chẳng biết phây là gì cả
Nghe em con nói thế, mẹ yên lòng
Biển nơi con hẳn dài rộng hơn sông
Mẹ nghe nói phải cưỡi tàu đi phỏng?

Đừng cười mẹ viết điều gì chưa chuẩn
Lời quê ta có vậy, mộc mạc thôi
Con đóng quân ở tít tận mù khơi
Nhớ giữ sức, yên lòng canh lũ giặc.

Còn điều nữa, mải dông dài quên mất
Cái Tít nhà bác Tâm luôn hỏi thăm con
Ấy, mẹ quên. Em nó lại chữa luôn:
Là cái Tấm, mẹ quen tên hồi bé.

Thư hôm nay viết ngắn thôi, con nhé!
Mẹ bận chiều nay còn thăm lúa đồng Chiêm
Hẹn thư sau, mẹ sẽ viết nhiều thêm
Cho mẹ hỏi thăm tới anh em, đồng đội.

Con biết đấy, người ở quê rất vội
Thôi, mẹ dừng tay. Nắng đứng bóng bên thềm
Mẹ mong con trai chân cứng đá mềm
Tái bút: Nhớ gửi thư cho Tấm nhé!

                                   0h 27 29/5/2014
                                                           NGUYỄN ĐÌNH THÁI

 













Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

UỐNG RƯỢU VỚI GIỜI




Đêm thu ngất ngưởng rượu giời
Tay nâng chén quế ta mời giăng suông
Rượu này ta cất từ sương
Men từ đá núi, ủ hương của giời
Rượu ngon ta cất để mời
Giọt cay, giọt đắng, men đời đắng cay
Rượu buồn uống mãi chẳng say
Men đời ủ mãi càng cay, càng nồng
Mênh mông ngồi giữa mênh mông
Hư không uống cạn hư không kiếp người
Đêm nay làm bạn với giời
Rượu suông ha hả, ta cười với giăng.

                                          Viết ở vỉa hè 10/9/2013

                                          NGUYỄN ĐÌNH THÁI

Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2013

BÀI THƠ THÁNG MƯỜI


Tôi lại về Chiến khu xưa đệ tứ
Trời Đông Triều trắng lắm một màu mây
Trầm mặc rêu phong, chùa Bắc Mã còn đây (1)
Thấp thoáng kia, bóng áo nâu đoàn du kích.

Vẳng đường thôn, tiếng ai cười khúc khích 
Đạm Thủy làng xưa, đâu dáng các anh về (2)  
Tư lệnh ơi, còn nhớ phố Mạo Khê (3)
Ất Dậu, tháng tư, anh về gây cơ sở. (4)

Tràng Bạch ơi, những ngày xưa gian khổ
Du kích Chiến khu về, đồn giặc vỡ tan
Cô gái Hổ Lao nghiêng vành nón cười duyên (5)
Em có biết nơi khai sinh Chiến khu đệ tứ. (6)

Dấu đồn giặc ở đâu, Bí Chợ (8)
Giặc Pháp kinh hoàng, vỡ trận Bô-lê-rô (9)
Cray-xăc và Ô-đa-xi-ơ (10)
Vịnh Rồng thiêng không để bay khuấy đục.

Xuân Sơn, Đại Bình, Đồng Văn, Yên Đức (11)
Uông Bí, Bình Liêu, Ba Chẽ, Cửa Ông (12)
Những tên làng, những tên đất, những chiến công
Những địa danh lưu sử vàng truyền thống

Tháng mười thu, trời trong, gió lộng
Em có về chơi Móng Cái cùng anh 
Trà Cổ chiều, cát trắng, sóng biển xanh
Mái đình cổ vẫn thi gan cùng tuế nguyệt.

Biển Hạ Long bốn mùa sóng biếc
Nhớ năm sáu tư, tháng tám, mùng năm (13)
Anh Trần, anh Tạo, Dương Văn Tân
Đã bắt gọn giặc trời An-vơ-ret. (14)

Trận địa vẫn đây, Anh hùng Đặng Bá Hát (15)
Dưới làn bom, vẫn kiêu dũng hiên ngang
Bến Hòn Gai, tàu tấp nập ăn than
Có tấn than nào máu anh nhộm thắm.

Có trận đánh nào mà không đổ máu
Anh Lộc, anh Cường, anh Bỉ, anh Lương (16)
Có trận đánh nào nửa trung đội thương vong
Nửa gánh cơm thừa, anh nuôi òa khóc.

Anh Vóc ơi, người đặc công rừng Sác
Lúc gài thuốc nổ đáy tàu, có nhớ Hạ Long
Quê hương ơi, nhớ lắm những dòng sông
Tuổi hoa niên vẫy vùng trên sóng nước.

Các anh trở về, người còn, người khuất
Một trăm hai lăm bà mẹ, nước mắt khô (17)
Chiến tranh qua đi đã tự bao giờ
Trong các Mẹ, chiến tranh còn hiện hữu.

Bao đền đài, trước thời gian không thể là vĩnh cửu
                                                                       
Tượng đài các Mẹ, các anh vạn kiếp tạc lòng dân
Đây Trường Sơn! Bạch Đằng Giang! Đây Việt
                                                                              Nam
Sông núi khí thiêng “nghìn thuở vững âu vàng”.  (18)

Có một góc trời biên ải xứ An Bang (19)
Người lính trẻ “Rọi Đèn” canh phên dậu
Có một dải biên cương yêu dấu
Tổ Quốc yên lòng, có lính trẻ Quảng Ninh.

