Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2013

BÀI THƠ VIẾT TỪ XÚC CẢM KHI ĐỌC MỘT BÀI BÁO


      Những ngày này, Nhân dân ta, Quân đội ta đang kỷ niệm 38 năm Ngày Chiến thắng 30/4. Nhưng giang sơn chúng ta chưa trọn vẹn về với nhân dân ta. Máu còn đổ và sẽ còn đổ.
      Tôi xin post trọn vẹn bài thơ này để mọi người chia sẻ với tấm lòng của một người lính, một người yêu nước Việt trong hàng chục triệu người Việt yêu nước mình
             
                                BÀI THƠ  VIẾT TỪ XÚC CẢM
                                  KHI ĐỌC MỘT BÀI BÁO *

                      “Thành Cổ Loa” (1) trên quần đảo Trường Sa – Việt Nam
                      Đá móng được chở ra trên những con tàu HQ Quân chủng (2)
                      Nền móng ấy sẽ muôn vạn năm, đời đời bền vững
                      Cương vực An Dương Vương được rào chắn giữa biển xa.

                      Mang đến Trường Sa một nắm đất phương Nam (3)
                      từ đôi tay của nhà giáo tương lai, sinh viên Sư phạm (4)
                      Nắm đất ấy còn nồng khói bom, khét mùi thuốc đạn,
                      hằn vết xích xe tăng T năm tư (T54)
                                                                                         còn lưu lại từ một chín bẩy lăm (5).

                      Người lượm ve chai Nguyễn Thị Quý
                                                                                                         phường An Phú Đông (6)
                      Mẩu tin nhỏ từ một mảnh báo con con, tờ Tuổi Trẻ (7)
                      đã lay động con tim giữa trưa hè trong ngõ nhỏ (8)
                      Chị hiến cho Trường Sa chỉ có nửa triệu đồng,
                                                            nhưng tình yêu thì phải được sánh với kim cương (9).

                      Cái hành vi ấy bình thường 
                                                                                             nhưng nghĩa cử ấy lại phi thường
                      Bởi sinh kế  nuôi con bằng việc bươn chải lượm nhặt ve chai,
                                                          nhưng chị bớt bữa, góp năm trăm ngàn
                                                                                 cho đủ tiền nghìn triệu thứ mười hai (10)
                      Thêm cả mười bẩy tỷ đồng xây Loa Thành nơi biển cả. (11)

                      Hơn tám chục triệu người Việt Nam là bấy nhiêu viên đá (12)
                      Có phên dậu vĩnh cửu nào được xây bằng
                                                                                             tình yêu Tổ Quốc thế này chăng?
                      Muôn vạn đá thiêng từ trùng điệp dãy Trường Sơn,
                      từ đỉnh Ba Vì, Thánh Tản Viên gửi ra xây biên cương trên biển.

                      Xã tắc lung lay, sơn hà nguy biến
                      Liệu còn ngõ phố nào cho chị Quý lượm ve chai?
                      Chân lý này đơn giản như phép tính một cộng với một bằng hai
                      Không cần học vị, học hàm cao siêu ai mà chẳng biết.

                      Chị Quý ơi, sao phải giấu đi những dòng nước mắt? (13)
                      Hãy khóc to lên, đây là đất, là quần đảo san hô, là biển của chúng mình
                      Đất Nước còn có thể sờ thấy cụ thể cả dáng hình
                      khi bàn tay quen lượm ve chai run run
                                                                                         đặt lên dòng Quốc hiệu thiêng liêng
                                                                                                                     trên cột mốc. (14)

                      Thì đây, giữa biển Đông có một phần thịt da con dân Tổ Quốc
                      của linh hồn những chiến sỹ trên đảo nổi, đảo chìm giữa khơi xa
                      Tổ Quốc chính là lá Quốc kỳ anh lấy máu mình nhuộm thắm
                                                                                                                   trên bãi đá Gạc Ma
                       Giặc có thể giết anh nhưng phần giang sơn này không thể mất. (15)

                      Tổ Quốc là Mốc Chủ Quyền do tổ tiên và chúng ta
                                                                                     đang dùng đến cả máu xương xây đắp
                      Một trăm mười một kinh độ Đông, năm lăm phút,
                                                                                                                     năm lăm giây (16)
                      Vĩ độ tám phía Bắc, ba mươi tám phút ba mươi (17)
                      Sừng sững giữa Biển Đông trên quần đảo san hô Bão Tố. (18)

                      Tổ Quốc rực lên trong bốn bức tranh và sắc cờ bằng sứ
                      Đồ gốm Bát Tràng cưỡi sóng dữ tới Trường Sa
                      Phù sa đỏ sông Hồng do chính tay vua Lý Thái Tổ gửi ra
                      sau một ngàn không trăm lẻ hai năm. Tượng hình Quốc kỳ
                                                  trong ba trăm mười mét vuông 
                                                                                                     nơi biên cương xa nhất. (19)

                      Lẽ tạo hóa thường tình trong thuyết luân hồi: sinh sôi, cỗi già,
                                                                     trong các cặp phạm trù: thắng thua, được mất…
                      Nhưng non sông thì không thể mặc cả, không thể di dời
                      Phương Bắc, phương Nam riêng rẽ một cõi trời
                      Cương vực nào, non sông nào có chủ nhân
                                                                                                    của non sông, cương vực ấy.

                      Một ngàn năm (20) 
                                       cho đến mười bốn tháng ba
                                                                    một chín tám tám, (21)
                                                                                                      máu chúng ta vẫn chảy (22)
                      Sáu tư linh hồn còn canh giữ các đảo đá Len Đao, Cô Lin, Gạc Ma
                      Tàu HQ505 và các anh neo cạn trên đảo làm cột mốc sống
                                                                            để khẳng định chủ quyền giữa trùng xa (23)
                      Một doi đá ngầm nhỏ nhoi vài mét vuông thôi cũng cần phải có danh xưng,
                                            cũng là đất đai. Dưới đất đai và sóng đại dương còn có cả
                                                                                         thịt da, máu xương người Việt. (24)

                      Vài chấm nhỏ trên bản đồ, nhấp nhô nơi Biển Đông,
                                                           thế giới yêu chuộng yên ổn, hòa bình ai mà chẳng biết
                      Không phải ao nhà, nơi tiếm xưng cái gọi là
                                                                                                      Nam Hải của lân quốc đâu!
                      Dải đất trên bán đảo Đông Dương, có biển ở phía Đông
                                                                                        và khoảng không nước Việt trên đầu
                      Chỉ duy nhất một cách gọi:
                                          đấy là thềm hiên nhà dầm nước do Thục Phán
                                                                An Dương Vương đặt móng đã hơn bốn ngàn năm.

                      Bốn trăm phi công, viên chức phía Nam của Công ty trực thăng
                      Chỉ sau gần sáu mươi phút đã quyên gửi Trường Sa
                                                                                                    năm mươi triệu đồng mua đá
                      Mỗi một người nhắn một tin, để thành
                                                                                         một nghìn không trăm bốn tám (25)
                      lời yêu thương bay qua cánh sóng tới đảo xa.

                      Tất cả nhân dân mình đều hướng tới Trường Sa
                      Phụ nữ xô-viết Hưng Nguyên, hai mươi ba xã, góp
                                                                                      hai chục triệu đồng cho đợt một, (26)
                      dẫu cuộc sống thường ngày đâu cứ đợi khi nào dư dật
                      Thì đấy thôi, với tấm lòng thảo thơm, các chị đã 
                                                                                         xứng là những tỷ phú đất Nghệ An.

                      Những người trẻ của Tổng công trình giao thông
                                                                                                          Cienco năm (CIENCO5)
                      Một ngàn năm trăm huy hiệu Đoàn cùng
                                                                                                        ánh lên trên ngực trái (27)
                      Một nghìn triệu đồng của ba mươi ba chi đoàn (28)
                                                                                                                                đâu có phải
                      số đếm của đồng tiền
                                                            mà chính là hoa thơm
                                                                                                                   để kết trái tình yêu.

                      Đất nước ta vừa qua khỏi hai cuộc trường chinh,
                                                                                           nhân dân ta chưa khỏi thoát nghèo
                      Các cháu ở Si Ma Cai, Xín Mần, Mù Căng Chải chưa đủ cơm,
                                                                                                      cơm chưa có thịt để ăn (29)
                      Nhưng cấp thiết hơn, Tổ Quốc cần có chủ quyền,
                                                                                                    các cháu cần chỗ nương thân
                      Đất nước yên bình, các cháu ơi, rồi nhiều cơm, rồi bữa ăn dần có thịt.

