Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2013

VIẾT TIẾP VỀ VĨ THANH MỘT CHIẾN CÔNG*

Sắp tới 27/7 rồi, LÃO NÔNG PHU cũng là một CCB  nhưng chưa có bài mới viết về các TBLS, những đồng chí, đồng đội một thuở. Xin đăng lại bài viết của nhà thơ Dương Phượng Toại trên blog GIÓ ĐỒNG QUÊ của anh:

Bút Ký: DƯƠNG PHƯỢNG TOẠI 

Trong chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc, mỗi chiến công có ý nghĩa và giá trị riêng. Cho đến bây giờ, chiến công và tên tuổi của liệt sĩ Nguyễn Công Bao không chỉ một thời nổi danh, mà sau đó 30 năm (1972-2002), hình ảnh và tên anh đã được nhân dân tỉnh Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh dựng nên tượng đài và đặt tên con đường ghi nhớ. Và sau 41 năm (1972-2013): năm 2013, người liệt sĩ Đặc công Rừng Sác đã được Nhà nước chính thức truy tặng: Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân!
Với riêng tôi thì đây không chỉ là một niềm vui khôn xiết mà còn là một món nợ tôi không vay bỗng dưng lo trả, sao cho kỳ được. Bởi, tuổi thơ tôi và anh cùng học một trường làng, trường Tiểu học lúc bấy giờ là trường Đình La. Học trò Đình La thuở ấy chênh nhau nhiều tuổi vẫn xằm xặm nhau trang lứa. vì điều kiện gia đình, chúng tôi được học lên cấp II, anh thôi học, theo gia đình ra sông ra biển kiếm sống, sau vào lính. Anh đã làm nên chiến tích, thay cho chúng tôi làm nên huyền thoại.
Và cho đến bây giờ, sau 41 năm làm nên chiến công hiển hách, Anh mới được chính thức phong tặng Danh hiệu Anh Hùng!
Tôi lại thấy nụ cười của anh hiện lên rất rõ, nụ cười bất tử của người lính trước khi ra trận, nụ cười của Con Người biết trước mình sẽ không bao giờ trở về! Nhìn tấm chân dung Anh, tôi cứ miên man dòng suy nghĩ: Nếu như trận đánh đó anh bị địch bắt? Nếu như trận đánh đó không thành công? Thì có ảnh hưởng gì đến ngày 30-4, đến Đại thắng mùa Xuân năm 1975?
Kể ra đúng nghĩa làm người, trường Tiểu học Cẩm La (tiền thân là trường Tiểu học Đình La) phải vô cùng tự hào, phải vô cùng biết ơn Anh. Quê hương chúng tôi phải vô cùng tự hào, phải vô cùng biết ơn Anh! Vậy mà, cho đến nay vẫn ít người biết về Anh, lớp trẻ thời nay ở quê càng ít biết về Anh! Học trò trường Tiểu Học Cẩm La lại càng ít biết và thậm chí không biết gì về Anh!