                                                       Hạ Long 26 tháng 5/2013
                                                           NGUYỄN ĐÌNH THÁI

    CHÚ THÍCH:
(1) Chùa Bắc Mã (Đông Triều), nơi đồng chí Nguyễn Bình gặp đồng chí Hải Thanh để thống nhất lực lượng, chuẩn bị thành lập Khu căn cứ.
(2) Tại nhà đồng chí Nguyễn Kim Ngọc (làng Đạm Thủy- Đông Triều), ngày 15/7/1945, Ban lãnh đạo Khu căn cứ họp bàn và quyết định khởi nghĩa vào ngày 16/7/1945.
(3) (4) Cuối tháng 4/1945, đồng chí Nguyễn Bình (sau này là Tư lệnh Chiến khu) gặp đồng chí Hải Thanh tại nhà ông  Nguyễn Văn Đài (phố Mạo Khê) để bàn việc xây dựng lực lượng vũ trang, chuẩn bị thành lập khu căn cứ.
 (5) Du kích đánh chiếm đồn Tràng Bạch (Mạo Khê) ngày 16/7/1945.
 (6) (7) Sáng 17/7/1945, Ban Lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chính thức tuyên bố thành lập Đệ tứ chiến khu (chiến khu Trần Hưng Đạo) tại đình làng Hổ Lao (Đông  Triều).
(8) Ngày 01/7/1945 du kích chiếm trại địch ở Bí Chợ (Uông Bí).
(9)  Quân dân tỉnh Quảng Yên chống trận càn Bô-lê-rô của giặc Pháp từ 28/6 đến 26/8/1952.
(10)   Quân dân Hồng Quảng đánh chiếm tàu chiến Cray-xăc và Ô-đa-xi-ơ của Pháp vào các ngày 07 và 11/9/1945.
(11)   Tên một số xã trong tỉnh được Quốc Hội tuyên dương danh hiệu “Anh hùng thời kỳ. 
(12)         Tên một số huyện trong tỉnh được Quốc Hội tuyên dương danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” qua các thời kỳ.
(13) (14)   Trong trận đầu của cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, quân dân thị xã Hòn Gai đã cùng quân dân các tỉnh Quảng Bình, Nghệ  An, Thanh Hóa bắn rơi 08 máy bay Mỹ trong ngày 05/8/1964. Các đồng chí Tạo, Trần, Tân đã bắt sống tên trung úy giặc lái An-vơ-ret khi hắn nhảy dù từ chiếc máy bay F.4H bị bắn cháy xuống vịnh Hạ Long. Hắn là tên giặc lái đầu tiên bị bắt và bị giam lâu nhất cho đến năm 1973 mới được trao trả.
(15) Anh hùng Liệt sỹ Đặng Bá Hát, Đại đội trưởng đại đội pháo phòng không 37mm, thuộc tiểu đoàn tự vệ xí nghiệp Bến Hòn Gai. Anh hy sinh ngày 12/7/1972 khi đang chỉ huy đại đội bảo vệ phà Bãi Cháy trên trận địa +102. Anh hy sinh trong khi tay vẫn nắm chắc cờ lệnh. 
(16) *Anh hùng LLVTND Đỗ Viết Cường.
(17) *Các Anh hùng Liệt sỹ Đào Phúc Lộc, Lê Lương, Đỗ Chu Bỉ.
    Tính đến 3/2012 toàn tỉnh Quảng Ninh có 125 bà mẹ Liệt sỹ được Quốc Hội phong tặng danh hiệu “Mẹ Việt Nam Anh hùng”. Hiện 07 mẹ còn sống.
(18) Một ý trong câu thơ của vua Trần Nhân Tông:
                                  “Xã tắc hai phen chồn ngựa đá
                                  Non sông nghìn thuở vững âu vàng”
                                  “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
                                  Sơn hà thiên cổ điện kim lâu”
(19) An Bang: tên chỉ vùng đất Hải Ninh, Quảng Yên thời nhà Hậu Lê.
(20)   *Rọi Đèn (Truyền Đăng) tên gọi cũ của núi Bài Thơ bây giờ, nơi Thi sỹ - Hoàng Đế Lê Thánh Tông trong một chuyến tuần du xứ An Bang đã ghé thuyền Rồng và Ngự bút đề bài thơ 56 chữ nổi tiếng vào thế kỷ XV.

         *Phên dậu: (Rào chắn) từ cổ chỉ biên giới, biên cương.

Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2013

Quê Choa: “Đại sứ” Việt Nam “Running man” trên sân Emirates

Quê Choa: “Đại sứ” Việt Nam “Running man” trên sân Emirates:   Lê Thanh Phong   “Running man” Vũ Xuân Tiến giao lưu trên sân Emirates. Vũ Xuân Tiến - chàng thanh niên Việt Nam với biệt danh “...

Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

CÓ CHÚ THƯƠNG BINH NÀO CÒN SỐNG NHẬN RA CHỮ VIẾT CỦA MÌNH KHÔNG?



  • CÓ CHÚ THƯƠNG BINH NÀO CÒN SỐNG NHẬN RA CHỮ VIẾT CỦA MÌNH KHÔNG?
    (Bài viết trên Fb của nhà văn Nguyễn Quang Vinh)