                      Kia, cô gái Củ Chi mang trong mình bao nhiêu khuyết tật (30)
                      Sáu lăm centi, chỉ số trọng lượng ba mươi cân
                      Nhưng tình yêu nước của cô gấp bội chiều cao,
                                                                                                                    nặng mấy chục lần
                                                                                                                                                                                    
                      Tôi đã khóc thương người con gái xương thủy tinh,
                                                                                          trong người còn đioxin độc tố. (31)
                      “Xây lên nào, những yêu thương không vụn vỡ
                      Trường Sa ơi thắm mãi một tình yêu” (32)
                      Hai trăm ngàn đồng, có nhiều nhặn gì đâu (33)
                      Mỗi một học sinh góp năm trăm đồng,
                      nhưng tôi nghĩ rằng chỉ bằng ấy tiền thôi, vẫn
                                                                 có thể xây được móng vàng ròng
                                                                                                       cho “Loa Thành trên biển”

                      Cô gái tật nguyền Củ Chi ơi, tôi hiểu
                      Em xây yêu thương không vụn vỡ ở “Loa Thành”
                      Thân thể em lại dễ vỡ vụn mong manh,
                                                                                          cốt xương em trong trắng thủy tinh
                      Vịn vào Tổ Quốc, em bỗng vụt phi thường,
                                                                                     mạnh mẽ như Thiên Vương Phù Đổng

                      Trường Sa ơi, ngày những người lính Hải quân
                                                                                                     và cả dân tộc này đang sống
                      Đáng sống nhiều hơn vì ta còn có đất, có rừng, sông,
                                                                                                        biển đảo của chúng ta (34)
                      Một ngàn không trăm tám mươi năm, ngoảnh lại vẫn chưa xa (35)
                      Nền độc lập này chỉ có ta, do ta, đâu phải nhờ ai gìn giữ.

                      Nền độc lập của giang sơn này do dân giành lấy.
                                                                                 Dân ắt phải, mãi mãi phải là ông chủ!
                      Tư lệnh Giáp Văn Cương ứa lệ nhìn anh lính biển Nguyễn Văn Tròn: (36)
                      “Đất đai hương hỏa ông bà,  dù giá nào phải giữ lấy nhé, con
                      Mất đảo là mất biển. Mất biển thì chúng ta mất nước…”.

                      Người lính thô ráp quê biển Nguyễn Văn Tròn
                                                                                                                 rưng rưng nước mắt:
                      “Bố hãy tin, gian khổ mấy, chúng con vẫn vững vàng
                      Sức trẻ này xây bờ cõi giữa đại dương
                      Thuyền Chài buông neo chắc, Tổ Quốc ta không bao giờ trôi dạt!” (37)

                      Ba mét vuông đá  ở đảo Thuyền Chài chỉ có rẻo san hô và cát
                      Người lính yêu nước kia hồn nhiên sáng kiến: “giấu” đảo nhỏ đi
                      Chỉ cần cái xẻng con và một tiếng rưỡi đồng hồ
                      Nước che đất, Đất Nước không bị kẻ thù nào nhòm ngó. (38)

                       Mỗi một tấm lòng, mỗi một hành vi
                                                                                                                hay gửi vào trong gió                                                                                                                                                                                                                                                                                      
                      một nghìn tin nhắn. Năm nghìn sinh viên Bà Rịa – Vũng Tàu         
                                                                                   dù bữa cơm còn nghèo, ít thịt nhiều rau
                      nhưng vẫn góp hàng chục triệu đồng gửi Trường Sa
                                                                để các anh thêm cọng rau tươi cho bữa ăn đạm bạc.

                      Hãy gửi nhiều tấm lót vai cho những chàng Hải quân đang khuân vác
                      Vai áo rách bươm sau những bận
                                                                                                             vác đá dựng công trình
                      Hai trăm viên mỗi lần, vai rộp phồng,        
                                                                                                   hỡi người lính công binh (39)
                      Người ở đất liền cũng phồng rộp bao nhiêu là thương nhớ.

                      Sa Vĩ ngoài này cũng là nơi địa đầu sóng gió (40)
                      Tôi thức đêm nay nghe gió thổi tận Pò Hèn (41)
                      Tiếng còi tàu lẫn tiếng quân reo “Sát Thát” ở biển Vân Đồn
                      Có phải chiến thuyền “Soái” của Nhân Huệ Vương Khánh Dư
                                                                                                  đang neo ngoài Cửa Lục. (42)

                      Tiếng lá rừng hồi Thán Phún, rừng quế Hoành Mô rì rào,
                                                                                    thấp thoáng thuyền câu Vũng Đục (43)
                      Tiếng chuông thiêng non Yên Tử vẫn thoảng gió vọng về
                      Đỉnh Truyền Đăng nhấp nháy sao khuya (44)
                      Tôi miên man đồ rằng: khói lửa từ ngôi sao ấy đang báo tin chăng
                                                          nơi biên ải An Bang lũ ngoại xâm đang quấy phá? (45)

                      Đất trời và biển Rồng Đậu đêm nay yên tĩnh quá
                      Hãy lắng nghe Hạ Long đang rì rầm kể lại chuyện cũ bẩy trăm năm (46)
                      Người lính già đầu bạc thuở Nguyên Phong (47)
                      Dưới ánh trăng thu đang mài gươm bên vách núi.

                      Chẳng biết sau hai trăm hai mươi ba năm, kẻ thù còn nhớ lối (48)
                      Kể từ sau Kỷ Dậu. Gián Khẩu, Ngọc Hồi, Thường Tín, Đống Đa? (49)
                      Chúng còn nhớ chăng những gò đống
                                                                                       còn ai oán, vất vưởng những hồn ma
                      Tổ tiên ta đã nhân từ nhón tay lập nơi ngụ hương cho ác hồn dị tộc. (50)

                      Biển Đông, Trường Sa đang mùa gió lốc
                      Các em hãy tựa lưng vào vững chãi gốc phong ba
                      Phía tây các em, nơi ấy có Nam Quốc sơn hà
                      Hơn một trăm sáu chục triệu cánh tay sẽ đan kết
                                                                 thành tấm khiên thép khổng lồ
                                                                                                             chắn che cho quần đảo

                      Đất liền, hải đảo, biên ải. Suốt một dải
                                                                      cương thổ Việt Nam đang gồng lưng chống bão
                      Những động thái này thành kỹ nghệ đã bốn nghìn năm
                      Nghệ thuật này đã cụ thể hóa thành văn,
                      Được tổng kết trong “Đại cáo Bình Ngô”, “Hịch tướng sĩ”,
                                                                                                   “Tuyên ngôn độc lập”… (51)

                      Người dạy sử thế kỷ hai mươi, Anh Văn, Tướng Văn – Nguyên Giáp (52)
                      Đã viết nối vào chỉ dụ của Nguyễn Huệ - Quang Trung (53)
                      Viết thêm chương cho Hịch văn của Quốc Tuấn Hưng Đạo Vương
                      Vỗ lan xa nhịp sóng Trương Hán Siêu “Bạch Đằng Giang phú”.        

                      Những áng thiên cổ hùng văn vẫn muôn năm bất hủ
                      Nghiên mực viết thơ “Thần” còn đầy ắp đến hôm nay (54)
                      Khúc Như Nguyệt xưa, chứng tích vẫn còn đây (55)
                      “Tiệt nhiên định phận” cho “nước Nam, vua Nam ở”. (56)

                      Kẻ thù đã quên ư? Hãy nhắc cho chúng nhớ
                      Nhìn thấy không, khúc đường hiểm ải Chi Lăng?
                      Nhìn thấy không, bại tướng Liễu Thăng? (57)
                      Hồn phách lạc xiêu, chỉ còn kia, hình đá cụt đầu
                                                                                    lạc lõng, sượng sùng, bơ vơ xứ khách.

                      Chưa thuộc sử Nam ư? Thì nhắc cho chúng biết
                      đâu Đông Bộ Đầu, đâu Vạn Kiếp? Nhìn đấy Bình Than! (58)
                      Một dải ba lần cuồn cuộn sóng Đằng Giang
                      Chúng sẽ ngộ ra một điều thật giản đơn:            
                                                                                        Tại sao “tự cổ huyết do hồng”. (59)

                      Mỗi ngôi nhà cho đến mỗi dòng sông
                      Chúng có hiểu tại sao nhà và sông ở đây lại đều chọn phương Nam
                                                                                                    cho mặt tiền và hướng chảy?
                      Kinh thành Thăng Long giặc bao phen đốt cháy
                      mà sóng Hồng Hà vẫn ngàn năm kiêu hãnh khải hoàn ca.

                      Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam! Toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải,
                                      không phận Việt Nam có cả một phần không
                                                                thể tách rời: bầu trời, mặt nước biển
                                                                                    trong quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa
                      Thềm Tổ Quốc vươn dài nơi Biển Đông
                                                                                                      trùng trùng phong ba bão tố                                                                                   
                      Cửa ngõ nhà ta, ao nhà của ta, của  nổi, của chìm của ta,
                                                                                                                                 ta phải giữ
                      Cơ nghiệp này, giang sơn này, sông núi này
                                                    phải giao lại trọn vẹn không thể thiếu một tấc
                                                                                                        cho vạn đại cháu con. (60)
                      
                                                                                          Hạ Long 8/2012
                                                                     Nhớ 48 năm ngày truyền thống đánh thắng
                                                                                        trận đầu 05/8/1964
                                                                     của Quân chủng Hải quân NDVN anh hùng
                                                                                   Khởi thảo: sáng 04/8/2012
                                                                                   Viết xong: 0h30 09/8/2012