Theo nguyện vọng của các bạn, GĐQ xin đăng trọn bút ký để tiện theo dõi
CHÂN DUNG NGUYỄN CÔNG BAO TRƯỚC GIỜ XUẤT KÍCH-Ảnh: Tư liệu Đòan 10 Đặc công Rừng Sác
I-Huyền thoại một Chiến công và những bài báo
Được tin chị Vũ Thị Hiệp mới vào TP Hồ Chí Minh về, tôi liền đến hỏi thăm. Trong căn nhà ấm áp, chị và anh Vũ Văn Cường, người chồng sau này, hồ hởi đón khách và những người thân đến chia vui. Chị Hiệp xúc động kể với tôi về chuyến đi những ngày cuối tháng 4 đầu tháng 5 năm nay vào thăm chiến trường xưa, nơi liệt sĩ Nguyễn Công Bao đã hy sinh:
-Em tiếp tục được sống những ngày thật thân thiết trong tình thương của các cán bộ và chiến sĩ Đoàn 10 Rừng Sác, như thể “Anh Lính” nhà em vẫn còn ở trên đời! Khi trân trọng đón tấm bằng Danh hiệu “Anh Hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân” do Chủ tịch nước ký truy tặng, em vô cùng xúc động và không ngăn nổi những dòng nước mắt. Em đã thấy được nụ cười của “Anh Lính”...
Tôi chợt hiểu “Anh Lính” mà Hiệp nói đây có nghĩa là người chồng trước của chị-liệt sĩ Nguyễn Công Bao, chị thường gọi với tình cảm thân yêu, kính trọng và thiêng liêng. Nhân dịp kỷ niệm 38 năm Đại thắng Mùa Xuân (1975-2013), liệt sĩ Nguyễn Công Bao, từ danh hiệu Hành động Anh hùng, nay đã được truy tặng: Anh Hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân!
Tôi run run cầm bản Quyết định của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký tại Quyết định số 803/QĐ CTN ngày 25-4-2013 và bản Thông báo do Tổng cục Chính trị-Cục Tuyên huấn ghi ngày 29-5-2013 lên đọc. Bản Thông báo ghi rõ về tổng kết chiến thắng: Đồng chí Nguyễn Công Bao đã cùng đơn vị tập kích phá hủy Tổng kho xăng Nhà Bè. Trận đánh đạt hiệu quả rất lớn: Kho nhiên liệu Shell của địch hoàn toàn bị thiêu hủy, cháy 35 triệu galon xăng dầu (tương đương 250 triệu lít), phá hủy 12 bồn butaga, một tàu dầu Hà Lan 12 nghìn tấn, một cơ sở lọc dầu, một cơ sở trộn nhớt, một khu chứa lương thực, một khu nhà lính... tổng thiệt hại lên tới 20 triệu đôla Mỹ...
Trong thâm tâm, tôi như người không vay mà cứ day dứt một nỗi niềm về món nợ tự mình chưa trả được: đó là những bài báo viết về liệt sĩ Nguyễn Công Bao! Tôi bồi hồi nhớ lại câu chuyện về chiến công của người liệt sĩ và khát vọng của chị Hiệp cùng những bài báo mà tôi đã theo đuổi viết cách đây từ năm 1997, 1999... Trước hết đó là bài báo “Cần có một ngoại lệ cho liệt sĩ Nguyễn Công Bao”, rồi đến “Chiến công của liệt sĩ và nỗi lòng của người vợ” đăng trên báo Quảng Ninh, báo Tiền Phong, báo Nhân Dân...
Nguyễn Công Bao sinh năm 1947, quê xã Cẩm La- huyện Yên Hưng nay là thị xã Quảng Yên mảnh đất bên sông Bạch Đằng lịch sử. Anh là một trong 8 chiến sĩ lừng danh của Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác- đơn vị 2 lần Anh hùng. Trong trận đánh mưu trí, quyết liệt đêm mồng 2 rạng ngày 3-12-1973, các anh đã thiêu hủy toàn bộ căn cứ Tổng kho xăng dầu Nhà Bè của Mỹ-Ngụy bên sông Lòng Tàu, Sài Gòn.
Anh có biệt tài bơi lặn giỏi từ những ngày mò cua bắt ốc, chăn trâu, cắt cỏ bên sông, cùng bạn bè trang lứa học tiểu học trường làng với tôi. Những trang sử của ông cha đánh giặc giữ nước trên dòng sông quê hương đã nung nấu trái tim chàng trai vùng sông biển Hà Nam. Năm 1968 anh tình nguyện nhập ngũ, được sung vào một đơn vị đặc công thủy. Dịp nghỉ phép thăm nhà, anh xây dựng gia đình với cô giáo Vũ Thị Hiệp làng Phong Hải. Những ngày hạnh phúc của anh chị quá ngắn ngủi. Rồi anh vội vã về đơn vị huấn luyện các chiến sĩ mới. Tới đơn vị, anh viết thư về cho Hiệp: “Gà gáy hôm đó nhỡ đò, anh đã cởi trần bơi từ bến đò Chanh, dọc sông Chanh qua sông Rừng rộng mênh mông sang bờ Thủy Nguyên, rồi chạy bộ về đơn vị kịp giờ điểm danh...” Đọc thư, mà lòng Hiệp tê tái thương anh.
Năm 1972, khi Hiệp sinh con trai vừa đầy 2 tháng rưỡi thì Bao được lệnh lên đường vào chiến trường B làm nhiệm vụ đặc biệt thuộc đơn vị C5, E10, đặc công Rừng Sác. Lúc đó anh đã là một đảng viên với cấp bậc thượng sĩ, chức vụ Trung đội trưởng. Đơn vị chọn thành lập Đội cảm tử gồm 8 người do Hà Quang Vóc làm tổ trưởng, anh làm tổ phó, cùng các anh Trần Ngọc Sĩ, Nguyễn Hồng Thế, Phạm Văn Tiềm, Đỗ Hải Quân, Nguyễn Văn Dực, Hoàng Hữu Hinh. Các anh đã làm lễ tuyên thệ, truy điệu sống dưới cờ trong căn cứ Rạch Lá-Ông Kèo, trước khi vào trận đánh Kho xăng Nhà Bè. Vóc và Bao đã chỉ huy đồng đội bơi ngầm vượt qua 14 lần hàng rào kẽm gai, chướng vật nguy hiểm, chó bécgiê, ngỗng báo động... của địch để bố trí trận đánh. Cùng lúc trên đường rút về, những quả mìn đặc biệt do các anh mưu mẹo ém vào các bồn xăng, các điểm hiểm yếu đồng loạt nổ tung, thì anh và Tiềm bị địch phát hiện. Trận đánh diễn ra vô cùng căng thẳng, ác liệt giữa 8 chiến sĩ cảm tử với bọn địch lực lượng rất lớn gồm bộ binh, nhiều tàu chiến, máy bay trực thăng quần đảo trên sông Lòng Tàu. 6 chiến sĩ ta lọt được ra ngoài. Bao và Tiềm đã bị lọt vào vòng vây của 7 chiếc tàu tuần tiễu của địch. Địch bủa vây, bắn xối xả, ném cơ man lựu đạn xuống sông. Bị sức ép kinh khủng dưới nước, hai anh trồi lên, đã bị chúng chao lưới kéo lên tàu. Hai anh còn chiến đấu tiếp tục tiêu diệt thêm nhiều tên nữa. Biết không thể thoát được, nhưng kiên quyết không để địch bắt sống, Bao và Tiềm đã dùng vũ khí đặc biệt còn lại trong người hy sinh luôn mình và hủy luôn tàu giặc. Những chiến sĩ rút ra ngoài đã trực tiếp quan sát được bối cảnh hy sinh anh dũng của hai anh trên sông. Sau đó, bọn địch đã phong tỏa dòng sông, tức tốc thu dọn hậu quả và vớt các xác chết của đồng bọn.
Nhưng riêng đơn vị Đặc công của ta sau nhiều lần bí mật tìm kiếm, đã không tìm được thi hài của Bao và Tiềm. Hai liệt sĩ được tuyên dương“Hành động Anh hùng” và được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Thời điểm đó, hãng Thông tin Roi tơ đã phải thốt lên: “Những chiến sĩ Việt cộng này tinh khôn đến lạ lùng. Họ đã đánh vỡ dạ dày của quân đội Sài Gòn...Họ đã đốt sạch 200 triệu lít xăng trong 12 bồn chứa lớn bằng ngọn lửa rừng rực cháy suốt 12 ngày đêm...”
Chiến công đánh Kho xăng Nhà Bè vang dội cả nước. Dư luận thế giới hết lòng ngợi ca. Hiện những bức ảnh chụp riêng hai anh và đội cảm tử tuyên thệ trong Rừng Sác hồi đó được báo chí các hãng thông tấn đăng tải một thời còn được lưu giữ trong Phòng Truyền thống Đoàn 10 Rừng Sác. Ông Louis Wesling-nguyên Tổng Giám đốc Kho xăng Nhà Bè khi ấy, hơn 30 năm sau vẫn trăn trở mãi câu hỏi về nguyên nhân “Vụ nổ Kho xăng Nhà Bè”. Mãi khi gặp lại ông Lê Bá Ước, trung đoàn trưởng Đoàn 10 năm xưa, ông ta mới hiểu: “một phút chiến công đã tạo nên bằng 6 tháng ròng rã chuẩn bị bằng lòng dân và ý chí căm thù, bằng cả sức mạnh Việt Nam!”
TƯỢNG ĐÀI LIỆT SĨ ĐƯỢC TẠC DỰNG THEO NGUYÊN MẪU NGUYỄN CÔNG BAO VÀ PHẠM VĂN TIỀM
CHỊ VŨ THỊ HIỆP TRƯỚC BAN THỜ LS NGUYỄN CÔNG BAO
II-Nghị lực và lòng kiên nhẫn của người vợ liệt sĩ
Chiến công và dư âm còn đó. Nhưng hài cốt liệt sĩ thì... Đó là nỗi niềm day dứt bấy lâu của chị Hiệp. Hơn 25 năm, chị vẫn thờ chồng, chờ đợi và hy vọng. Đồng đội anh cũng đã đi tìm xem thấy chút gì trong mảnh đất Nhà Bè và quanh vùng sông Lòng Tàu. Nhưng vô hiệu... vì hóa thân vào chiến công, có thể anh đã không còn! Nhưng, chị Hiệp khát vọng muốn có một ngôi mộ tưởng niệm anh trong Nghĩa trang Liệt sĩ Hà Nam-Quảng Yên để mỗi dịp ngày thương binh liệt sĩ 27-7, chị được cùng những người mẹ, người vợ liệt sĩ khác trong làng được tới nghĩa trang thăm viếng. Trong nhiều lá đơn gửi lên các cơ quan hữu trách, chị tha thiết đề nghị: “xây cho anh một ngôi mộ tưởng niệm tại Nghĩa trang liệt sĩ quê nhà. Làm như vậy là an ủi được vong linh anh và động viên người còn sống chúng tôi...”
Công văn của thủ trưởng Đoàn 10 Rừng Sác cũng gửi các cơ quan ngoài Quảng Ninh đề nghị xây mộ tưởng niệm cho anh... Nhưng tiếc thay nguyện vọng cháy bỏng của chị, của đồng đội anh không thực hiện được vì nhiều căn nguyên trong đó có lý do: đây là trường hợp chưa làm bao giờ!... Ruột gan chị càng như lửa đốt.