    Nếu bạn đi trên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua huyện miền núi Minh Hóa (Quảng Bình), khi tới giáp ranh xã Hóa Tiến, bạn sẽ nhìn thấy một bảng chỉ dẫn ghi rằng: tại vùng núi đá thôn Yên Thành, xã Hóa tiến là Sở chỉ huy của mặt trân 559 Trường Sơn những năm chống Mỹ.
    Tôi luồn rừng theo sát người dẫn đường tên là Hòa. Anh đã treo người giữa lưng chừng vách đá tai mèo, nói vọng xuống:" Cẩn thận nghe. Anh bám lấy từng mấu đá mà trèo lên miệng hang, lớ ngớ trượt chân là ngã vỡ mặt đó". Tôi mắm môi mắm lợi đu người lên từng vách đá. Quá nhọc nhằn. Nhưng mà tại sao lại nhọc nhằn thế này, ngày ấy, đường thế này thì làm sao bộ đội, thanh niên xung phong đưa được thương binh vô hang. Hòa nói:" Để đuaa thuaơng binh vô hang quân y, người ta làm những cái thang gỗ dựng ngược, thang này nối thang kia, đi dễ hơn bây giờ"
    Cửa hang đá thấp tè. Nhưng vào trong thì rộng rãi. Hang đá hóa ra lại không phải bắt đầu từ chân núi mà treo ngược giữa lưng chừng dốc. Hòa kéo mấy cây nứa khô, đốt lên thành đuốc dẫn tôi vào trong. Quá khứ không xa lạ nữa, mọi kỷ vậth đang còn ở trước mắt: đôi dép nhựa bốn quai dành cho bộ đội nữ, cho thanh niên xung phong. Những cục pin khô. Những đôi dép cao su đã mòn vẹt. cả cái mũ cối đã mục nát. Hình như còn cả những mẫu vải quân phục. Một cái xẻng đã cháy cán. Một cối đá giã thuốc. Cối đá được đục ngay trên một phiến đá. Hòa nói:" Bà con kể, mấy o y tá thừơng đâm thuốc nam ở cối đá này rồi sắc thuốc cho thương binh uống. Xa hơn một chút, ngay trong ngách hang, vòm đá đen nhẻm muội than. Đó chính là gian bếp. Trèo lên bậc đá cao, tới một vòm hang rông và thấp, đó là nơi nghỉ ngơi cho các thương binh nhẹ hơn. Đây là hang đá quân y. Ngày ấy người ta gọi thế. Tôi đi tới vòm hang dành cho các thương binh nặng. Qua ánh đuốc, tôi ngẩn người đọc những dòng chữ viết một cách khó nhọc trên vách đá. Có dòng chữ viết bằng cách dùng vật cứng khoét sâu chữ vào đá. Lại có dòng chữ viết bằng màu đỏ trên đá, màu vẫn đỏ tươi. Các thương binh viết bằng sơn đỏ.
    May mắn, tôi lại gặp được nhân chứng của thời chiến tranh khốc liệt ấy. Bà tên là Đinh Thị Y, nhà ở ngay chân núi đá có những hang đá một thời. Bà là bệnh binh nặng. Ngôi nhà nhỏ, chỉ đi chừng nửa giờ là vào hang đá y tá.
    Bà Y kể: " 17 tuổi tui vô thanh niên xung phong. Tui nhớ, ngày tui nhập ngũ là tháng 11 năm 1967. Tui ở Binh trạm 12, đội điều trị 14, thuộc bệnh viện 14 đóng trong hang đá y tá. Phụ trách bệnh viện trong hang đá ngày đó là bác sĩ anh hùng quân đội Lê Đính. Đừng có hỏi ngày đó ác liệt như răng. Đừng có hỏi ngày đó bộ đội hy sinh đổ máu như răng. Đừng có hỏi ngày đó gian khổ, thiếu thốn, cực nhọc ra răng nữa. Ghê gớm lắm. Khổ tợn lắm". Chị Y nói, ngày đó, làm chi có chuyện các núi đá vôi này xanh rì như hôm nay. Tất cả đều bị bom Mỹ đánh phá trọc lóc, không còn một bóng cây nào. Ngày, nắng nóng chói mắt cháy da, đêm sương lạnh buốt xương. Các nữ y tá và thanh niên xung phong hàng ngày lo đi gùi gạo, đi cáng thương binh tại các tọa độ lửa trên đường Trường Sơn ở các trọng điểm Trà Ang, Mụ Gịa, Cổng Trời, Khe Ve, La Trọng, Bãi Dinh. Thương binh nhiều lắm. Bộ đội cao xạ, thanh niên xung phong, lái xe, bộ đội xăng dầu, bị thương, hy sinh hàng ngày, nhiều lắm, không nhớ nỗi.
    " Tui nhớ, có những thương binh rất nặng, cần phải cấp cứu ngay. Nhưng hang đá tối om, máy bay quần đảo, không dám thắp đèn sáng. Nếu khi tiêm cho thương binh mà thuốc tiêm chảy, là biết thương binh còn sống, còn ống tiêm bị tắt giữa chừng tức là chết. Có thương binh tui không nhớ tên, bị thương vào sọ não, trước khi chết, đưa cho tui lá thư anh ấy gửi cho vợ ở quê. Tui cầm lá thư đứng khóc cả đêm. Thương lắm. Chú coi. Nghĩa trang dã chiến của mặt trận lúc đầu chỉ là 1 nghĩa trang, sau rồi thêm nghĩa trang số 2, số 3, số 4, số 5, số 6. Có ngày hy sinh 39 đồng chí, phải huy động cả dân quân xã ra đào huyệt".
    Có lẽ phải dựng tại đây một tượng đài. Có lẽ phải làm một việc gì đó cho vùng đất này bớt hưu quạnh. Có lẽ phải đặt một dấu ấn nào đó cho nơi xa xôi này để mọi thế hệ không bị lãng quên cái nơi mà cha ông mình đã sống, chiến đấu vô cùng anh dũng để bảo đảm cho nhịp sống của đường Trường Sơn huyền thoại.
    ----
    Nhân chứng đây- chú thích theo thứ tự:
    -Ảnh 1,2 dấu tích chữ viết của các chương binh nặng trong Hang Quân Y
    -Cựu y tá tại Hang Quân Y: Bà Đinh Thị Y
    -Thung lũng dưới chân núi đá có Hang Quân Y.
    Thích · 

ĐÃ TỪNG CÓ MỘT TRANG SỬ NHƯ THẾ


Nhà văn Nguyễn Quang Thân từ thành phố Hồ Chí Minh có bài viết hay. Xin giới thiệu lại bài viết của ông đăng trên BVN 