                                                                                      NGUYỄN ĐÌNH THÁI
                    
ĐỀ DẪN:
               * Bài “Góp đá xây dựng Trường Sa vững chãi, kiên cường” Ghi chép của nhà văn, nhà báo Chi Phan, Phó Tổng Biên tập Báo Cựu Chiến binh Việt Nam trong  chuyên mục Văn hóa – Văn nghệ , trang 22 Tạp chí Cựu Chiến binh Việt Nam số 251, tháng 7 năm 2012.
               (1) CBCS trung đoàn 83 Công binh Hải quân NDVN thường ví von các công trình quân sự trên quần đảo Trường Sa do mình xây dựng là “Thành Cổ Loa trên biển”.
               (2) Các tàu của Quân chủng Hải quân NDVN đều lấy ký hiệu trên thân tàu là HQ và số hiệu (Ví dụ các tàu HQ 604, HQ 505 đã anh dũng chiến đấu ngày 14/3/1988 ở vùng biển Trường Sa).
               (3) (4) (5) Từ  sự việc năm 2011, Nguyễn Phan Hà Châu, sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm TƯ TP Hồ Chí Minh mang một nắm đất từ đất liền khi ra thăm đảo Trường Sa, báo Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh có ý tưởng phát động chương trình “Góp đá xây Trường Sa”.
               (6) (7) (8) (9) Câu chuyện chị Nguyễn Thị Quý ở phường An Phú Đông, quận 12, TP Hồ Chí Minh là người làm nghề lượm ve chai. Trong một lần đi bán ve chai giữa trưa nắng, ngồi nghỉ trong một con hẻm nhỏ, tình cờ đọc hàng tít “Góp đá xây Trường Sa, góp lòng yêu nước” trên tờ báo Tuổi trẻ trong đống ve chai, chị đã góp hai lần (200 ngàn+300 ngàn) tổng cộng là 500 ngàn đồng nhờ báo Tuổi trẻ gửi ủng hộ “Góp đá xây Trường Sa”.
               (10) (11) Sau 3 tháng phát động chương trình “Góp đá xây Trường Sa”, báo Tuổi trẻ đã vận động được 12 tỷ đồng và xây dựng một công trình trị giá 17 tỷ đồng ở Trường Sa.
               (12) Dân số nước ta hiện nay.
               (13) (14) Khi ra thăm Trường Sa, chị Quý lặng lẽ đến bên cột mốc chủ quyền của Tổ Quốc, bàn tay chai sạn sờ lên từng dòng chữ đắp nổi bằng xi măng, cố giấu đi những giọt nước mắt xúc động. 
               15) Trong trận hải chiến ngày 14/3/1988, thiếu úy đảo phó đảo Gạc Ma Trần
Văn Phương  cùng 2 chiến sĩ Nguyễn Văn Tư và Nguyễn Văn Lanh được trung tá Lữ đoàn phó Trần Đức Thông (Đoàn 146 Hải quân) giao nhiệm vụ bảo vệ lá Quốc kỳ trên bãi đá ngầm. Khi đang giữ cờ, thấy một chiến sĩ bị uy hiếp, anh lao vào bảo vệ và bị trúng đạn, hy sinh tại chỗ. Trước lúc hy sinh anh đã nói: “ Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân anh hùng”. Lúc ấy các anh đều không có vũ khí để tự vệ.
               Ngày 06/01/1989, Liệt sĩ Trần Văn Phương đã được Quốc Hội  nước CHXHCN Việt Nam truy           phong danh hiệu Anh hùng LLVTN Việt Nam. Anh hùng LS Trần Văn Phương sinh năm 1965, quê ở xã Quảng Phúc, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Đảo đá Gạc Ma có tên quốc tế là Johnson South Reef. Bãi đá nơi cao nhất, chỉ khi nào thủy triều xuống mới nhìn thấy.
               (16) (17) Cột mốc ở đảo Trường Sa Lớn ghi: CHXHCN Việt Nam – Đảo Trường
Sa – Vĩ độ: 8 độ 38’30” Đông, Kinh độ: 111 độ 55’55” Bắc, khẳng định chủ quyền của nước ta đối với quần Trường Sa theo quy ước quốc tế.
               (18) Quần đảo Trường Sa có tên quốc tế là Spratly. Thời Pháp quản lý gọi là Đảo Bão Tố (lle de Tem pête).
               (19) Lá cờ Tổ Quốc ở Trường Sa được ghép trên mặt nóc bê tông cốt thép của Hội trường đảo Trường Sa lớn. Tiết diện vát chéo 14m x 30m được ghép từ 310.000 viên gốm sứ Bát Tràng phủ men nặng lửa đặc biệt để không bị nhiệt độ và muối từ gió biển làm phai màu. Mỗi viên gốm mosaic đặc biệt này cỡ 3cm x 3cm được gắn phủ trên bề mặt 12,4 m x 25 m (sau khi đã trừ gờ của mái) đã tạo thành lá cờ có diện tích bề mặt 310 m2. Từ trên máy bay hay vệ tinh, có thể chụp ảnh hay nhìn thấy Quốc kỳ Việt Nam trên nền xanh cây lá và mặt nước xanh biếc của biển Đông.
               Bốn bức tranh gốm sứ do bốn họa sĩ: Nguyễn Thu Thủy, Nguyễn Doãn Sơn, Phạm Viết Hồng Lam và Bùi Viết Đoàn thể hiện. Hai bức tranh hướng về phía trung tâm đảo thể hiện lịch sử của dân tộc ta gắn bó với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, giới thiệu biểu trưng cùng nét đẹp văn hóa của ba miền: Bắc – Trung – Nam và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Hai bức tranh phía sau đặc tả cảnh làng quê Việt Nam thân thuộc, trong đó có hoa sen, hoa đào, hoa mai,… Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy là tác giả con đường gốm sứ ở Hà Nội đã được công nhận là kỷ lục thế giới và là tác giả của lá cờ gốm sứ lớn nhất Việt Nam này. (1002 năm là tính từ khi Lý Công Uẩn thiên đô từ Hoa Lư về Thăng Long đến 2012).
               (20) 1000 năm (Một nghìn năm) Bắc thuộc tính từ năm 179 tr.CN, khi Triệu Đà thôn tính nước Âu Lạc của Thục Phán An Dương Vương, chia Âu Lạc thành 2 quận Giao Chỉ và Cửu Chân cho đến năm 0905 sau CN, Khúc Thừa Dụ giành lại độc lập từ tay nhà Đường (theo Sử ký  của Tư Mã Thiên).
               (21) (22) Trận hải chiến giữ các đảo Cô Lin, Gạc Ma, Len Đao, cụm đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của CBCS Lữ đoàn Hải quân 146 ngày 14/3/1988 trước áp lực mạnh về quân số, vũ khí của quân Trung Quốc. Trong trận này 64 sĩ quan, chiến sỹ đã hy sinh anh dũng, trong đó có đồng chí Trần Đức Thông, trung tá Lữ đoàn phó Đoàn M 146 Hải quân là người chỉ huy có chức vụ cao nhất và có quân hàm cao nhất. Sáu chiến sĩ khác bị địch bắt.
                      (23) Khi quan sát thấy tàu HQ 604 do Anh hùng, Liệt sỹ, đại úy Vũ Phi Trừ chỉ huy bị địch bắn chìm, thuyền trưởng tàu vận tải HQ 505 do thuyền trưởng Vũ Như Lễ chỉ huy đã mưu trí điều khiển cả tàu lao lên bãi cát làm thành một pháo đài chống trả quân xâm chiếm. Tàu bị cháy 2/3, các anh vừa dập đám cháy cứu tàu, vừa kiên cường đánh trả quân giặc. Vũ Như Lễ được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND Việt Nam. Anh về hưu sống ở quận Lê Chân (Hải Phòng) với quân hàm đại tá.
(24) Sau  trận hải chiến 14/3/1988, một số thi hài các chiến sĩ không tìm thấy, giống như trận đánh thành cổ Quảng Trị năm 1972, rất nhiều thi hài bộ đội ta đã chìm xuống lòng sông Thạch Hãn hoặc trôi ra biển.
               (25) CBCNVC Công ty bay trực thăng miền Nam đã quyên góp 50 triệu đồng trong gần một giờ đồng hồ và nhắn 1048 tin ủng hộ Trường Sa.
               (26) (27) Theo thông tin từ bài ghi chép “Góp đá…” của nhà báo Chi Phan.
               (28) Một tỷ (1000.000.000) đồng. Cách viết quảng xưng của tác giả.
               (29) Theo Blog Cơm có thịt của Tiến sĩ Trần Đăng Tuấn (Nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam).
               (30) (31) Cô gái Huỳnh Thanh Thảo sinh năm 1986 bị nhiễm chất độc màu da cam, bị bệnh xương thủy tinh. Cô chỉ cao 65 cm, cân nặng chưa đầy 30kg, quê ở xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh, đang sinh hoạt tại CLB Dấu chân Việt. Huỳnh Thanh Thảo phát động phong trào “Mùa hè yêu thương – Góp tấm lòng tới miền hải đảo” trong các bạn bè của mình. Sau một tháng,  quyên từ các bạn học sinh mỗi người 500 đồng, được 200 ngàn đồng và 11 lá thư, Huỳnh Thanh Thảo trao thư, tiền cho báo Tuổi trẻ nhờ gửi về Trường Sa thân yêu.
               (32) Trích hai câu trong bài thơ Huỳnh Thanh Thảo gửi tặng các chiến sĩ Trường Sa.
               (33) Theo bài báo “Góp đá…” của nhà báo Chi Phan.
               (34) Từ ngày 29/02 đến ngày 15/3/1961, Bác Hồ về thăm công nhân mỏ, đồng bào các dân tộc Khu Hồng Quảng và bộ đội Hải quân tại Quân cảng Bãi Cháy. Trên tàu HQ 254 – Hải Lâm ra đảo Hòn Rồng, Bác nói với các chiến sĩ: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay chúng ta có ngày, có biển. Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ…”
                 “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”.
               (35) Một ngàn năm Bắc thuộc và 80 năm Pháp thuộc tổng cộng 1080 năm cho đến 02/9/1945.
               (36) (37) (38) Nhà báo Chi Phan dẫn lời nhà thơ Trần Đăng Khoa, Giám đốc VOV có hình Đài Phát thanh TNVN, nguyên là chiến sĩ Hải quân trên đảo Thuyền Chài, cụm đảo Sinh Tồn từ năm 1975 đến năm 1994 kể câu chuyện giữa cố Thượng tướng, Đô đốc, Tư lệnh bộ đội Hải quân, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Giáp Văn Cương với chiến sĩ Nguyễn Văn Tròn. Tóm lược câu chuyện như sau:
               Khi thủy triều xuống, mỏm đá cao nhất của đảo Thuyền Chài chỉ rộng chừng 3m2 chiếu. Khi Tư lệnh đến thăm, chiến sĩ Tròn đề nghị “giấu” đảo đi bằng cách mỗi người lính dùng xẻng hất cát xuống biển. Chỉ trong một giờ rưỡi là xong, nước sẽ ngập đảo, kẻ thù sẽ không thể nhìn thấy đảo nữa. Khi tư lệnh “tặng” Tròn cái xẻng, sau đó quay lại thì Nguyễn Văn Tròn đang đắp lại đảo. Đô đốc Giáp Văn Cương hỏi:
                   - Cậu đang “giấu” đảo đấy à?
                   - Không! Con dựng xây bờ cõi bố ạ! Mà đúng ra là, chúng con “buông neo” cho Tổ Quốc khỏi bị trôi dạt!
          Chiến sĩ Tròn hóm hỉnh cười rất tươi, còn Tư lệnh lại ứa nước mắt:
               - Bố biết các con ở đây khổ lắm. Nhưng đây là đất đai hương hỏa của ông bà mình; mất đảo là mất biển, mất nước. Thế nên, bằng mọi giá, bố con mình phải giữ, con ạ!
          Chiến sĩ Nguyễn Văn Tròn rưng rưng nhìn Thủ trưởng:
                   - Vâng! Con hiểu. Ở đây khổ mấy, chúng con cũng chịu được. Không kẻ nào chiếm được đâu; Bố cứ tin chúng con đi!
               (39) Mỗi một chiến sĩ trung đoàn 83 công binh Hải quân, sau khi hoàn thành một công trình đã vác bình quân 200 viên đá từ tàu vào đảo.
               (40) (41) (43) Các địa danh xảy ra các cuộc chiến đấu trong trận chiến Biên giới năm 1979 ở Quảng Ninh.
                   - Sa Vĩ: (Đuôi cát), điểm cực bắc của Tổ Quốc về phia bờ biển còn có tên là Mũi Gót, thuộc phường Trà Cổ, TP Móng Cái (Quảng Ninh). Mũi Sa Vĩ nằm ở vĩ độ 21 độ 29’33” Bắc; Kinh độ 108 độ 04’05” Đông.
                   - Vũng Đục: Thuộc TP Cẩm Phả (Quảng Ninh), nơi thực dân Pháp xử bắn các chiến sĩ yêu nước rồi quăng thi hài xuống biển.
               (42) Thương cảng Vân Đồn ngày xưa (nay thuộc huyện đảo Vân Đồn), Cửa Lục (Cửa biển thuộc TP Hạ Long) tỉnh Quảng Ninh là các địa điểm xảy ra trận chặn đánh đoàn thuyền lương của tướng Trương Văn Hổ của nhà Nguyên 4/1288. Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư lĩnh ấn Phó tướng nhà Trần chỉ huy quân Đại Việt đánh thắng trận này, góp phần rất quan trọng vào chiến thắng lần thứ ba đội quân xâm lược Nguyên  - Mông trên sông Bạch Đằng (thuộc thị xã Quảng Yên – Quảng Ninh) ngày 09/4/1288.
               (44) Núi Truyền Đăng là tên ngọn núi nằm bên mép nước vịnh Hạ Long, trung tâm TP Hạ Long (Quảng Ninh). Trước khi vua Lê Thánh Tông đi tuần thú Hải Đông, An Bang (vùng biển từ Móng Cái đến TP Hạ Long bây giờ), đỉnh núi cao này là nơi lính trạm của các triều vua thường đồn trú. Khi biên giới phía Đông Bắc có ngoại xâm, ngựa trạm báo về, họ đốt phân chó sói tạo nên cột khói cao, từ Kinh thành Thăng Long có thể nhìn thấy để triều đình định liệu kế sách đối phó và bài binh bố trận chống giặc kịp thời. Năm 1468 (TK15) vua Lê Thánh Tông ngự đề bài thơ, từ đó núi mang tên là Bài Thơ.
               (45) An Bang: Quảng Ninh ngày nay.
               (46) (47) Ngày 29/01/1258 (Niên hiệu Nguyên Phong thứ 7), vua Trần Thái Tông cùng con là Thái tử Hoảng (vua Trần Thánh Tông sau này) chỉ huy quan quân đánh tan giặc Nguyên Mông lần thứ nhất ở Đông Bộ Đầu, giải phóng Kinh thành Thăng Long. Đông Bộ Đầu  thời nhà Trần nằm ở phía  bờ Nam sông Hồng, nay là khu vực đầu dốc Hàng Than – Hòe Nhai (Hà Nội) kéo dài đến Vạn Kiếp. Vua Trần Nhân Tông (17/7/1218 – 04/5/1277) đã có hai câu thơ tụng ca Tiên Đế như sau:
                                                 Bạch đầu quân sĩ tại
                                                 Vãng vãng thuyết Nguyên Phong
                                                (Lính bạc đầu còn đó
                                                Kể mãi chuyện Nguyên Phong)
               (48) (49) Chỉ trận đại thắng quân Thanh của vua Quang Trung – Nguyễn Huệ tết
Kỷ Dậu 1789. Năm nay là 223 năm (1789 – 2012). Bến đò Gián Khẩu (Ninh Bình), các địa                                             
danh còn lại đều thuộc Hà Nội ngày nay.
               (50) Ý chỉ địa danh Gò Đống Đa, nơi chôn xác quân Thanh. Vua Quang Trung vì truyền thống nhân ái của dân tộc ta và cũng là muốn không để triều đình Mãn Thanh mất thể diện đã cho xây “Đền” (mỉa mai) tên tướng Sầm Nghi Đống tại nơi y treo cổ tự tử và miếu thờ giặc Thanh chết trận.
               (51) “Bình Ngô đại cáo” - Ức Trai – Nguyễn Trãi thời Lê.
                       “Hịch tướng sĩ văn” – Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương  Trần Quốc Tuấn thời Trần.
                       “Tuyên ngôn độc lập” – Chủ tịch Hồ Chí Minh.
               (52) Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng dạy sử ở trường Bưởi cùng thầy dạy của mình là Giáo sư, nhà văn hóa lớn Đặng Thai Mai trước khi đi hoạt động cách mạng.
               (53) Trước khi đánh trận quyết định ở làng Ngọc Hồi để chấm dứt nhanh sự có mặt bất hợp pháp của người Mãn Thanh tại Thăng Long, vua Quang Trung có xuống chỉ dụ (thường gọi là Hịch ra trận):
                                                 Đánh cho để dài tóc
                                                 Đánh cho để răng đen
                                                 Đánh cho nó chích luân bất phản
                                                 Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
                                                 Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”.
               (54) (55) (56) Bài thơ “Thần” hay “Nam Quốc sơn hà” tương truyền là của Thánh Tam Giang (đền Và) thờ hai anh em: Thượng tướng Trương Hống và Phó tướng Trương Hát (Xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh). Hai ông theo Triệu Việt Vương vàcó công lớn trong việc đánh thắng quân nhà Lương năm Canh Ngọ (0550) giải phóng đất nước Vạn Xuân. Tương truyền khi đi phá quân Tống năm 1076 (Triều Lý Nhân Tông thứ 5) ở phòng tuyến sông Như Nguyệt (sông Cầu), Thái úy Lý Thường Kiệt đã đến thắp hương tại đền Xà. Đêm nằm nghỉ ở đình Xà, 2 vị thần đã hiện lên đọc cho ông nghe bài thơ đó. Khi dẫn đại binh sang bờ Bắc sông Cầu bí mật tập kích trại giặc, nhờ âm binh  của Thánh Tam Giang cùng tiếng Thần đọc bài thơ “Nam Quốc sơn hà” mà tinh thần quân sĩ phấn chấn, quân giặc run sợ, hoảng loạn nên quân nhà Lý toàn thắng. Toàn văn bài thơ:
                                       Nam Quốc sơn hà, Nam Đế cư
                                       Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
                                       Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
                                       Nhữ đẳng hành khan, thủ bại hư.
               (57) Ở xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, trên đường QL1A Hà Nội – Lạng Sơn có di tích môt tượng người bằng đá quỳ gối, cụt đầu. Tương truyền đó là Liễu Thăng, viên tướng nhà Minh dẫn quân sang xâm lược nước ta thế kỷ XV, đã bị Lê Sát, một dũng tướng của vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) chém cụt đầu tại trận chiến Ải Chi Lăng năm 1427. Trong bài “Bình Ngô đại cáo”, Nguyễn Trãi đã ghi lại sự việc này như sau:
 “Bản nguyệt thập bát nhật, Liễu Thăng vị ngã quân sở công, kế trụy ư Chi Lăng chi dã Bản nguyệt nhị thập nhật, Liễu Thăng hựu vị ngã quân sở bại, thân tử ư Mã Yên sơn”
                             (Ngày mười tám, trận Chi Lăng, Liễu Thăng thất thế
                             Ngày hai mươi, trận Mã Yên, Liễu Thăng cụt đầu).
               (58) Các địa danh diễn ra các chiến dịch lớn của quân dân ta thời Trần, thế kỷ XIII trong ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông (Thát Đát). Tên gọi Thát Đát (Phiên âm Hán – Việt) có nguồn gốc tên gọi hai tộc người Mông Cổ quen chinh chiến, có tên là Tata (Tatar) và Tuyêc (Turque)
               (59) Giang Văn Minh (1573 – 1639) tự Quốc Hoa, hiệu Văn Chung, làm quan dưới thời Lê Trung Hưng. Năm 1637 (năm Dương Hòa thứ 3 đời vua Lê Thần Tông), ông thọ mệnh vua đi sứ sang nhà Minh dẫn cống và cầu phong. Trong lễ khánh thọ của mình năm 1639, Minh tư tông Chu Do Kiểm (Minh Sùng Trinh) ngạo mạn ra một vế đối cho sứ thần An Nam:
                                                    Đồng trụ chí kim đài dĩ lục
                                             (Cột đồng nay đã rêu phong bám)
               Chánh sứ thần Giang Văn Minh cứng cỏi, hiên ngang đối lại:
                                                    Đằng Giang tự cổ huyết do hồng
                                                    (Sông Đằng từ xưa máu vẫn đỏ)
               Minh Sùng Trinh thẹn quá mất khôn, bất chấp luật lệ bang giao, sai trám mắt, trám mũi và mổ bụng Giang Văn Minh xem “bọn sứ thần An Nam to gan, lớn mật đến đâu”. Tuy thế, Sùng Trinh rất kính phục tiết tháo của ông, cho ướp xác Giang Văn Minh bằng bột thủy ngân và cho quân hộ tống về nước. Vua Lê Thần Tông cùng Chúa Trịnh Tráng thân ra bái kiến di hài Giang Văn Minh và truy ban câu:
                               “Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng”
                (Sứ thần không làm nhục mệnh vua, xứng đáng là anh hùng thiên cổ).
                 (60) Sách Đại Việt Sử ký bản thử thực lục chép rằng: ngày mùng 03 tháng 4 năm Quý Tỵ Hồng Đức năm thứ tư (1473) tức năm Minh Thành Hóa thứ 9 có sựviệc triều đình nhà Minh cho quân lấn chiếm đất các lộ Cao Bằng, Lạng Sơn. Vua Lê Thánh Tông (Thuần Hoàng đế) đã xuống đạo chỉ dụ cho Thái bảo Kiến Dương bá Lê Cảnh Huy lên Ải Nam quan đấu tranh ngoại giao để đòi lại đất: “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang Phương Bắc trình bày rõ điều ngay, lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc thì phải tội tru di”.