Nguyễn Công Bao tuy được tuyên dương “Hành động anh hùng”, nhưng trên thực tế vẫn coi như là người mất tích. Đến tháng 7-1997, khi nhận được thông tin, nguyện vọng, địa chỉ chính thức của chị, ông Bảy Ước (đại tá Lê Bá Ước nguyên Trung đoàn trưởng, người trực tiếp tổ chức lễ truy điệu sống và chỉ huy trận đánh đó) rất xúc động và lập tức gửi cho chị những tư liệu, những bức ảnh một thời Rừng Sác...
Vào một buổi chiều, nhân viên Bưu điện trao cho chị một gói bưu kiện. Chị hồi hộp mở ra: Một gói đất đóng vuông vức kèm theo một lá thư. Đó là gói đất do Trung Đoàn 10 Rừng Sác lấy từ Nhà Bè, sông Lòng Tàu, nơi các anh đã hy sinh, gửi ra cho chị với ý định “nếu xây mộ tưởng niệm thì chị sẽ đặt gói đất này xuống mộ coi như có phần xương cốt của anh trong đó...” Cầm gói đất trên tay, Hiệp nghẹn ngào không nói nên lời. Nhưng chị đã không thể tự mình thực hiện được “ngôi mộ tượng trưng” đó khi chưa được các cấp các ngành liên quan đến chính sách TBLS vào cuộc. Thời lúc đó trong công tác chính sách cũng đã có một số sự việc lộn xộn và những hiện tượng tiêu cực. Người sống đã giữ mình một đời rồi, chị rất sợ người chết bị hiểu lầm thì tủi vong linh cho anh lắm! Chị đành thầm lặng để nắm đất lên bàn thờ anh, một mình tưởng niệm!
Và một điều kỳ diệu bất ngờ đã đến với mẹ con Hiệp và bà mẹ gần tuổi 80 của liệt sĩ Nguyễn Công Bao: vào một ngày tháng 7-1999, dân ở khu vực hàng rào Kho xăng Nhà Bè báo tin tìm thấy hai bộ hài cốt. Ông bà Bảy Ước đã tấp cập cùng các cán bộ, chiến sĩ Đoàn 10 Rừng Sác đến tận nơi xác định. Bà Bảy Ước đã rưng rưng khóc trước từng chiếc mũ vải dù hoa, chiếc ống thở, chiếc dây thắt lưng do chính tay bà khâu hồi đó cho các anh mang theo trước khi vào trận đánh. Rồi căn cứ vào xương quai hàm, xương ống chân, hàm răng... mọi người khẳng định: đây là hài cốt của hai chiến sĩ đặc công Nguyễn Công Bao và Phạm Văn Tiềm! Mộ của hai anh đã được qui tập tại nghĩa trang Liệt sĩ huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh theo đúng nghi thức Quân đội.
Tháng 11-1999 nhận được điện khẩn của đại tá Lê Bá Ước, chị Hiệp bay vào Nam để nhận phần mộ anh. Đây là chuyến đi thứ nhất. Các cán bộ chiến sĩ Đoàn 10 đón tiếp chị rất thân tình và họ thuật lại toàn bộ sự kiện phát hiện hài cốt liệt sĩ cùng những vật dụng, sau khi có kết luận cơ sở khoa học một cách chính xác. Thắp hương trước mộ anh, tự dưng một lực truyền dẫn chạy khắp cơ thể, Hiệp đã khóc rất nhiều trong nỗi niềm mừng mừng, tủi tủi...
Ngừng một lát, đắn đo nhìn tôi, Hiệp nói: -Không biết có nên kể cho anh chi tiết này không? Đừng cười em tự nhiên lại... Vì đây là một chi tiết rất thực! Hiểu ý Hiệp, tôi khích lệ: -Cô cứ kể! Có thể từ cõi tâm linh, linh hồn “anh lính” đã rúng động!
-Lần ấy, anh Ngô Văn Sinh, người Phong Cốc cùng quê Hà Nam ta, chở em bằng xe máy từ Trung Đoàn 10 đến thăm Thượng tá Nguyễn Hồng Thế (quê Thái Bình, sau được phong Anh hùng lực lượng vũ trang, nguyên cũng từng làm Trung đoàn trưởng Đoàn 10-nay là chỉ huy trưởng, Ban chỉ huy Quân sự huyện Cần Giờ- TP Hồ Chí Minh) là một trong 6 chiến sĩ còn sống, cùng trận đánh đó. Sau phút giây tay bắt mặt mừng, trong câu chuyện về cuộc đời của Bao, em có kể việc cả nhà đang chuẩn bị cho đám cưới của chú em Nguyễn Công Nam ở quê. Đang nói đến đoạn hôm chia tay cuối cùng, anh lính hứa: “Sau chiến tranh, chú Nam cưới vợ anh sẽ về làm chủ hôn cho chú nhé...” bỗng có một con bướm rất to ở đâu bay đến đậu ngay trước cửa hiên. Cả nhà lấy làm lạ. Tự dưng lúc đó trong linh cảm em nghĩ là anh, mặc dù chưa có giấy báo tử về làng...
Thì ngay lúc tại nhà Nguyễn Hồng Thế cũng chợt xuất hiện một chú bướm lạ to như vậy ở ngoài lượn vào quanh quẩn trên đầu mọi người rồi đậu trên yên chiếc xe máy có chiếc nón của em. Ai cũng bàng hoàng: chả lẽ Bao hiển linh thế ư? Chú bướm cứ đậu ở đấy hồi lâu. Đôi cánh chập chờn như muốn nói. Quả thật đầu óc em tự dưng mơ màng như thể người đi trên dây bị mất thăng bằng. Tới lúc sắp về, mọi người bảo em khấn thử xem sao. Em đến bên lẩm nhẩm: “Cuộc gặp nào cũng có lúc phải xa nhau. Nếu là anh về, sống khôn chết thiêng, anh hãy nhận lời chào của vợ và đồng đội rồi chia tay!” Quay đi quay lại, chú bướm bay khỏi xe rồi biến đâu mất!
Hiệp thảng thốt: Giây lát kỳ lạ ấy vẫn còn trong em như vừa mới hôm qua!...
Lần thứ hai, tháng 4-2000, Hiệp dẫn con trai Nguyễn Công Chiến và con dâu mới cưới vào viếng mộ anh; cùng Đoàn 10 đến dâng hương tại Đền thờ liệt sĩ huyện Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai và dự Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Đoàn 10 Rừng Sác. Tại đây trên tấm bia tưởng niệm các liệt sĩ Rừng Sác rất lớn, chị thấy tỉnh Quảng Ninh có 9 liệt sĩ, trong đó có Hà Quang Vóc quê huyện Đầm Hà; riêng huyện Yên Hưng có 5 liệt sĩ, trong đó xã Cẩm La có 2 là Nguyễn Công Bao và Nguyễn Văn Đắc. Ba mẹ con cùng bái lễ và chụp ảnh dưới chân tượng đài mang tên “Đặc công Rừng Sác” trong nghĩa trang liệt sĩ Nhơn Trạch. Đây là tượng đài cao 9 mét, tạc dựng đúng nguyên mẫu chân dung Nguyễn Công Bao và Phạm Văn Tiềm rất uy nghi trong tư thế xốc tới, đúng như bức ảnh đen trắng do nhà nhiếp ảnh Văn Sáu, phóng viên mặt trận chụp trước giờ các anh xuất kích, mà ông Bảy Ước cất giữ cẩn thận bấy lâu. Thật bất ngờ nữa, khi chị và vợ chồng con trai được gặp và chụp ảnh chung với ông Văn Sáu-tác giả những bức ảnh lịch sử đó!
Ông Bảy Ước đã kể với chị về quá trình làm tượng đài:
-Họa sĩ Sĩ Nguyên khi cầm bức ảnh tôi đưa cho, không hề hỏi tên hai liệt sĩ, bảo: “Có một đêm tôi nằm mơ thấy hai ông đặc công bơi từ ngoài sông Đồng Nai vào. Hai ông ở trần, ngực nở múi, bơi dưới nước mà như người đi trên cạn. Ông cằm bạnh xưng là Bao, ông mũi cao và thẳng xưng là Tiềm...” Nghe xong, tôi (Lê Bá Ước) giật mình chỉ bức ảnh: “Thì đúng tên hai thằng này là Bao, là Tiềm đó. Tụi nó có nói gì không?” Họa sĩ bần thần: “Tôi thấy hai ông bảo ghé chơi đôi chút rồi còn phải đi. Ngoài sông anh em đang đợi đông lắm, đi bằng xuồng bo bo... tôi (Sĩ Nguyên) giật mình tỉnh dậy, chẳng biết là hư hay thực?”
Đó là thời gian tỉnh Đồng Nai đồng ý kiến nghị của đại tá Lê Bá Ước xin chủ trương xây dựng tượng đài Liệt sĩ Đặc công Rừng Sác. Bản phác thảo được Hội đồng thẩm định thông qua, kèm theo ý kiến chỉ đạo, bổ sung thêm nhà điêu khắc Trần Thanh Thanh tham gia khâu hoàn chỉnh những chi tiết đã được góp ý và giao cho nhóm tác giả gồm Đại tá Lê Bá Ước, họa sĩ Sĩ Nguyên và nhà điêu khắc Trần Thanh Thanh trực tiếp thi công. Không thể phủ nhận những yếu tố tâm linh. Chỉ trong vòng 3 tháng, thay mặt Ban quản lý dự án, ông Bảy Ước đi vận động các tỉnh giáp giới với Rừng Sác, đến đâu cũng được ủng hộ. Ngày khởi công khu đền thờ, tự dưng trên bầu trời có hàng nghìn con chim bồ chao từ đâu bay về hót rộn rực. Dân địa phương xã Phước An bảo chưa bao giờ lại thấy một đàn chim bồ chao về đông đến thế! Chắc chắn là hương linh các chiến sĩ Đoàn 10 đã phù hộ! Tượng đài này một năm sau còn được dựng một khối nữa trong khuôn viên khu Di tích căn cứ Rừng Sác.
Một niềm vui nữa lại đến với mẹ con Hiệp khi lần thứ ba vào chiến trường xưa. Đầu tháng 9-2004, chị được mời dự ngày giỗ chung các liệt sĩ Đoàn 10 Rừng Sác tổ chức truyền thống vào ngày 1-9 hằng năm và thăm con đường mang tên “đường Nguyễn Công Bao” ở huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh. Đây là con đường thứ 367 cùng với con đường số 361 mang tên Hà Quang Vóc, trong số 376 con đường mới của thành phố Hồ Chí Minh được đổi và đặt tên vào năm 2002. Vô cùng xúc động, chị đã chụp ảnh trên con đường còn thắm màu đất đỏ trong cảm giác như đứng trên con đường của quê hương... Cũng hôm 1-9-2004 xuống Cần Giờ thăm khu Di tích căn cứ Rừng Sác, đi cùng xe với Hiệp có ông Sáu Lập (tức thiếu tướng Trần Thành Lập). Ông nói: “Mấy năm qua, chúng tôi không ngừng tác động việc đề nghị cấp trên truy tặng Anh Hùng cho chú Bao... Chưa có hồi âm, chúng tôi còn đề nghị...”
Lần thứ tư, năm 2011, chị Hiệp lại cùng con và gia đình vào Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Nhà Bè xin phép được chuyển hài cốt “anh lính” về mảnh đất quê hương. Khát vọng của chị đã được thỏa nguyện. Hài cốt của anh đã được đón rước, an táng trọng thể tại Nghĩa trang Thị xã Quảng Yên bên dòng sông Bạch Đằng lịch sử...