Đã từng có một trang sử như thế!
Nguyễn Quang Thân

Trà dư tửu hậu

Nhìn lại sử nhà Lê, mặc dù Lê Nhân Tông, ông vua thứ ba sau Lê Thái Tổ cũng là một vua hiền nhưng lại không đủ tôi sáng. Tính ra từ Hội Thề Đông Quan chấp nhận sự đầu hàng vô điều kiện của quân Minh đến khi Lê Nhân Tông bị giết bởi người anh ruột trong một cuộc đảo chính tàn bạo mới chỉ có 32 năm! Hào quang cuộc kháng chiến chống giặc Minh và hai đời thịnh trị “Thái Tổ, Thái Tông, con bế con bồng con dắt con mang” không hãm được đà xuống dốc của một triều đại, nếu không chấn hưng thì xem chừng khó chữa.
Sau khởi nghĩa của Lê Thái Tổ đất nước được phục hưng, bờ cõi được giữ vững. Nhưng 32 năm gọi là thịnh trị thời “nguyên phong” ấy cũng là những trang sử mang nét đặc thù “hậu chiến”, đẫm máu công thần và chính sự tha hóa. Bài ký Trung hưng viết năm Quang Thuận (niên hiệu Lê Thánh Tông từ 1460 – 1469) được Đại Việt sử ký toàn thư chép lại đã tổng kết một cách sinh động “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” ấy dưới thời Lê Nhân Tông:
“Nhân Tông mới lên hai tuổi đã sớm nối ngôi vua, Thái hậu Nguyễn Thị là gà mái gáy sớm, Đô đốc Lê Khuyển như thỏ khôn giữ mệnh. Vua đàn bà mắt quáng buông rèm ngồi chốn thâm khuê, bọn họ ngoại lòng tham, khoác lác hoành hành khắp cõi, kẻ thân yêu nắm quyền vị, nạn hối lộ được công khai. Việc văn giáo lặng lẽ như băng hàn, người hiền từ phải bó cánh. Bậc túc nho như Lý Tử Tấn, Trình Thuấn Du thì đẩy vào chỗ nhàn, phường dốt đặc ồn ào như ong đàn nổi dậy, như chó chuột nhe răng. Tể thần như Lê Sủng, Lê Sát thì ngu si không phân biệt sáu loại súc vật, Chưởng binh Lê Điên, Lê Luyện, thì mù tịt, chẳng sao hiểu được bốn mùa một năm. Bậc lương thần như Trịnh Khả, Khắc Phục thì kèn cựa mà giết đi, người tài sĩ như Nguyễn Mộng Tuân thì đẩy vào vòng tai họa. Oan uổng không chỉ kêu xin, mọi việc thảy đều đổ nát. Văn giai như Công Soạn tuổi gần tám mươi, tể thần như Lê Ê không biết một chữ. Bọn trẻ không biết nghĩ, làm bậy ngông cuồng, người già chẳng chết đi, trở thành mối họa. Bán quan mua kiện, ưa giàu ghét nghèo. Hiền tài là rường cột của triều đình mà sạch không như quét đất. Văn chương là khí vận của nhà nước mà im ắng tựa cỏ khô. Bọn xiểm nịnh được tin dùng, kẻ đao bút được tiến cử. Lòng người sôi động, đường sá xôn xao. Bọn tặc thần Phạm Đồn, Phan Ban, Trần Lăng, Ngô Trang và phương chó lợn hơn 300 đứa, nửa đêm dám cả gan bắc thang trèo tường lẻn vào như là vào chỗ không người. Vua và Hoàng thái hậu đều bị hại, thương thay!” (Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Văn hóa Thông tin in lần 3, tập II, trang 216).
Nói theo ngôn ngữ ngày nay cho dễ hiểu, trong cái xã hội được coi là “thái bình” ấy của nước ta cuối triều Lê Nhân Tông có đủ các loại tệ nạn. Văn hóa, đạo đức xuống cấp tệ hại. Kỷ cương phép nước rối mù… Tình trạng ê chề này không phải huyên truyền mà đã được ghi vào chính sử.
Xã hội nhiễu nhương mất tám tháng dưới triều vua đảo chính Nghi Dân. Nhưng công thần và trung thần Lam Sơn vẫn còn đó. Và những người anh hùng Lam Sơn một thuở như Nguyễn Xí, Đinh Liệt đã phục hưng được kỷ cương, đưa được một minh quân bậc nhất lịch sử là Lê Thánh Tông lên ngôi báu. Nhân dân và đất nước luôn có cơ hội trung hưng. Lê Thánh Tông đã minh oan cho Nguyễn Trãi, giữ gìn được biên cương xã tắc với câu răn để đời: “Ta phải giữ gìn cho cẩn thận, đừng để cho ai lấy mất một phân núi, một tấc sông của vua Thái Tổ để lại”. Nhà vua cũng chăm lo phục hưng kỷ cương phép nước và thuần phong mỹ tục cũng như sự nghiệp văn học nước nhà. 24 điều răn của Lê Thánh Tông quảng bá cho dân tuân theo cùng với việc cho hoàn thiện bộ Lê triều hình luật khởi thảo từ thời Lê Thái Tổ, đã đưa một xã hội nhiễu nhương vào nền nếp thịnh trị. Đặc biệt, hòa bình được thiết lập lâu dài 360 năm cho đến ngày Tôn Sĩ Nghị kéo quân qua biên ải (1428 – 1788), kẻ thù phương Bắc chỉ biết ôm hận Lam Sơn mà không dám nhòm ngó giang sơn Đại Việt. Chưa có triều đại nào giữ được giấc mộng hòa bình dài như thế trước kẻ xâm lược phương Bắc.


Xin đừng ngạc nhiên và sửng sốt. Lịch sử cũng đã từng có những trang u ám. Thịnh suy là vô thường, cũng là lẽ thường. Nhưng xã tắc là trường tồn. Nhân dân là vĩnh viễn. Đọc lại lịch sử để giữ được lòng tin vào chân lý muôn đời ấy.



N. Q. T.

Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

NHỮNG NHÀ BÁO CAN ĐẢM VÀ TRUNG THỰC

"Một thằng viết báo trung thực cần lắm một Tổng biên tập trung thực"!

Làm thằng quân, khen sếp mình trên Fb mình là PHÔ. Nhưng phải công nhận, Nguyễn Quanh Vinh nói đúng.
Gần đây, không ít người khen những bài viết trên BLOG của mình và Lê Chân Nhân là trung thực, dũng cảm... Mình phải giải thích rõ rằng ko phải chúng tôi dũng cảm mà TBT tôi dũng cảm. Lý do, TBT là người quyết định. Nếu ông ấy không bật đèn, duyệt cho đi thì hay đến mấy, dũng cảm đến mấy cũng ném vào sọt rác.

" Một thằng viết báo trung thực cần lắm một Tổng biên tập trung thực"! Một nhận xét chuẩn không cần chỉnh.

Mình sẽ viết về chuyện này sau khi mình hoặc TBT mình nghỉ hưu!
He!
TẠI SAO LẠI VIẾT CÁC NỮ ANH HÙNG ĐI ĂN MÀY?