Cột mốc chủ quyền ở Trường Sa bây giờ.
Cột mốc chủ quyền ở Trường Sa bây giờ.


DUYÊN QUAN HỌ


          Xuân chỉ còn se sắt đâu đây trong làn gió lành lạnh mơ hồ. Những hội làng vùng châu thổ đồng bằng Bắc Bộ đã qua đi. Những tứ thân, mớ ba, mớ bẩy, nón thúng quai thao, khăn xếp, áo the nhiễu đang nhờ cái nắng tháng tư hong khô để rồi liền anh, liền chị xếp vào rương chờ mùa sau trẩy hội. Quan họ về, đến hẹn lại lên.

trèo thuyền hát quan họ


DUYÊN QUAN HỌ
 
                             Tặng 
+Vân Hoài và +HƯỜNG PHẠM THU 


Anh ở xa, không biết người quan họ
Duyên trao người, người hạnh phúc em ơi
Dù xa nhau nơi cuối bể góc trời
Anh vẫn ước một lần về quan họ

Chẳng biết nơi em, mùa này nắng gió
Chẳng biết sông Cầu còn chảy lơ thơ (1)
Thuở đương xoan cho đến tận bây giờ
Anh vẫn nao lòng muốn tìm về nơi ấy

Đành tự nhủ mình: Thôi cầm lòng vậy
Ngẩn ngơ đêm con nhện giăng mùng (2)
Ai vu quy, ai buộc chỉ cổ tay hồng
Con đò sang ngang, ai âm thầm quay gót

Cành tre đầu thôn lẻ loi chim thước (3)
Đêm năm canh, ai thức trọn cả năm (4)
Liệu bên kia sông, áo có ướt tứ thân (5)
Năm liệu bầy lo, (6) bao giờ tương phùng tương ngộ (7)

Lúng liếng
đêm, lúng liếng lời hát cổ (8)
Anh nghiêng bên này, nón thúng nghiêng  theo
Em nghiêng đu, lóng lánh mắt ánh chiều
Suối tơ hồng trói dịu dàng gã trai ngốc nghếch.

Con cầu Ông Tơ cho con điều ước
Về Hội ngày xưa để quan họ lại trao duyên
Anh hát em nghe Ngồi tựa mạn thuyền
Hai đứa che mưa, chung một trời dải yếm.

                                               Hạ Long 17 h 20 14/4/2013

                                                   NGUYỄN ĐÌNH THÁI


(1)... (8) Các làn điệu dân ca quan họ
 hoặc lời hát

Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2013

ĐÒ ƠI...!



                      


DẪN: Con đò qua khúc sông Hoá
nơi bên này là làng tôi và
bên kia là đất Vĩnh Bảo.
Bây giờ là chiếc phà kéo.
Chẳng qua nhớ quê, nuối
tiếc con đò tuổi thơ, tôi gọi...

Thời gian như nước xuôi dòng
Xuống sông nhớ bến, qua sông nhớ đò
Phù sa lắng, đỏ đôi bờ
Triền ngô tím ngắt, phất phơ ráng chiều
Bàn chân vô định phiêu diêu
Nửa mơ, nửa tỉnh, cô liêu giữa dòng
Đò đi về cõi hư không
“Đò ơi…Đò hỡi…! Qua sông đi nào…!!!
Giật mình như giữa chiêm bao
Sông lặng thinh chảy. Đâu nào…Đò…ơi…!!!

Ngày sinh 17/3/2012

NGUYỄN ĐÌNH THÁI

Thứ Năm, 11 tháng 4, 2013

NGUYỄN AN, MỘT GIỌNG THƠ CÒN KHÉT NỒNG MÙI KHÓI SÚNG


               Nhà thơ Nguyễn An như tôi đã biết, đã gặp và đã đọc. Vẫn cái ào ạt, sôi nổi trong cách diễn đạt. Vẫn một tính cách say mê, hiếu khách và hồn hậu. Là một doanh nhân thành đạt nhưng tình yêu thơ trong anh vẫn tươi rói. Vẫn cách nghĩ, nết đi của một sĩ quan quân đội - một người lính đã trải qua 30 năm chiến đấu ở các mặt trận: Cực Nam Trung bộ, Quân khu V, Quân khu IX ngày đánh Mỹ.
              Hiện nay ngoài việc quản lý một doanh nghiệp đang ăn nên, làm ra ở thành phố bên bờ vịnh Hạ Long xinh đẹp, anh còn là một người đang có trách nhiệm chủ chốt trong CLB thơ CCB, trực thuộc Hôi CCB thành phố Hạ Long. Phòng làm việc ở cơ quan và phòng văn kiêm phòng ngủ của anh ngó ra chân sóng vịnh kỳ quan gió lộng. Tôi và anh hay ngồi đó nhìn ra mặt vịnh xanh biếc màu xanh biển cả mà bình thơ. Một tâm hồn thơ tươi trẻ vẫn thoảng mùi khói súng thuở đương trai.
             Xin trân trọng giới thiệu một bài thơ của anh đã đoạt giải thơ Lê Thánh Tông lần thứ XV năm 2012 vừa được trao ngày 27/3/2013 nhân Ngày thơ Quảng Ninh lần thứ XXVI (29/3/1088 - 29/3/2013). Bài thơ này anh viết 6/1974.

    

                               ẢNH
Nhà thơ Nguyễn An bên cửa sổ phòng Văn của anh
  Ngoài kia là nhấp nhô vạn đảo đá vịnh Hạ Long


                  VIẾNG BẠN
Viếng Đỗ Thị Thanh Tân – nguyên Quân y Biên phòng
hy sinh năm 1972 tại nhà máy Điện cọc 5

Chiều hiu hắt  tôi trở về xóm cũ
Thăm bạn xưa yên ngủ ven đồi
Đám cỏ may giăng hàng trước lối
Cây thông già lá rủ đơn côi

Vẫn như em giản dị thế thôi
Áo quần thâm trọn đời con gái
Trong mưa gió nấm mồ như co lại
Bông hoa sim hoang dại đến đau lòng.