TẤM BẰNG DANH HIỆU ANH HÙNG LLVTND TRUY TẶNG LS NGUYỄN CÔNG BAO ĐÃ VỀ ĐẾN CĂN NHÀ NHỎ CỦA NGƯỜI VỢ LS.
Vĩ Thanh một chiến công
Nắng chiều đổ dài bóng cây ngoài sân. Khóe mắt Hiệp vẫn còn rơm rớm ướt. Những giọt nước mắt của đau thương và vinh quang, của mất mát và hạnh phúc... ứa long lanh: Vậy là nay “anh lính” nhà em đã được vinh dự nhận danh hiệu Anh hùng! Và đây cũng là lần thứ 5 em vào lại chiến trường xưa để thay mặt “anh lính” đón nhận Danh hiệu Anh hùng cho anh!
Chia sẻ cùng chị, tôi thắp nén nhang tưởng nhớ anh, người bạn học lứa học trò trường Đình La làng Cẩm La thuở ấy. Chúng tôi lặng đi hồi lâu trước bàn thờ vong linh anh. Đây là bàn thờ do anh Vũ Trọng Cường, người chồng sau này rất thương yêu chị, trực tiếp đóng và dành một gian trang trọng trong ngôi nhà thờ người liệt sĩ. Bao đứng đó, đôi vai trần rắn chắc, vầng ngực nở múi với gương mặt kiên nghị sáng ngời phảng nét cười xa thẳm. Anh Cường còn để riêng hai khung kính lớn trưng bày thành một nơi lưu giữ những tài liệu, những bức ảnh đầy ý nghĩa về Bao và những chuyến vào chiến trường xưa của mẹ con Hiệp. Anh tâm sự: -Nhờ “Anh Lính” mà tôi và gia đình có được những hạnh phúc hôm nay! Tuần rằm nào chúng tôi cũng không quên thắp hương tưởng nhớ và trang trí đẹp bàn thờ cho anh!
Trong chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc, mỗi chiến công có ý nghĩa và giá trị riêng. Cho đến bây giờ, chiến công và tên tuổi của liệt sĩ Nguyễn Công Bao không chỉ một thời nổi danh, mà sau đó 30 năm (1972-2002), hình ảnh và tên anh đã được nhân dân tỉnh Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh dựng nên tượng đài và đặt tên con đường ghi nhớ. Và sau 41 năm (1972-2013): năm 2013, người liệt sĩ Đặc công Rừng Sác đã được Nhà nước chính thức truy tặng: Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân!
Chiến công của anh đã được ghi nhận bằng một đỉnh cao của sự tôn vinh! Khát vọng của người vợ liệt sĩ đã được thỏa nguyện và chị thực sự an lòng về trách nhiệm của một người vợ! Còn với tôi, bằng tác phẩm báo chí và văn học của mình, tôi đã hoàn thành một trách nhiệm với bạn học của tôi: góp phần đưa vĩ thanh chiến công vọng vào trang sử đất nước và quê nhà! Trang sử truyền thống của quê hương tôi có thêm bài học cho thế hệ con cháu biết rằng ở vùng làng đảo bên sông Bạch Đằng lịch sử này đã có một anh bộ đội Cụ Hồ, một người con Anh hùng trong một thời liệt oanh như thế!