Nước Việt mình, quá biết về đại đội pháo binh xã Ngư Thủy tỉnh Quảng Bình. Đó là một đại đội pháo binh nữ đầu tiên hồi miền Bắc chống Mỹ. Đại đội được tuyên dương anh hùng. Thế giới biết đến họ từ phim tài liệu rất nổi tiếng của đạo diễn NSND Lê Mạnh Thích và NSƯT Lò Minh:Những cô gái Ngư Thủy.
Mấy chục năm sau, anh Lò Minh và anh Lê Mạnh Thích trở lại Ngư Thủy làm tiếp phim “Trở lại Ngư Thủy”, phản ánh cuộc sống còn biết bao gian khó của các o nữ pháo thủ. Rồi tiếng vang dội lên. Tất cả các o được mời ra Hà Nội chơi. Được nhận quà. Được nhận tình cảm ấm áp của biết bao cơ quan, người dân, lãnh đạo…
Câu chuyện tưởng thế là ngon lành, là đời sống các o ổn định.
Ai ngờ, mấy năm sau mình về, gặp các o, chỉ ròng nước mắt và nước mắt.
Hơn ba chục o không có nhà ở, hay chính xác là đang ở trong những căn lều rách nát, đồ đạc không có, cái áo lành mang cũng không có, bếp lạnh tanh, nhìn cay đắng.
Mình hỏi, sao các o thành tích như vậy, khổ như vậy lại không nằm trong danh sách được làm nhà tình thương, nhà tình nghĩa.
Các o lắc đầu, không biết.
Một o nói, là vì huyện thấy các o được mời ra Hà Nội nhận nhiều quà, nên nghĩ các o nhiều tiền rồi, không cho vào danh sách làm nhà tình nghĩa, tình thương nữa.
Mình hỏi, đợt ấy, các o được nhiều quà, nhiều tiền không?
Các co nói, nhận nhiều phong bì mừng, nhưng quy đổi lại, tiền mặt mỗi người được hơn 3 triệu, có thêm cái ti vi, ti vi mang về thì không có tiền trả tiền điện hàng tháng nên bán rồi. Tiền tiêu vài tháng mua gạo, mắm, hết.
Trong số các o, đa phần là không có chồng, không nhà cửa, không nghề nghiệp. Quê các o thì ở bãi ngang, chỉ kiếm sống bằng những con thuyền nhỏ, cả làng đều nghèo.
Một số o không biết có nghề gì làm thì đi ăn mày. Ăn mày trong làng có, ngoài làng có.
Nói chung là tình cảnh của những nữ anh hùng pháo thủ quá thảm hại.
Mình viết phóng sự in trên Lao Động.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc được, ghi thư về huyện Lệ Thủy, về tỉnh Quảng Bình, tỏ ý không hài lòng về việc địa phương lại bỏ rơi các o pháo thủ anh hùng này.
Thế là làn sóng phản ứng từ địa phương rất khủng khiếp.
Lãnh đạo địa phương cương quyết phản bác chuyện một số o đi ăn mày.
Tại sao lại ăn mày? Để cho các o của một đơn vị anh hùng đi ăn mày? Quan điểm đâu? Bản chất xã hội tốt đẹp đâu? Đảng lãnh đạo đâu? Họ hỏi thế nhưng chính các o lại đi ăn mày.
Anh Phạm Huy Hoàn, Tổng biên tập báo Lao Động gặp mình:
-Gay rồi đấy Vinh. Viết về các nữ pháo thủ của một đơn vị là anh hùng mà còn có người ăn mày. Họ phản ứng dữ dội. Cậu khẳng định lại xem, có ăn mày chứ?
Mình nói:
-Hoặc là họ ăn mày, hoặc là em ăn mày, anh lo gì.
Anh Hoàn nói:
-Vinh về lại, khẳng định bằng một bài nữa, nếu thực sự không ai ăn mày thì tao và mày ăn mày. Tiên sư chúng nó quan liêu.
Mình về. Lúc ấy trên báo Văn Nghệ in một bài của tác giả Quảng Bình phản bác lại báo Lao Động, rằng, đời sống mấy o Ngư Thủy rất được quan tâm, có khó khăn nhưng không ăn mày.
Mình về lại gặp các o. Các o líu lo kể vui lắm. Đoàn này về, đoàn khác về, ai bảo các o nói đi ăn mày, ai đi ăn mày? Tại sao ăn mày?
Các o nói, đây, o này đi mày, o này đi ăn mày, o này đi ăn mày, không nghề nghiệp, không chồng con, nghèo quá, khổ quá, không có chi ăn thì đi ăn mày có chi xấu? Bọn tui đi ăn mày có chi xấu? Có chi xấu? Ăn mày thì nói với nhà báo là ăn mày có chi xấu, có chi sai?
Mấy ông chịu, ấm ức ra về.
Rồi mình cũng gặp lãnh đạo chính quyền. Họ cũng thừa nhận là có một số o đi ăn mày thật, nhưng lại trách, đúng là có một số o đi ăn mày, nhưng sao anh lại viết là ăn mày?
He he
Sau hai bài viết của mình, các đơn vị, các ngành, cá nhân ào ào ủng hộ.
Sự thật về cuộc sống quá mức khổ cực của các o pháo binh Ngư Thủy đã không thể che giấu.
Trong vòng 6 tháng, báo Lao Động đã phối hợp với nhiều đơn vị ủng hộ, làm cho các o hơn ba chục ngôi nhà khang trang, có bàn ghế, giường tủ đàng hoàng.
Các o còn có tiền mua bò, mua lợn, đời sống dần dần ổn định.
Mỗi lần mình về, mấy o chạy ra từ đầu làng, những bàn chân chạy cuống quýt trên cát, ôm lấy mình, chú Vinh về, chú Vinh về, rồi các o kéo vô nhà, bắt ăn cơm, bắt ăn mực, ríu rít, rất cảm động.

Nếu hồi đó mình hèn, cứ viết các o khó khăn chung chung, không dám dùng hai chữ ăn mày, e các o không được như hôm nay.
Lại nhớ, anh Hoàn Tổng biên tập nói:
-Họ hết ăn mày rồi nhé, cuộc sống tốt rồi nhé, tao thưởng mày 500 ngàn.
Mình yêu quý anh Phạm Huy Hoàn vô cùng. Một thằng viết báo trung thực cần lắm một Tổng biên tập trung thực.