Chốn vĩnh hằng em có tin không
Anh thương em se lòng khi lạnh giá
Mộ đơn côi úa vàng cỏ ngả
Em đi xa nhưng dạ vẫn học trò

Một đời người bao nỗi âu lo
Em gửi lại cho anh phần sóng gió
Cây xấu hổ vẫn giữ mình xấu hổ
Như em xưa bẽn lẽn buổi hẹn hò.
           
Hạ Long 6/1974



Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2013

DẠ, THƯA CẢ LÀNG G+


Dạ, thưa cả làng G+, đây là cu Tũn - Lý Ngọc Anh Vũ, cháu ngoại, hơn 27 tháng tuổi và đây là hai cháu: Cu Tôm, Nguyễn Đình Bảo Ngọc, hơn 25 tháng tuổi (Anh) và Lý NGọc Anh Vũ (Em). Hai cháu suốt ngày quấn quýt bên ông bà (Nội. ngoại) trong đại gia đình 8 người đấy ạ! (Ảnh chụp cuối 7/2012 sau chuyến tôi đi du lịch miền Trung Việt Nam).


Cháu Lý Ngọc Anh Vũ 


Hai con Cún yêu của gia đình

Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2013

CÔNG DÂN GƯƠNG MẪU

                        MỘT CÔNG DÂN 19 THÁNG TUỔI ĐÃ NGHIÊM CHỈNH CHẤP HÀNH
                                                 LUẬT LỆ GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ.
       

                          Ảnh chụp cháu ngoại tôi: Cu Tũn - Lý Ngọc Anh Vũ cuối tháng 7/2012
       

Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013

DƯƠNG PHƯỢNG TOẠI - MỘT GIỌNG THƠ RỔN RẢNG MÙA MÀNG


           Tôi đọc anh nhiều, nhưng buổi gặp gỡ trong cuộc giao lưu các CLB Thơ tỉnh Quảng Ninh ngày 22/3/2013, ngay trước thềm Ngày Thơ Quảng Ninh lần thứ XXVI và Lễ trao giải Thơ Lê Thánh Tông lần thứ XXV ngày 27/3/2013 đã kết nối tôi và anh trong tình anh em thân thiết như tự bao giờ. Tôi yêu thơ anh có lẽ là do tôi cũng là một gã nhà quê đi làm mỏ. Nhưng anh níu kéo tôi ở tấm lòng chân thành, dễ mến. Anh hơn tôi 8 tuổi nhưng tuổi tác đã gần như xóa nhòa ranh giới khi nghe anh làm MC và phu nhân của anh, chị Minh Sắp hát khúc chầu văn do anh soạn lại lời thơ. Cái chất giọng khỏe, nhả chữ rõ ràng, đài từ chuẩn mực và nếu nghe qua phát thanh thì rất trẻ, không ai nghĩ là anh đã 64 tuổi, tính cả mụ. Cái ngữ điệu vùng sông nước Hà Nam, Phong Cốc vốn đã biến âm rất nhiều so với ngữ điệu các vùng miền khác, nhưng qua cách dẫn của anh thật ấm áp, lấp lóa cái hồn hậu, chân thành, hiếu khách, đằm thắm nơi thôn ổ.
           Xin giới thiệu một 2 tác phẩm thơ của anh mà tôi rất yêu mến.

                            LÚNG LIẾNG THÁNG HAI



Vẫn còn dùng dắng tháng Giêng
Tháng Hai đã biếc một miền lộc cây
Bóng mây bóng nước dâng đầy
Hoa đào rụng cánh, hây hây trăng tròn.
Ngõ chùa ngơ ngác trái non

Nắng xuân lay động qua vòm ngực em.
Rượu nồng lại ủ thêm men
Tháng Hai líu ríu say mèm bước chân.
Gió lùa tà áo tứ thân
Bụi mưa dan díu đường xuân hội hè.
Một tàu lá chuối nghiêng che
Đôi người gieo xuống vạt đê tiếng cười.
Hoa xoan xa vắng cuối trời
Còn ta đứng lại... tiếc thời nhớ mong.
Ngập ngừng vào múc giếng trong
Mắt em lúng liếng làm cong mái chùa !
2-2012

   

NHÀ QUÊ VẪN ÁNH TRĂNG VÀNG

Em về gặp lại người quê
Ngẩn ngơ hoa cỏ, say mê hương đồng
Trăng vàng vẫn đợi bến sông
Gót hồng khỏa nước, gió đông mơ màng.
Nhà quê rộn rực mùa sang
Vẫn cơm rau mắm, vẫn hàng bìm leo
Qua rồi cái thuở gieo neo
Giờ đôi chân bước vươn theo bạn bầu.
Tiếng đàn bầu vọng đêm thâu
Câu thơ trải lụa bắc cầu sang nhau
Nhớ thời mắt biếc dao cau
Môi ai thắm lại trong màu thu qua.
Một ngày sánh tháng năm xa
Một câu hò hẹn bằng ba lạng vàng
Một lời nối dặm quan san
Một bài thơ thức lên ngàn mắt sao.
Sen còn thả bóng mặt ao
Tơ còn buộc chặt ta vào nét xưa
Người đi lòng những ngẩn ngơ
Ta về dặm lại xanh bờ dậu quê!

Viết sau Ngày Thơ


              

HAI MẶT CHIẾC LÁ


Mặt lá ngửa nhìn trời
lấm bụi
Mặt lá khôn
cúi mặt
sạch bong

Ồ, tưởng khôn
hóa dại
Tưởng đâu khờ khạo
lại hóa tinh ranh

Em vẫn xanh
Anh cứ xanh
nhờ bụi lá

                       31/3/2013

            NGUYỄN ĐÌNH THÁI

NGÀY THƠ QUẢNG NINH Ở CÔ TÔ


                 Ngày thơ Quảng Ninh lần thứ XXVI được tổ chức hai ngày
tại huyện đảo Cô Tô (28 và 29/3).
      Đến dự có các nhà thơ từ Hà Nội: Khuất Quang Thụy, Nguyễn Đức Mậu,
Đàm Khánh Phương, lãnh đạo tỉnh, Hội VHNT tỉnh, Chi hội Nhà văn Việt
Nam tại Quảng Ninh, Huyện ủy, UBND huyện đảo Cô Tô, các nhà thơ
Ngô Tiến Cảnh, Phó Chủ tịch Hội Nhà  báo tinh Quảng Ninh, Dương
Phượng Toại, Trưởng ban thơ, Hội VHNT thị xã Quảng Yên, đông đảo
hội viên Hội VHNT tỉnh Quảng Ninh và công chúng yêu thơ trong tỉnh


Với chủ đề "Tuổi trẻ và biển đảo Tổ Quốc", các đại biểu đã dự đêm 
giao lưu dưới chân tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham gia Hội thảo 
về Thơ Quảng Ninh

XƯNG DANH, KHÔNG XƯNG BÁ





 - TỄU: BÀ CON ƠI, TÔI RA ĐÂY CÓ PHẢI XƯNG DANH KHÔNG ĐẤY NHẨY?
 - ĐẾ  :   NÓI THẾ MÀ NGHE ĐƯỢC À? KHÔNG XƯNG DANH THÌ AI BIẾT LÀ AI!
 -TỄU: VẬY NÊN KIẾM CÂU CHUYỆN, TÔI RA MÓN TRÒ, BÀ CON NHÁ...



Năm ba năm trước tôi như ảnh
Ngọc Hoàng quên chút có hay không?
(Ảnh: Cháu nội Tôm - Nguyễn Đình Bảo Ngọc)
Ngọc Hoàng để ý nên già vậy
Bây giờ vẫn hát khúc quân hành