* Bài của nhà thơ gửi cho LÃO NÔNG PHU qua blog liên kết thành viên và được sự đồng ý của tác giả sáng 15/7/2013

Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2013

THOÁT

Nhà thơ Thạch Thảo đang cư trú tại TP Hồ Chí Minh và công tác tại Bình Dương. Tôi biết chị đã hơn 2 năm nay qua trang vanthoviet.com. Chị là thành viên ở đó. LÃO NÔNG PHU xin trân trọng giới thiệu bài thơ THOÁT của chị qua Fb

Săm soi chút mảnh hồng nhan

Để nghe gương lược ríu ran tự tình.


Ba mươi năm, nghĩ giật mình

Chân thời gian nhịp rập rình bóng câu

Mùa xuân trôi tận đẩu đâu

Chiêm bao rớt lại bên cầu áo bay.


Ngón sầu ghì giấc mơ phai

Run run tiếng dế lạc loài cỏ cây

Ai đâu biết – ai nào hay?

Thì thôi cứ để tiên bay về trời.


Về trời mỗi đứa một nơi
Thà xa còn giữ tiếng cười trong veo.


Thứ Tư, 3 tháng 7, 2013

NHÀ THƠ NGUYỄN THÁI SƠN

Qua FB, tôi đã mạo muội vào thăm 4 tòa lâu đài tráng lệ của nhà thơ Nguyễn Thái Sơn:
1/nguyenthaison1710.blogspot.com
2/nguyenthaisondannuoc.blogspot.com
3/dannuoc.blogspot.com
4/dannuoc6.blogspot.com
LÃO NÔNG PHU xin trân trọng giới thiệu hai bài thơ của anh đăng trên blog NGUYỄN THÁI SƠN (nguyenthaison1710.blogspot.com)

1- THĂM MỘ CHIỀU CUỐI NĂM

Vạt đồi yên nghỉ bao Đồng đội
Nhang trầm
                  một thẻ
                             biết làm sao!...
Thắp lên
             đành cắm nơi đầu gió
Hương
          Khói...
                      đừng quên Nấm Mộ nào!
                                           
                                                             1980



2/ GẶP NẤM MỘ NGƯỜI CÙNG QUÊ Ở TÂY NGUYÊN


Chị tháng Bảy tôi tháng Mười
sinh cùng năm - cũng gốc người Nam Sang (*)
rừng cao su lá ngập vàng
mảnh bia mờ chữ chân nhang nhạt màu

tha hương thân phận như nhau
đá lăn khỏi núi quả cau rã buồng
đời người như chỉ treo chuông
biết rằng dài ngắn tròn vuông thế nào

quê nhà thóc kém gạo cao
người ra Hồng Quảng kẻ vào Đắc Nông
đành rằng ruộng hẹp người đông
thiếu đâu dăm thước đất đồng chị ơi !

ngổn ngang vải nát ván thôi  (**)
nước dâng nửa huyệt, cát bồi lưng bia
người thân đã đón chị về ?
gạch Châu Sơn, đá Kiện Khê “lập nhà”

gò cao dứa ngộ trắng hoa
đất nâu ấm cốt phù sa mát hồn
trăng rằm đọng vũng đường thôn
trầu không hụt lứa, cau non sớm cằn

lang bang tất tưởi nhọc nhằn
áo mặc dẫu ấm, bát ăn dù đầy
mình như thuyền mộc thương cây
rồi ra cũng nhẩm tính ngày về quê…

 Phương Nam, 1998
---------------------------------------------
(*) Nay là vùng Hà Nam, Nam Định
(**) Ván quan tài sau khi cải táng


Thứ Ba, 2 tháng 7, 2013

ĐÒ NGHỆ XUÂN THIỀU*

LÃO NÔNG PHU xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà toán học, nhà thơ - Ông đồ xứ Nghệ  Vương Trọng. Xin cảm ơn nhà thơ đã cho bạn đọc thưởng thức bài viết hay về nhà văn tài danh đã khuất, đồng hương của anh: Nhà văn Xuân Thiều