-------------

Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

LỖI HẸN BẰNG LĂNG

Nhà thơ Vương Trọng, quân nhân đang tại ngũ Hoàng Đồng Hới cùng tôi, CCB Nguyễn Đình Thái xin thắp nén hương tưởng nhớ các Liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ Quốc. Bài thơ là của nhà thơ Vương Trọng. Bài viết là của quân nhân Hoàng Đồng Hới (Nick Fb: Xóm Rú). Tôi xin trân trọng gửi tới độc giả bài viết của đồng chí Hoàng Đồng Hới và bài thơ của nhà thơ Vương Trọng. Ngày kia 27/7 là Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Nhân dân ta, non sông đất nước ta, những đồng đội, những CCB chúng ta sẽ tưởng niệm các anh trong niềm thương nỗi nhớ khôn cùng 



  • LỖI HẸN BẰNG LĂNG TÍM

    Giữa đỉnh mùa mưa, tầm tã trắng trời. Sáng nay chợt hửng, mình lại ghé thăm các anh chị. Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ nay được chỉnh trang quy cũ, khang trang. Cây hoa Bằng Lăng nhỏ và bài thơ “Lỗi hẹn Bằng Lăng tím” của bác Vương Trọng kề bên mộ chị Hoàng Thị Hoa không còn nữa, cảm giác thất vọng kiếm tìm cho mình nỗi nhớ nôn nao. Ngồi bệt bên thềm với bao câu chuyện ùa về, tất cả qua lời kể mà tâm trạng như người trong cuộc vừa mới hôm qua.
    Còn đó những ngày sau giải phóng. Chuyện về các Trung đoàn làm kinh tế từ miền Bắc xa xôi vào khai hoang xóa đói nghèo cho Tây Nguyên như vẫn còn bên tai. Ngày nối ngày, tháng tiếp tháng và năm lại năm, tuổi thanh xuân của các anh chị lấm lem đất đỏ, bom mìn. Thiếu lương thực, quần áo, thuốc men, nhiều trường hợp hy sinh vì Pôn Pốt, Fulro, vì sốt rét cùng bao cái chết bất ngờ như lũ, lốc treo tay. Đến bây giờ có mấy ai hay, biết bao cô gái đôi mươi của đồng quê chiêm trũng nằm lại nơi này, đổi cho những rừng cao su bạt ngàn xanh thẳm của hôm nay là bao linh hồn mãi mãi quây quần chốn đây giữa nhớ nhung vời vợi cố hương. Hẳn mai sau mấy ai còn nhớ “ông già Tháo”, vị phó tư lệnh già nua tay nắm vắt cơm khô ôm gốc cao su rũ lá mà mái đầu bạc phơ rung từng chặp khóc tiếc cho công sức chiến sĩ mình. Những con người như thế, như “già Tháo”, như bao nam nữ chiến sĩ của ông sẽ là huyền thoại, một huyền thoại mang hơi thở cuộc sống đọng trong lòng bao tiếng nói lương tri.
    Nhắc đến “Lỗi hẹn Bằng Lăng tím” của Vương Trọng lại nhớ về tất cả, lại thương nhớ đến nao lòng với chị Hoàng Thị Hoa, người thiếu nữ của làng quê Thượng Tiết - Đại Hưng - Mỹ Đức - Hà Tây đã nằm xuống khi tuổi đời mới chớm đôi mươi, trên môi vẫn mấp máy một lời sau cuối “Mẹ ơi, mẹ!”
    "....Nhớ lại lần em trốn giấc nghỉ trưa vượt qua khu rừng khộp
    Để hái cành hoa tím em yêu
    Nhưng xa quá, chẳng thể nào đến được
    Em chạy về nhanh cho kịp buổi làm chiều.
    Hoa bằng lăng, lời trối trăn em nhắc
    Đồng đội nhìn nhau, khóc
    Rồi khóc cúi nhìn em
    Tháng tám rồi, mùa hoa không còn nữa
    Chỉ có đây, một chùm quả nhỏ
    Em cầm mân mê, mân mê ...rồi tắt thở.
    Chỉ còn một tháng thôi
    Em được ra quân về với mẹ
    Thế mà không thể
    Hoa ơi!"
    --------------------------------------------------------------------------
    LỖI HẸN BẰNG LĂNG TÍM 

    (Chư Prông 2007 - Thân tặng Đại tá Trần Văn Khanh)

    Ba chục năm rồi em nằm lại Tây Nguyên
    Nghĩa trang Đức Cơ chang chang bia nắng
    Khói hương nhẹ, nước mắt người thì nặng
    Tan trời cao
    Thấm đất sâu
    Em nằm đây mà ta quá xa nhau
    Gọi không thưa, nhìn không thấu
    Đất ôm em đỏ tươi màu máu
    Mà mộ bia trắng đến rợn người
    Anh đứng lặng lần về ký ức.

    Một ngày đầu mùa mưa.
    Đất Chưprông, Đức Cơ
    Xôn xao đón mấy trung đoàn lính mới
    Có ngót ngàn lính nữ Hà Tây
    Làm trẻ trung cả núi rừng này
    Quân trang mới, tiếng nói cười tươi rói
    Ríu rít hỏi nhau qua thùng xe tải:
    - Đâu hoa Pơ lang?
    - Đâu chim Chơ rao, Pơ tốc?
    - Đâu nào, hoa tím bằng lăng?
    Đỡ nhau xuống từ xe Gas, xe Zin
    Những đôi má bầu bầu dưới vành mũ cối
    Theo tiếng còi, xếp hàng từng đại đội.
    Bữa ăn đầu tiên tù mù đèn đóm
    Từng mâm
    Ngồi xổm
    Bãi hoang
    Giấc ngủ đầu tiên thấm hơi rừng
    Nhớ nhà trùm chăn, thút thít
    Mắt đỏ, sớm mai thức
    Quê mình biết phía nào trông?
    Ngơ ngơ, ngác ngác
    Điệp trùng bốn phía rừng vây
    Rừng thì nhiều, loi thoi vài ngọn núi
    Khác núi Chùa Hương, chẳng giống Ba Vì
    Dáng cây lạ, lạ từ màu đất
    Hệt như son đỏ quạch dép, giày
    Tóc đen dài, da em mịn trắng
    Sống thế nào với núi rừng đây?