TỰ BẠCH

* Chủ bút: NGUYỄN ĐÌNH THÁI
* Sinh nhật: 17/3/1958 
* Quê quán: Làng Gọc, thôn 4 (An Cúc Tây)
Xã Thụy Việt, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình
 * Nơi đang ở: Số nhà 44, tổ 41, khu 4. phường
Hà Trung, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh
* Điện thoại: 01294. 672.426
* Email 1: thaiquangninh@gmail.com
* Email 2: dinhthaiqn5558@yahoo.com.vn
* Email Facebook: thai.nguyendinh@Facebook.com
* Blog : thaidochieu.blogspot.com LÃO NÔNG PHU
* Đã theo học: 
+ Trường cấp III Tây Thụy Anh, Thái Bình
+ Hệ Trung cấp, ngành Thống kê công nghiệp (Hạch toán)
   tại Trường Đào tạo cán bộ Công ty Than Hòn Gai. Bằng khá
   (Khoa Tại chức).
+ Lớp Đào tạo Cán bộ chỉ huy sản xuất do Trường Cao đẳng 
   Nghề mỏ Mạo Khê  và Giám đốc Công ty Than Hòn Gai tổ chức
   Bằng khá.
* Quá trình làm viêc: Từ 10/1976 đến 14/12/2012 là:
+ Chiến sĩ A3, B1, C8, D43, E26, Quân đoàn 4 (Binh đoàn Cửu Long) QĐNDVN
+ Công nhân, nhân viên, viên chức Công ty Cổ phần Than Hà Lầm - Vinacomin.
* Thành viên:  
 + CLB Thơ Công ty Cổ phần Than Hà Lầm - Vinacomin.
 + CLB Thơ Truyền Đăng, Trung tâm Văn hóa - Thông tin tỉnh Quảng Ninh.
 + CLB Thơ Công nhân và Công đoàn, Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ninh.
 + CLB Thơ Đường thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
 + CLB Thơ CCB thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
 + CLB Hưu trí Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
 + Chi hội VNDG thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
* Hội viên Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Quảng Ninh từ 2013
* Các thành tích - Danh hiệu - Giải thưởng:
+ Học sinh giỏi văn của tỉnh Thái Bình và toàn miền Bắc.
+ Giải khuyến khích tác phẩm sân khấu " CÂU CHUYỆN THƯỜNG NGÀY"
  của Công đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tặng 
+ Giải 3 thể loại kịch bản sân khấu (Kịch thơ)  "ĐƯỜNG VỀ TRẬN ĐỊA NĂM XƯA" 
   tham gia cuộc thi viết "Bản hùng ca người chiến sĩ Quân khí Việt Nam" do Cục Quân, 
   khí, Tổng cục Kỹ thuật QĐNDVN phát động chào mừng 60 năm ngày thành lập Ngành
   Quân khí Việt Nam (16/9/1951 - 16/9/2011). Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh tặng giấy khen
+ Giải khuyến khích Lê Thánh Tông lần thứ XXIV năm 2011 với tác phẩm "KHUC THƠ
    TÌNH THỢ MỎ".
+ Giải B Lê Thánh Tông lần thứ XXV năm 2012 với tác phẩm "TRƯỜNG SA -
   HOÀNG SA, BIÊN CƯƠNG TỔ QUỐC".
+ Kỷ niệm chương 60 năm Quân khí Việt Nam năm 2011
+ Kỷ niệm chương CCB Việt Nam năm 2012
+ Huy hiệu Thợ mỏ vẻ vang Ngành than hạng nhất.
* Các tác phẩm đã in chung trong các tập thơ:
+ KHƠI NGUỒN SUỐI THAN - NXB Văn học 2010 (12 bài)
+ GƯƠNG THAN LẤP LÁNH - NXB Văn học 2011 (15 bài)
+ LỬA THAN - NXB Hội Nhà văn 2012 (25 bài)
+ GỬI NHỚ TRƯỜNG SA - NXB Văn học 2012 (1 bài)
+ TRUYỀN ĐĂNG - NXB Lao động 2012 (4 bài)
+ KÝ ỨC NGƯỜI LÍNH - NXB Hội Nhà văn 2013 (3 bài)
   Và in rải rác trên các Tạp chí:
 - Công nhân và Công đoàn Tổng LĐLĐ Việt Nam
 - Công đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam
 - Than - Khoáng sản Việt Nam.
 - Hạ Long
* Nghề chính hiện nay: Trông hai cháu nội và ngoại: 
 Cu Tôm - Nguyễn Đình Bảo Ngọc (25 tháng)
 Cu Tũn - Lý Ngọc Anh Vũ (27 tháng)
* Câu châm ngôn ưa thích: Thà để người phụ ta, ta không bao giờ phụ người.
* Phương châm sáng tác:    Vui: Thơ cười
                                       Cười: Thơ vui
                                       Buồn: Thơ khóc
                                       Khóc: Thơ buồn
                                       Thơ không làm
                                       Khi hồn rỗng

                                                     

Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2013

TRAO GIẢI THƠ LÊ THÁNH TÔNG LẦN THỨ XXV NĂM 2012


Ảnh: Ông Nguyễn Ngọc Minh (Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Quảng Ninh)
và nhà thơ Trương Thiếu Huyền (ngoài cùng bên phải ảnh) trao 2 giải nhất cho:
1/ Tác giả Ngô Văn Lai (CLB Thơ Hưu trí TP Hạ Long) với bài thơ "Nấu cơm
 bằng cóng sữa bò".
2/ Em Nguyễn Trà My, học sinh 16 tuổi (CLB Thơ Trường PTTH Hòn Gai)
với bài thơ "Hạnh phúc của mẹ"
NỘI DUNG tin:
        Sau khi dâng hương tại di chỉ tấm bia đá đề bài thơ của Hoàng đế - Thi sĩ Lê Thánh Tông khắc ngày 29/3/1468, UBMTTQVN tỉnh Quảng Ninh đã trao giải thơ Lê Thánh Tông lần thứ XXV năm 2012. 
       Từ năm 1988 đến nay, theo sáng kiến của Nhà thơ Trần Nhuận Minh, mỗi năm CLB thơ Lê Thánh Tông thuộc UBMTTQ tỉnh Quảng Ninh đều trao giải Lê Thánh Tông dành riêng cho các tác giả thơ của các CLB thơ trong tỉnh Quảng Ninh. Đến dự Lễ trao giải thơ Lê Thánh Tông lần thứ XXV năm 2012 có các vị lãnh đạo MTTQVN tỉnh Quảng Ninh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội VHNT tỉnh, Sở VH - TT và DL, Sở Tài chính, Sở KH -ĐT, Hội Nông dân tập thể, Bộ CHQS tỉnh, Bộ CH Bộ đội Biên phòng tỉnh,... cùng lãnh đạo 19 CLB thơ thành viên, các tác giả, người yêu thơ trong tỉnh. Nhà thơ Đàm Hiển, Phó chủ nhiệm CLB thơ Lê Thánh Tông, Thư ký Hội đồng Giám khảo. nguyên Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh thay mặt CLB đọc báo cáo về hoạt động của CLB trong năm 2012. Nhà thơ Trần Nhuận Minh, Trưởng ban Chung khảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Quảng Ninh nhận xét về các bài thơ đã đoạt giải năm 2012. Theo ông, Ban Tổ chức đã nhận được từ 19 CLB thành viên (100%) với 105 bài gửi dự thi của 92 tác giả. Chất lượng thơ năm 2012 khá, đồng đều. Ông và nhà thơ Nguyễn Châu (Thành viên Ban Chung khảo) đều cùng nhận xét: Các tác giả đoạt từ giải C trở lên, nếu chưa là Hội viên Hội VHNT của tỉnh thì các ông sẽ giới thiệu để Hội VHNT tỉnh xem xét kết nạp. Các tác giả đều đủ tiêu chuẩn và xứng đáng được kết nạp vào Hội nếu xét trên mặt bằng chất lượng giải năm 2012. Nhìn chung các tác phẩm đoạt giải (Kể cả các giải A và B) đều dài, thừa. Nếu lược bỏ các khổ, cắt gọt câu, chữ thừa sẽ hay hơn, đạt chất lượng cao hơn. 
       Kết quả Ban Chung khảo đã trao 24 giải thưởng:
-  02 giải A
-  03 giải B
-  11 giải C


                 - 08 giải khuyến khích
                 - 01 giải dành cho người cao tuổi nhất - Cụ Hùng Hồng Lĩnh, 92 tuổi với bài thơ "Vịnh Hạ Long"
UBMTTQVN tỉnh Quảng Ninh trao Bằng khen cho các CLB tổ chức tốt cuộc thi:
                 1- CLB Thơ Đường thành phố Hạ Long, chi nhánh Quảng Ninh.
                 2- CLB Thơ Trường PTTH Hòn Gai.
Hội VHNT tặng Giấy khen cho các CLB có phong trào sáng tác tốt năm 2012;
                1- CLB Thơ Truyền Đăng, Trung tâm Văn hóa - Thông tin tỉnh Quảng Ninh.
                2- CLB Thơ Công ty Cổ phần Than Hà Lầm - Vinacomin.
Tác giả Nguyễn Đình Thái, Chủ bút blog cá nhân LÃO NÔNG PHU là thành viên các CLB Thơ:
                1- Công ty Cổ phần Than Hà Lầm - Vinacomin.
                2- Truyền Đăng, Trung tâm Văn hóa - Thông tin tỉnh Quảng Ninh.
                3- Công nhân và Công đoàn, LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh.
   (Trong 3 CLB trên thì chỉ có CLB Công nhân và Công đoàn, LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh là không thuộc CLB thành viên Thơ Lê Thánh Tông của MTTQVN tỉnh Quảng Ninh).
        Tác giả nhận giải khi đăng ký bài dự thi tại CLB thơ Công ty Cổ phần Than Hà Lầm - Vinacomin            
        Chủ blog LÃO NÔNG PHU được trao giải B với tác phẩm "TRƯỜNG SA - HOÀNG SA, BIÊN CƯƠNG TỔ QUỐC".  Đây là bài thơ được trích trong trường ca (Chưa xuất bản): "BÀI THƠ VIẾT TỪ XÚC CẢM KHI ĐỌC MỘT BÀI BÁO" 124 câu. Nhà thơ Trần Nhuận Minh đánh giá hai câu kết là chắc và ông thích nhất 2 câu: 
                                     "Sa Vĩ ngoài này cũng địa đầu sóng gió
                                     Tôi thức đêm nay nghe gió thổi tận Pò Hèn"
Xin giới thiệu lại bài thơ đoạt giải B Lê Thánh Tông lần thứ XXV năm 2012 này (Đã được post lên blog LÃO NÔNG PHU ngày 31/1/2013 với tên NGOÀI BIỂN ĐÔNG CÓ MỘT DẢI BIÊN THÙY)


                

   TRƯỜNG SA – HOÀNG SA, BIÊN CƯƠNG TỔ QUỐC*

                      Giữa biển Đông có một phần hình hài Tổ Quốc,
                      có linh hồn những chiến sỹ trên đảo nổi, đảo chìm giữa khơi xa
                      Tổ Quốc chính là lá Quốc kỳ anh lấy máu mình nhuộm thắm
                                                                                              trên bãi đá Gạc Ma
                      Giặc có thể giết anh nhưng phần giang sơn này không thể mất. (1)