Ảnh: Nhà thơ Vương Trọng

Ngày chưa về công tác tại tạp chí Văn nghệ Quân đội, cách đây trên 35 năm, tôi thuộc khá nhiều câu thơ trong những bài thơ của ông, lúc thì mang tên Xuân Thiều, lúc thì với bút danh Nguyễn Thiều Nam, bây giờ có thể chép lại theo trí nhớ. Đó là hai câu kết trong một bài viết về khẩu đội pháo phòng không trên đỉnh núi : " Giá mà kéo núi lên cao nữa/ Giáp mặt quân thù đánh tuyệt hơn". Đây là khổ đầu trong bài thơ viết về tiểu đội bộ binh quân giải phóng ở miền Nam: " Ngủ một giấc ngày mai đi đánh giặc. Tiểu đội nằm ôm nhau trong hầm chữ A. Bom toạ độ réo qua nhưng cơn mơ căm giận. Và cơn mơ xanh trời quê ta"...Khi về công tác ở Tạp chí, tôi mới biết ông viết văn xuôi là chính, thơ chỉ làm tay trái cho vui, và trong hơn ba mươi năm sống gần ông, tôi hiếm thấy ông làm thơ, mặc dù văn xuôi thì xuất bản đều đều, cả tiểu thuyết và các tập truyện ngắn. 
Giống như nhiều nhà văn quê Nghệ Tĩnh, Xuân Thiều đặc biệt yêu thích chơi chữ và làm câu đối. Thế nhưng khi tôi được Ban biên tập giao trách nhiệm lo phần câu đối báo tết, tìm đến ông để "đặt hàng" thì ông lắc đầu từ chối:
- Câu đối là trò chơi chữ. Thế nhưng trên báo tết hiện nay, câu đối hầu như không còn chơi chữ nữa, mất cái hay của câu đối. Viết cho hay hơn, thì mình không viết được, viết như thế, thì chả viết làm gì...
Rồi nhân tiện, ông đọc những câu đối " quái chiêu" của ông từng sáng tác, tôi nghe, " tâm phục, khẩu phục". Có điều, nhiều câu đối tuyệt tác của ông rất khó công bố trên báo chí vì lẽ này hay lẽ khác, mà nó chỉ được truyền miệng theo lối văn học dân gian, ví như các câu đối có địa danh Hóc Môn, Gò Công, Củ Chi…Còn những câu đối của ông đã được công bố tuy không xuất sắc bằng những câu " dân gian" kia, nhưng vẫn khá hay. Ví dụ như năm 1972, khi nhà thơ Vũ Cao, chủ nhiệm Tạp chí, và nhà văn Từ Bích Hoàng, phó chủ nhiệm, cùng bước sang tuổi năm mươi, Xuân Thiều có tặng hai thủ trưởng của mình một đôi câu đối khá hóm hỉnh và nghe cũng rất "sái":
Cậu năm mươi, tớ năm mươi, ờ nhỉ đôi ta tròn trăm tuổi
Đó cấp tá, đây cấp tá, ơ hay hai đứa chẵn đôi quan.
Xuân Thiều khoái hai chữ trăm tuổi và đôi quan, các nhóm từ mà người ta thường kiêng vì mang ý nói về cái chết, nhưng ở đây ông giả vờ hồn nhiên như chỉ " thấy sao nói vậy".
Đó là đối với hai thủ trưởng, còn với hai bạn văn là Ngô Văn Phú (Ban thơ), Vương Trí Nhàn ( Ban lý luân phê bình) của tạp chí, Xuân Thiều cũng làm câu đối mục đích để trêu đùa, chứ không hề có ý chê bai năng lực văn học của bạn mình. Câu đối ấy như sau:
Vương Trí Nhàn, mà trí chẳng nhàn, vương vãi hoài chút trí
Ngô Văn Phú, sao văn không phú, ngô nghê mãi nghề văn.
Một ngày tôi đến thăm nhà ông, mục đích là để sưu tầm một ít câu đối " dân gian" mà ông mới sáng tác. Ông hỏi thăm tôi về tình hình con cái, rồi tiện thể, ông nói về công việc của bốn đứa con của ông, hai trai, hai gái. Mừng cho ông vì cả bốn cháu đều làm ăn khấm khá, có cháu là giám đốc công ty lớn.Nghe xong, tôi cười và nói với ông:
- Đối với anh bây giờ thì Chả lo gì, chỉ lo già!
Xuân Thiều rất khoái trò chơi chữ ở đây, là một câu nói lái, nội dung lại rất đúng với hoàn cảnh của ông. Thế rồi có lần ông kể lại chuyện này trong một bài báo, độc giả tưởng đây là một vế thách đối , nhiều người gửi vế đối về. Một hôm Xuân Thiều tìm gặp tôi, khoe có một độc giả ở Hà Tĩnh, có vế đối khá hay, chỉ tiếc luật trắc bằng chưa chuẩn lắm. Độc giả ấy nói rằng, với các bác giàu có thì Chả lo gì, chỉ lo già, còn với những người nghèo khổ chúng em thì Nỏ cần chi, chỉ cần no!
Lần đầu tôi đi công tác với Xuân Thiều là tháng 5 năm 1975. Chính xác hơn, khi đó tôi là người của Tạp chí Văn nghệ Quân đội đang biệt phái ở Văn nghệ quân giải phóng, còn Xuân Thiều mới vào Sài Gòn. Coi mình là người đến trước, thông thạo thành phố hơn, tôi dẫn Xuân Thiều đi xem Sài Gòn. Mặc dù chúng tôi đều mặc thường phục, nhưng đi đến đâu, người ta vẫn gọi chúng tôi là bộ đội, và mời các chú bộ đội mua hàng. Tôi đi trước giải phóng, lương để lại Bắc cho vợ con nên không có tiền để mua bất cứ cái gì, còn Xuân Thiều mới vào, có mang theo tiền, nhưng ngoài việc chiêu đãi tôi và Lê Thành Nghị những bát hủ tiếu, ông không dám mua bất cứ thứ gì, vì lúc đó có quy định bộ đội không được mua hàng! Một hôm Xuân Thiều, Lê Thành Nghị và tôi đi vào bùng binh Bến Thành, thấy có người gạ bán máy ảnh Cannon khá mới, chỉ với giá ba mươi đồng. Xuân Thiều cầm máy ảnh xem, có vẻ thích thú nhưng bỗng nhiên trả lại máy cho chủ, lảng đi nơi khác. Tôi đi theo hỏi:
- Anh không mang theo tiền à?
- Có chứ.
- Máy ảnh cũ quá à?
- Còn rất mới.
- Đắt quá à?
- Rất rẻ.
- Thế sao anh không mua?
- Thế cậu không biết trên quy định cấm bộ đội mua hàng hoá à?