    Ba chục năm rồi em nằm lại Tây Nguyên
    Nghĩa trang Đức Cơ chang chang bia nắng
    Khói hương nhẹ, nước mắt người thì nặng
    Ơi Hoa, ơi Hồng...
    Tên các em nhoà đi trong nắng
    Hiện lên cánh rừng khai hoang
    Cao su già, hai em một gốc
    Rễ cây to, tay em thì nhỏ
    Gỗ cây cứng, mà tay em mềm
    Quê nhà chỉ quen việc nhẹ
    Làm thế nào kham nổi hỡi em?
    Xắn tay chặt, vẫn cánh tay con gái
    Cong người bẩy, vẫn eo thon con gái
    Sức mạnh tìm đâu ra?
    Bố ở xa, em trai ở xa
    Đồng đội nam cũng chẳng ở gần
    Có ai đâu mà cậy.
    Mồ hôi trơn cán búa công binh
    Mồ hôi rơi thấm đất bazan
    Phá sản Trần Lệ Xuân để lại
    Trơ ra như đá núi
    Biết hạt giống chờ mùa gieo vãi
    Bazan chờ mùa xanh
    Gốc cây già vẫn bám đất trụ lại
    Thương em bàn tay rộp phồng
    Quấn dẻ mười ngón mà đào, mà chặt
    Em xoay xở vẹo lưng, tức ngực
    Những gốc cây định mức
    Vẫn lầm lỳ thách thức
    Trong mồ hôi, nước mắt
    Trong nắng đổ, mưa rơi
    Nhớ lại những ngày thương lắm em ơi!

    Ba mươi năm rồi em về với đất
    Chưprông còn nhắc
    Trận mưa nghiêng ngả rừng khuya
    Tăng tích nước trút vào đầy võng
    Như nước cả trời
    Trút xuống một mình em
    áo quần, tóc tai như ngâm, như tắm
    Võng bạt tụt dây
    Em lăn xuống đất
    Làm bạn em chợt thức
    Trước cười
    Sau khóc
    Thương em co ro chịu rét
    Giữa rừng mưa không có áo quần thay
    Nhen lửa sưởi, khói nhoè củi ướt
    Em đứng run, răng va nhau cầm cập
    Bỗng nhớ sao rơm rạ quê nhà
    Bếp lửa ấm và bàn tay mẹ
    Phương trời biền biệt xa.

    Cơn sốt đầu tiên quật em trong chiều vác lồ-ô về dựng lán
    Mồ hôi đầm đìa trán
    Mà rét từ trong xương
    Núi Chư Ty, Phượng Hoàng
    Bỗng dưng nhìn nhợt nhạt
    Bỏ cơm chiều, leo lên võng bạt
    Đắp chăn, rung cả cây rừng
    Đặt xuống đâu nhờ bạn bè ủ ấm
    Lán chưa lợp đất chỗ nào cũng sũng?
    Đống cỏ gianh mới cắt còn tươi
    Em nằm run, mặt bừng bừng đỏ
    Phải chăng hồng cầu ra đi từ đó
    Để lại da vàng, môi thâm
    Mũi tiêm quy- nin chưa lui cơn sốt
    Đã áp- xe đỏ bầm
    Em chống gậy bước đi, cười mếu máo
    Dò dẫm bước về tay bê bát cháo
    Bạn bè ngồi mái lán lợp nhìn theo
    Mùi cháo thơm thức dậy bao cơn đói.
    Mấy tuần liền
    Bột mì ngào nước suối
    Luộc lên, đấy là cơm
    Gạo ít ỏi dành người sốt rét, bị thương.
    Rừng ở đây sao hiếm rau rừng
    Quanh quẩn chỉ đọt sắn
    Mít xanh
    Mào gà dại
    Đắng mồm, không tìm nổi quả chua
    Cơn sốt mấy lần quay trở lại
    Đâu rồi mượt mà mái đầu con gái?
    Chiều gội, tóc dính đầy lược chải
    Bần thần gỡ rối lòng tay
    Biết chẳng thể nào giữ lại
    Thôi đành để suối mang đi.

    Anh vẫn còn ở lại với em đây
    Nắng ngày hạ ngời xanh màu quân phục
    Anh mượn bóng mình che em phút chốc
    Như từng muốn che phần áo rách
    Phơi bày lỗ chỗ thịt da em.
    Những năm trời ta chật vật quân trang
    Tiêu chuẩn cấp một năm hai bộ
    Làm sao đủ với người đào gốc, chặt gỗ
    Cày cấy, gieo trồng?
    áo quần anh cũng vá chịt vá chằng
    Thiếu kim chỉ, nhựa cao su mà dán
    Rách rưới con trai là một chuyện
    Đào hố, chặt cây có thể cởi trần
    Nhìn các em vá víu thật đau lòng
    Cổ áo lộn ngoài vào trong
    ống quần quay sau ra trước
    Được vài bữa, lại rách xơ, rách tướp
    Còn chiều nào mà quay, lộn nữa đâu!
    Khéo tay kim chỉ cũng thừa
    Không tìm đâu ra vải làm mụn vá
    Chiếc mùi-soa cuối cùng đã cắt chia nhau.

    Mùa mưa ấy Tây Nguyên sao mà lạnh
    Phên lán thưa ào ạt gió rừng
    Ngày không sợ, chỉ lo đêm ngủ
    Quay phía nào cũng buốt sống lưng
    Một chiều tin vui cả khu rừng náo nức
    Xe quân nhu vừa chở về áo rét
    Lính con trai được phát áo "bà bô"
    Lính con gái lĩnh gì mà ríu rít?
    Rừng ChưPrông một chiều nở ngàn bông chuối đỏ
    Tối nhen ngàn bếp lửa
    Đêm ủ hồng ngàn giấc mơ
    áo mút đỏ mỗi em một chiếc
    Cả cỏ cây cũng thắm sắc cờ.
    Lạ kỳ sao áo mút
    ấm như lửa, mềm như da thịt
    Mặc vào tưởng được ai ôm
    Mặc vào thon eo, nở ngực
    Mặc vào muốn được soi gương
    Mặc vào như thành người khác.
    Chiếc áo cấp chống rét
    Mà sao đỏ đẹp đến ngỡ ngàng!
    Chỉ mặc thử cho bạn bè ngắm vuốt
    Rồi vội cởi ra xếp lại gọn gàng
    áo đẹp thế nỡ nào mặc ngủ
    Chỉ ấp iu đã ấm cả đại ngàn
    ấm giấc mơ một ngày nghỉ phép
    áo đỏ ơi, cùng em dạo đường làng.

    Mang khát vọng biến Tây Nguyên thành khu cây công nghiệp
    Nhưng cần cái ăn nuôi mình trước
    Phải trồng thêm khoai, đỗ, bí, bầu
    Lạc vàng hoa, ngô phun râu
    Củ sắn đội đất đai nứt nẻ
    Bữa ăn đã bớt dần kham khổ
    Môi bớt thâm, dáng đã bớt gầy
    Nếu có được quần đen và nón trắng
    Có nét làng quê kiểng n?i đây.