                      Tổ Quốc là mốc chủ quyền do tổ tiên và chúng ta
                                                                             dùng đến cả máu xương xây đắp
                      Một trăm mười một kinh độ Đông, năm lăm phút,
                                                                                                            năm lăm giây
                      Vĩ độ tám phía Bắc, ba mươi tám phút ba mươi (2)
                      Sừng sững giữa Biển Đông trên quần đảo san hô Bão Tố. (3)

                      Sa Vĩ ngoài này cũng địa đầu sóng gió
                      Tôi thức đêm nay nghe gió thổi tận Pò Hèn (4)
                      Tiếng còi tàu lẫn tiếng quân reo “Sát Thát” ở biển Vân Đồn (5)
                      Có phải chiến thuyền “Soái” của Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư
                                                                                          đang neo ngoài Cửa Lục. (6)

                                                             
                      Biển Đông, Trường Sa, Hoàng Sa  đang mùa gió lốc
                      Các em hãy tựa lưng vào vững chãi gốc phong ba (7)
                      Phía tây các em, nơi ấy có Nam Quốc sơn hà
                      Non một trăm tám chục triệu cánh tay sẽ đan kết
                                                                 thành tấm khiên thép khổng lồ
                                                                                              chắn che cho quần đảo. (8)


                      Đất liền, hải đảo, biên ải Việt Nam. Suốt một dải
                                                                      cương thổ Việt Nam
                                                                                    đang gồng lưng chống bão
                      Những động thái này thành kỹ nghệ đã bốn nghìn năm
                      Nghệ thuật này đã cụ thể hóa thành văn,
                      ghi rành rẽ trong  “Hịch tướng sĩ văn” -  “Cáo bình Ngô”-
                                                                                                   Tuyên ngôn độc lập”…

                      Kẻ kia chưa thuộc sử Nam ư? Thì nhắc cho chúng biết
                      đâu Đông Bộ Đầu, đâu Vạn Kiếp? Đâu bến Bình Than! (9)
                      Một dải ba lần cuồn cuộn sóng Đằng Giang (10)
                      Ngươi sẽ ngộ ra một điều thật giản đơn:           
                                                                                        Tại sao “…tự cổ huyết do hồng”. 
                      Mỗi ngôi nhà cho đến mỗi dòng sông
                      Ngươi có hiểu tại sao nhà và sông ở đây đều chọn phương Nam
                                                                                         cho mặt tiền và hướng chảy?
                      Kinh thành Thăng Long giặc bao phen đốt cháy (11)
                      mà sóng Hồng Hà vẫn ngàn năm kiêu hãnh khải hoàn ca.

                      Toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải,
                                      không phận Việt Nam có cả một phần không
                                                                thể tách rời: bầu trời, mặt nước biển
                                                                             trong quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa

                      Thềm Tổ Quốc vươn dài nơi Biển Đông trùng trùng phong ba bão tố                                                                                    
                      Cửa ngõ nhà ta, ao nhà của ta, của  nổi, của chìm của ta,
                                                                                                                         ta phải giữ
                      Cơ nghiệp này, giang sơn này, sông núi này
                                                    phải giao lại trọn vẹn không thể thiếu một tấc
                                                                                           cho vạn đại cháu con. (12)
                     
                                                                                                             Hạ Long 8/2012

                                                                                                       NGUYỄN ĐÌNH THÁI

       * Bài thơ in trong tập thơ GỬI NHỚ TRƯỜNG SA – NXB Văn học 2012

CHÚ THÍCH:
               (1) Trong trận hải chiến ngày 14/3/1988, thiếu úy đảo phó đảo Gạc Ma Trần Văn Phương  cùng 2 chiến sĩ Nguyễn Văn Tư và Nguyễn Văn Lanh được trung tá Lữ đoàn phó Trần Đức Thông (Đoàn 146 Hải quân) giao nhiệm vụ bảo vệ lá Quốc kỳ trên bãi đá ngầm. Khi đang giữ cờ, thấy một chiến sĩ bị uy hiếp, anh lao vào bảo vệ và bị trúng đạn, hy sinh tại chỗ. Trước lúc hy sinh anh đã nói: “ Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân anh hùng”. Lúc ấy các anh đều không có vũ khí để tự vệ.
                              Ngày 06/01/1989, Liệt sĩ Trần Văn Phương đã được Chủ tịch HĐNN nước CHXHCN Việt Nam truy phong danh hiệu Anh hùng LLVTN Việt Nam. Anh hùng LS Trần Văn Phương sinh năm 1965, quê ở xã Quảng Phúc, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
               Đảo đá Gạc Ma có tên quốc tế là Johnson South Reef. Bãi đá nơi cao nhất, chỉ khi nào thủy triều xuống mới nhìn thấy.
              (2) Những con số này đã được đắp nổi trên cột MỐC CHỦ QUYỀN của nước CHXHCN Việt Nam tại Đảo Trường Sa Lớn.
              (3) Quần đảo Trường Sa có tên quốc tế là Spratly. Thời Pháp quản lý gọi là Đảo Bão Tố (lle Tem pête).  
              (4) Địa danh Pò Hèn thuộc xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái, nơi ghi dấu ấn chiến công và sự hy sinh anh dũng ngày 17/2/1979 của 59 cán bộ, chiến sỹ đồn 209 (nay là đồn 15) bộ đội biên phòng, trong đó có anh hùng LLVTND, liệt sỹ, thượng úy, đồn phó Đỗ Sỹ Họa và nữ anh hùng ngành thương nghiệp Hoàng Thị Hồng Chiêm. 
              (5) (6)  Những địa danh xảy ra cuộc chặn đánh đoàn thuyền vận tải quân lương do tướng Nguyên là Trương Văn Hổ của Phó tướng Nhân Huệ Vương  Trần Khánh Dư chỉ huy trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên  4/1288.
              (7) Một loài cây trên các đảo trong quần đảo Trường Sa do các chiến sỹ đặt tên.
              (8) Dân sổ nước ta hiện nay khoảng 87 triệu người. 
              (9) Những địa danh quân dân Đại Việt chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông trong thế kỷ XIII.
              (10) Sông Bạch Đằng, thuộc thị xa Quảng Yên, giáp địa danh huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), nơi diễn ra các trận đánh:
                        - Năm 938 Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán.
                        - Năm 981 Lê Hoàn đánh thắng quân xâm lược Tống.
                        - Năm 1288 nhà Trần đánh bại quân Nguyên Mông.
               (11) Vào thế kỷ XIII, ba lần quân Nguyên tràn sang xâm lược Đại Việt, trước thế giặc mạnh, vua tôi nhà Trần đều chủ động bỏ thành Thăng Long vườn không nhà trống lui về vùng Thiên Trường, Thanh Hóa để bảo toàn lực lượng và hoàng tộc.               
              (12) Sách Đại Việt Sử ký bản thử thực lục chép rằng: ngày mùng 03 tháng 4 năm Quý Tỵ Hồng Đức năm thứ tư (1473) tức năm Minh Thành Hóa thứ 9 có sự việc triều đình nhà Minh cho quân lấn chiếm đất các lộ Cao Bằng, Lạng Sơn. Vua Lê Thánh Tông (Thuần Hoàng đế) đã xuống đạo chỉ dụ cho Thái bảo Kiến Dương bá Lê Cảnh Huy lên Ải Nam quan đấu tranh ngoại giao để đòi lại đất: “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang Phương Bắc trình bày rõ điều ngay, lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc thì phải tội tru di”.



              

Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013

MƯA ĐÊM THÁNG HAI


                           

                                              Chợt nghe vọng tiếng ì ầm
                                  Ngang trời tiếng sấm. Đêm rằm tháng hai
                                              Vừa qua giêng. Cữ rét đài
                                      Hoa chanh tím đã mãn khai đầu thềm
                                            Long bong giọt nước ngoài hiên
                                   Nghe như tiếng sấm trong đêm giục hè
                                             Tháng hai toan gọi nắng về
                                     Thoảng đâu nước chảy qua khe rì rầm

                                          Ánh trăng loáng bóng ngoài sân
                                
                                                            Sắp sáng. Đêm rằm tháng hai Quý Tỵ
                                                                                 27/3/2013
                                                                            NGUYỄN ĐÌNH THÁI




MỜI LÀM CHÁNH CUNG HOÀNG HẬU



Ai muốn làm Hoàng Hậu của Trẫm thì
mặc Hoàng Bào của Nam Phương Hoàng Hậu
và Ngự tọa Ngai này nhé

RƯỢU VANG BÀ NÀ HILL


Mời hangha hang dùng hết nhé

THƯỞNG RƯỢU TRÊN BÀ NÀ HILL


Mời mọi người thưởng thức ly rượu vang của người Pháp còn bỏ lại 
trong hầm rượu xuyên núi trên Bà Nà hill nhé

Thứ Năm, 28 tháng 3, 2013

ÁO EM NHUỘM TÍM CẢ DÒNG HƯƠNG GIANG


                                                                     

"Áo em nhuộm tím cả dòng Hương Giang"
(Nguyễn Đình Thái)
Mời mọi người xuống đò xuôi dòng Hương Giang nghe ca Huế nhé