                              Nhà văn Xuân Thiều


Tôi và Lê Thành Nghị thuyết phục anh rằng, hàng hoá là những thứ to tát như ti vi tủ lạnh, xe máy...còn máy ảnh này mình mua để phục vụ cho công việc của phóng viên ...Nếu anh ngại thì đưa tiền đây, chúng em mua hộ, rồi anh trả tiền công bằng hủ tiếu!
Lúc đó tay bán máy ảnh theo lại gần tận nơi, Xuân Thiều nhìn trước, nhìn sau rồi lấy ra ba mươi đồng dúi vào tay Lê Thành Nghị, vội vàng lảng ra nơi khác. Cái máy ảnh Cannon mà Xuân Thiều dùng trong nhiều năm sau này có xuất xứ như thế!
Là một nhà văn thích đổi mới và sâu sắc, là một ông Đồ Nghệ hay chữ, nhưng Xuân Thiều còn là một cán bộ quân đội khá thích nghi với công việc hành chính. Từ năm 1979 đến 1982, hơn ba năm là Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, phụ trách hành chính nội bộ, Xuân Thiều phát huy khả năng hành chính của mình. Đó là thời kỳ đất nước cực kỳ khó khăn về kinh thế, lo chuyện cải thiện đời sống cho anh em trong cơ quan đâu phải chuyện đơn giản. Xuân Thiều và lái xe Phạm Hồ, mỗi năm không biết bao nhiêu chuyến đi về Hải Hậu ( Nam Định) và Ninh Bình để lo chuyện mua thêm lương thực cho anh em trong cơ quan, cũng như đi mua lợn về nuôi nhốt ở phía sau cơn quan, sao cho dịp tết có thể chia cho mỗi người vài cân thịt, dù là thịt đa khoa như anh em vẫn nói đùa, nhưng đã tạo niềm vui lớn cho mọi người. Hay như mấy năm ông được biệt phái sang Hôi Nhà văn lo công tác văn phòng, ai cũng phải thừa nhận ông là một cán bộ hành chính mẫu mực về duy trì giờ giấc cũng như quán xuyến công việc. 
Yêu thích và có tài sáng tác nhiều câu đối hay, đó chỉ là một phần chất " Đồ Nghệ" trong Xuân Thiều. Ông là một nhà văn tận tuỵ, có trách nhiệm trông công việc bồi dường những cây viết trẻ. Khi có các ai nhờ đọc tác phẩm và góp ý, ông đọc rất tỷ mỉ, sửa chữa từng chi tiết nhỏ, dù tác phẩm đó là thơ, truyện ngắn, hay cả tiểu thuyết. Khi được mời vào làm ban giám khảo các cuộc thi truyện ngắn, tiểu thuyết, ông không những đọc hết, mà đọc kỹ, phát biểu đúng chính kiến của mình, chứ không hề nói dựa, điều mà một số vị giám khảo quen làm! Tháng 8 năm 1991, Hội Văn nghệ Sơn La có mời ông và tôi lên trao đổi kinh nghiệm và đọc bản thảo của các trại viên. Chúng tôi lên ngay sau trận lũ lịch sử, nhà của em trai Xuân Thiều bị lũ trôi hoàn toàn, em trai ông bị chết, thế là ngoài việc giúp đỡ gia đình người em ổn định nơi ăn ở và điều kiện sinh hoạt, Xuân Thiều vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người hướng dẫn sáng tác, thể hiện trong việc lên lớp, đọc bài, góp ý sửa chữa, làm cho anh em trại viên hết sức cảm động. Chính trong dịp này, Xuân Thiều phát hiện ra cây bút truyện ngắn Sa Phong Ba, sau đó không lâu đã trở thành nhà văn. Rồi trại viết của Tạp chí tổ chức ở Cửa Lò năm 1993, cũng vậy. Trưởng trại Xuân Thiều hết sức quan tâm đến những cây viết nghiệp dư, muốn tận dụng thời gian giúp đỡ họ. Và ngay đối với các nhà văn tên tuổi tham dự trại, Xuân Thiều vẫn quan tâm, theo dõi, góp ý với các tác phẩm của họ, để cho chất lượng cao hơn. Truyện ngắn Vịt trời lông tía bay về của nhà văn Hồng Nhu, hình thành, ra đời trong trại viết này, sau đó đoạt giải nhì cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí, là một ví dụ.
Có một chuyện mà không phải người nào cũng biết là công việc của nhà văn Xuân Thiều đối với thơ và văn của Phùng Khắc Bắc. Bây giờ thì nhiều bạn đọc biết được Phùng Khắc Bắc là một nhà thơ có tài, với tập thơ Một chấm xanh từng được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Thế nhưng đến năm 1991, khi Phùng Khắc Bắc mất đi, thì không mấy ai biết anh có làm văn chương, mà chỉ nghĩ anh vốn là một cán bộ của Phòng văn nghệ Quân đội, sau chuyển sang làm cán bộ văn phòng của Hội Nhà văn. Sau khi Phùng Khắc bắc mất, chính nhà văn Xuân Thiều đã thu thập bản thảo của Phùng Khắc Bắc, hầu hết là chưa từng được công bố. Xuân Thiều bỏ ra mấy tháng trời để chọn lọc, phân loại, biên tập, liên hệ xuất bản, để có được tập thơ Một chấm xanh và một quyển tiểu thuyết, mà cả hai sau khi xuất bản đều được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Nếu như không có công lao của nhà văn Xuân Thiều, đến hôm nay, chắc hẳn các tác phẩm của Phùng Khắc Bắc chưa đến tay bạn đọc, họ không biết Phùng Khắc Bắc là ai, và trong mắt nhìn của các nhà văn, Phùng Khắc Bắc chỉ là một cán bộ văn phòng!
Anh Xuân Thiều ơi! Hội Nhà văn lại khôi phục lớp bồi dưỡng sáng tác ở Quảng Bá như những năm nào. Giá chưa rời bỏ trần thế thì tôi tin thế nào anh cũng tự nguyện đến Quảng Bá để giúp đỡ những người viết trẻ trong những khoá học sắp tới. Nhưng anh đã về Công viên Vĩnh Hằng ở Bất Bạt, gần quê hương nhà thơ Quang Dũng, ngước trông lên thấy ngọn Ba Vì và thầm đọc câu thơ " Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm" như bao lần anh đã đọc trong hai tuần lao động ở Mỏ Chén, Hoà Lạc năm nào. Bảy mươi tám tuổi chưa phải là nhiều nếu so với tuổi thọ của nhà văn Nguyễn Lân, nhà thơ Khương Hữu Dụng..., nhưng anh cũng thọ bằng bác Thanh Tịnh, lão tướng của ngôi nhà Số Bốn, người " năm sinh có ghi ở Nhà hát lớn Thành phố", và anh thọ hơn nhà văn Nguyễn Minh Châu, một người bạn đồng niên, đến những mười tám năm! Anh vẫn thường đọc cầu thơ: " Mỹ nhân tự cổ như danh tướng. Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu", và tôi tin ở chốn suối vàng nghĩ lại, không bao giờ anh nghĩ rằng mình chết trẻ. Tôi đã dịch thơ xong toàn bộ 250 bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du, thế là không kịp xuất bản để tặng anh như anh đã dặn. 
Vĩnh biệt anh! 
Một đứa em, người bạn vong niên có chất Đồ Nghệ như anh.

Hà Nội, 07 - 4 – 2007
Vương Trọng

* Bài viết của nhà thơ Vương Trọng trên facebook ngày 3/7/2013

Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2013

LÊN QUÁN DỐC*

      Trước khi lao vào cầy, tặng chư vị có lòng ghé đến trang của mỗ dăm câu thơ còi. Đây là bài thơ gần như duy nhất mỗ thuộc trong đống thơ của mỗ.



Mình lên Quán Dốc đấy à.
Đợi ta vợi chút là đà được không.
Ta như một kẻ nạ dòng
Khoả tay xuống lũ vớt lòng trinh lên
May mà có chút tình riêng
Nên liều đánh cược đỏ đen với đời
mênh mông là mênh mông ơi
nửa đêm trăng tỏ ra khơi một mình
Nắng thu vàng cốm sân đình
Cũng liều mang nửa mảnh tình ra phơi
Người ơi. Người hỡi. Người hời
Nhớ chưa? Ở cuối cuộc đời. Đợi ta
                                                                Nguyễn Hiếu
* LÃO NÔNG PHU tự đặt tên vì nhà văn Nguyễn Hiếu không tự đặt tên bài thơ. So với bản gốc mà tác giả viết trên facebook, LÃO NÔNG PHU biên tập lại mấy dòng tự giới thiệu của tác giả - Nhà văn Nguyễn Hiếu cho rõ nghĩa hơn nhưng vẫn giữ nguyên tinh thần của tác giả trong mấy câu đó.

Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

DÒNG SÔNG THƯƠNG NHỚ

          Nhà thơ Nguyễn An hiện đang sống và làm việc tại thành phố Hạ Long. Phòng văn của anh bên bờ vịnh Hạ Long xinh đẹp.
          Tôi hay ngồi với anh trong phòng văn đó. Gió từ biển lồng lộng. Nhà anh sát ngay bên bờ vịnh, chỉ cách có một con đường bao biển hai làn xe dành cho du lịch. Tưởng chừng với cánh tay ra khỏi cửa sổ là sẽ có thể vốc được một vụm nước biển Hạ Long. Ngoài kia, biển vẫn xanh như tự thưở nào..
          LÃO NÔNG PHU xin giới thiệu một bài thơ trong tập thơ "NHỚ QUÊ" mới xuất bản 6/2013 của nhà thơ Nguyễn An. Điện thoại: 0913263039


Gặp em bên bến đò ngang
Mái chèo khua nước ngút ngàn... trời sao
Triều lên, con nước dâng cao
Thoảng nghe câu hát đồng dao vơi đầy

Nửa thì tỉnh, nửa lại say!
Nửa ngân ngấn, nửa bàn tay xa mờ
Nửa đi, nửa lại ngóng chờ
Cứ thăm thẳm tận bến bờ nhớ mong

Người đi, ngoảnh lại nhìn sông
Trời không nổi gió để lòng lá bay 

Mùa xuân 2012
Nguyễn An

Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

NHỊP RIÊNG NÀY CHO TA





Ấu thơ một thời
Phơi ngửa lá bàng non
Đàn bướm lượn vòng hoang dại
Lưng nhễ nhại, chiều loang mây tái
Ba vạn sáu ngàn ngày trôi veo
Trăng trong veo thoắt trăng nhăn nheo
Nhện giăng mùng.
Vườn xưa, đom đóm lạ.
Lông mày cong cài then trưa nắng lóa
Ngực trống quân nhưng nhức thì thùng

Bộn bề cuối trời
Lá trầu vàng úp xấp .
Vị cay nghẹn cuống thâm
Ngó sen dấu tận đáy đầm
Nhớ teo lòng mà không dám gặp
Kiếp người gang tay. Cuồng vó ngựa phi
Chưa nếm ngọt đời.
Đời đã nhạt đi.
Vậy mà hoa sáng nay vẫn hương .
Lại có nàng thả lời vấn vương.
Áo xanh chủng chẳng xuân .
Canh ba thức giấc ướt đầm lá dâu.