    Nhưng quê nhà tít tắp
    Máu đổ lại sát gần
    Những tưởng chiến tranh hết rồi từ hôm đắp đê Ba Thá
    Đơn vị em nghe tin giải phóng Sài Gòn
    Tung xẻng cuốc, ôm nhau khóc cười hể hả
    - Hoà bình rồi, hoà bình rồi!
    Chưa đầy tháng tuổi quân đã muốn về với mẹ
    - Hoà bình rồi, cần lính nữ làm chi?
    - Đơn vị vào Tây Nguyên làm kinh tế!
    - Lính mà, có lệnh là đi!.

    Dạo ấy lính mình thương vong sao lắm thế
    Vun gốc bí, lựu đạn nổ
    Đào sắn, mìn nổ
    Đi chặt lồ ô, bị phục kích
    Lính nữ chưa quen máu
    Hè nhau khênh bạn, gọi thất thanh
    Chất nổ ấy, găm lại từ chiến tranh
    Và khởi đầu cuộc chiến tranh biên giới
    Đạn pháo cầu vồng qua suối Ca Ma
    Lính Pôn Pốt luồn rừng cài mìn, bắn tỉa
    Rồi thế trận dàn ra hai phía
    Những điểm cao trở thành chốt lửa
    Giành giật, tiến lui
    Đất bazan thêm màu máu đỏ.

    Dạo ấy lính mình thương vong nhiều quá
    Đơn vị dành riêng một đại đội đóng quan tài
    Xưởng cưa là tên gọi
    Rừng Mooc- đen rền nhịp xẻ bi ai
    Gỗ hồng sắc, mạch cưa như máu đổ
    Mỗi lần em nhóm bếp run tay
    E ngại khi cho mụn cưa vào lửa
    Lưỡi cưa nấc trong từng mạch gỗ
    Em nghe như lời vĩnh biệt vọng về:
    - Mẹ ơi, ơi mẹ!
    - Mẹ ơi, ơi mẹ!
    Mẹ xa lắm, mịt mù phương bắc
    Tiếng gọi này chỉ núi rừng nghe.

    Hoa ơi!
    Anh vẫn còn ở lại với em đây
    Nghĩa trang Đức Cơ chang chang bia nắng
    Đất Chưprông hai năm, hai tháng, bảy ngày em sống
    Qua đói rách
    Qua sốt rét
    Qua đạn thẳng Phun-rô
    Qua pháo vồng Pôn Pốt
    Mà không qua được
    Một ngày tháng Tám em ơi!
    Em dậy sớm nấu cơm cho đại đội
    Việc quen làm đã tám tháng nay
    Lính xưởng cưa còn giấc say
    Đêm qua xẻ tận khuya
    Những mạch gỗ mùi còn khét lán
    Mụn cưa vun cao như những nấm mồ
    Rừng mịt mù mùa mưa
    Từ bếp ra, em lần từng bước
    Chiếc đèn khô bấc
    Lửa đã châm rồi như muốn tắt
    Em lên kho, quờ quạng tìm dầu
    Nghiêng can rót
    Và trời ơi
    Lửa, lửa!
    Can rời tay, dầu pha xăng tung toé
    Lửa bùng to, liếm vệt dầu loang
    Em thành bó đuốc cà- boong
    Chạy kêu thất thanh rồi đổ xuống sàn
    Đồng đội bốn bề lao vào dập lửa
    Cứu được kho mà không cứu được em.

    Nằm trong mền chăn ngún khói
    Em thì thào hai tiếng Mẹ ơi
    Mẹ xa quá, làm sao mà đến được
    Em đòi gặp cô Nguyên
    Tận Xê Chín, cô Nguyên không đến kịp
    Em đòi hoa bằng lăng
    Đồng đội khóc
    Nhớ lại lần em trốn giấc nghỉ trưa vượt qua khu rừng khộp
    Để hái cành hoa tím em yêu
    Nhưng xa quá, chẳng thể nào đến được
    Em chạy về nhanh cho kịp buổi làm chiều.
    Hoa bằng lăng, lời trối trăn em nhắc
    Đồng đội nhìn nhau, khóc
    Rồi khóc cúi nhìn em
    Tháng tám rồi, mùa hoa không còn nữa
    Chỉ có đây, một chùm quả nhỏ
    Em cầm mân mê, mân mê ...rồi tắt thở.
    Chỉ còn một tháng thôi
    Em được ra quân về với mẹ
    Thế mà không thể
    Hoa ơi!

    Đồng đội mặc cho em áo mút
    Chiếc áo mới nguyên, em cất đáy ba lô
    Hơn một năm qua
    Em để dành, như chưa hề mặc
    Bè bạn thương em nghẹn từng tiếng nấc
    Xưởng cưa xuất thêm một chiếc quan tài
    Tiễn em về với đất
    Chân núi Phượng Hoàng mỗi ngày một chật
    Ba ngàn liệt sĩ quanh em.

    Ngày chuyển em về nghĩa trang liệt sĩ Đức Cơ
    Nhiều thứ tan đi mà vẹn nguyên áo mút
    Là đốm lửa ký ức
    Sưởi em qua quạnh vắng núi rừng
    Là tín hiệu báo cho anh biết
    Chính là em, chẳng thể nào nhầm.

    Tròn ba mươi năm em về với đất
    Tây Nguyên từng mùa đổi khác
    Những đơn vị nhỏ nhoi khai hoang thời ấy
    Đã lớn lên, hợp thành một Binh đoàn
    Đói rách ấy đã lùi về quá khứ
    Thiếu thốn ấy chỉ còn trong chuyện kể
    Quanh chỗ em nằm, Đức Cơ hoá phố
    Đường Mười Chín phẳng căng mặt nhựa
    Cao su đơn vị anh trồng xanh tận suối Ca Ma
    Làng Nú, làng Tung xác xơ ngày ấy
    Ấm no tươi khuôn mặt từng nhà
    Gặp lại, bà con rơi nước mắt
    Ơn những người ngày đầu về mở đất
    Có tên em trong chuyện kể buôn làng...

    Ơi Hồng, ơi Hoa...
    Cành hoa ấy hôm nay anh không tìm thấy được
    Đã qua rồi mùa tím bằng lăng.

    (Vương Trọng- 5/2007)
    .