Chàng màng hỏi về đâu
Đầu sông buồm xa vuốt gió.
Cuối chuông thỏ non ăn cỏ
Rượu bồ đào chưa chạm đã say
Cà cuống chết không tàn vị nồng cay .

Sáng 31/12/2012
Nguyễn Hiếu
( báo Văn nghệ 22/6/2013)

Thứ Hai, 24 tháng 6, 2013

ĐỢI

                      

                                     Nghe Thúy Mỵ hát trên Đài TNVN


  “ Em đứng trên cầu đợi anh”*
    Câu hát cứ xoáy vào nỗi nhớ
    Van em,
    đừng hát nữa, em làm khổ tôi
    Đừng hát nữa, em ơi 
    Tôi sắp hóa đá.                                                                                                          
    Dưới  chân cầu
                          nước chảy vô tình
                                                      mòn mỏi                                       
    Câu hát vô tình 
                           nhức nhối
    Chỉ còn trái tim run rẩy,
    không hóa đá  bởi  thời gian

          
    *Câu mở đầu ca khúc “ ĐỢI “
                       Nhạc: Huy Thục
                       Thơ : Vũ Quần Phương
                                                                           Cọc Sáu 11/8/2005       
                                                                         NGUYỄN ĐÌNH THÁI









      

TÙY HỨNG CHÈO

      Chủ blog LÃO NÔNG PHU vừa nhận được bài thơ của nhà văn Nguyễn Hiếu từ Hà Nội gửi tặng qua email hồi 17h 29 ngày hôm nay (24/6/2013). Xin kính giới thiệu bài thơ TÙY HỨNG CHÈO của anh. Nguyễn văn bài post từ email.



      Gửi ông em họ Nguyễn ở vùng than. Nghe ông em than thừa vài chỗ trên blog, có xin một bài còi. Nay gửi cho ông em để lấp chỗ trống , cũng là chia vui cùng thiên hạ sau cơn mưa tạnh.

Tuỳ hứng chèo

Lòng đang sử rầu miệng lại hát lới lơ.
Ta hóa thằng Nô, ta đi ra phố.
Phú ông sáng nay đổ đốn làm thơ
Ta ngắc ngư bên Súy Vân giả ngố
Thiu thiu buông lời lắp bắp “Mầu ơ …”

Nô ta cách cô Mầu hai tao sa mạc
Trống quân um thùm động đậy cả mây.
Thị Kính buồn mở cửa xe Le xục
Mõ nhặt khoan sắp qua cầu vinh nhục
Kim Nhan đường trường dùng dắng ai đây

Cách bẩy thôi đò, cách ba duyên kiếp
Đầu đời ối kẻ ghẹo nhau.
Già rồi đểnh đoảng trầu cau.
Giữa câu xẩm xoan gà con chiêm chiếp
Nàng à…Xin hẹn kiếp sau.

Chòng chành sa lệch chênh cổ kiêu ba ngấn
Nghểnh ngảng yếm đào, nhạt miệng trái mơ.
Ta là Nô qua lới nọ vẫn là Nô
Con gà rừng gáy vang niềm hận
Sao đời này cứ lắp bắp mãi ”Mầu ơ…”

                                      Quỳnh Mai, mùa đông Nhâm Thìn 
                                                         (29/11/2012)

                                                         Nguyễn Hiếu 

Thứ Ba, 18 tháng 6, 2013

NHÚT VÀ TÔI

Nhà thơ Lê Huy Mậu, tác giả phần lời của bài hát KHÚC HÁT SÔNG QUÊ của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo vừa post lên facebook bài thơ NHÚT VÀ TÔI. Tôi đã xin phép anh đăng lại lên LÃO NÔNG PHU

NHÚT VÀ TÔI 

Nhút là quê. Nhút cũng là nghèo!
Nhưng nhớ nhút, nhớ nghèo là nỗi nhớ đẹp!
Chiều ngồi mở vại nhút ký ức
Lôi nhút ra xào một đĩa thơ chơi!

Nhút là quê. Nhút cũng là tôi!
Là xơ mít. Là hoa chuối hột!
Là cái vại sành úp chiếc nón thủng chóp
Là bị bỏ quên đâu đó ở sau hè!

Chỉ tới khi mưa gió não nề
Lụt đóng trước, đóng sau mẹ không chợ búa được!
Là khi sau hè nhà sẵn sàng vại nhút
Lùa bát cơm tháng tám ngày ba!

Sang Sê-un được đãi món kim chi!
Bỗng nhớ nhút Thanh Chương quê mình quá!
Nhút là tôi. Nhút cũng là văn hóa!
Nhút và tôi- Bản sắc một vùng quê!
18/6/2013





Thứ Hai, 17 tháng 6, 2013

CŨNG BỞI ĐỜI THÔI

Một bài thơ... đồng dao kiểu... người lớn hay hay của nhà văn Nguyễn Hiếu trên facebook sáng 18/6/2013. Anh đã đồng ý cho phép tôi đăng trên LÃO NÔNG PHU. Kính chúc nhà văn vui khỏe và viết sung sức! Xin giới thiệu với bạn đọc bài thơ... đồng dao người lớn: "Cũng bởi đời thôi" của anh 





Ta còn ham lắm ta ơi
Khi còn nước, khi còn trời, còn em
Trăng còn thũng thẵng bên thềm
Chung chiêng chiếc lá nửa đêm lìa cành
Mình còn hổn hển “kìa anh”
Có con sáo sậu bỗng thành chim di
Trèo cau Tấm vẫn gọi “dì”
Ếch vẫn oàm oạp – Ba Vì chưa cao
Người còn chưa cạn chiêm bao
Ông Tơ lúng túng chỉ đào vụng xe
Bà Nguyệt giờ đã nái xề
Mải lo giữ cháu quên nghề nối duyên
Dù ai đã hết Thuyền Quyên
Cái lúm đồng tiền vẫn đáng đồng ba
Dù ai giờ đã rất xa
Rau muống luộc với quả cà trôi cơm
Thôi rồi lỗ hổng cây rơm
Chạm tay nhau vẫn dỗi hờn đấy ư?
Đâu còn sớm nắng chiều mưa
Hai đầu đời, võng đà đưa chưa dừng
Ấy ơi chua ngọt đã từng
Già rồi mà vẫn dưng dưng vì đời

Những ngày chót Canh dần
Nguyễn Hiếu

Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2013

NHỚ CHA*

Ngày hôm nay 16/6 là ngày của Cha. 
Con xin thắp nén hương dâng Cha   



                                Thanh minh này con chẳng còn Cha
                                Nấm mồ lạnh, cỏ vàng xanh một nửa
                                Khắp cánh đồng, xanh màu xanh của lúa
                                Chỗ Cha nằm quạnh quẽ, hắt hiu

                                Cả một đời dành dụm, chắt chiu
                                Lặn lội thân vạc đồng Đầm, đồng Dệ
                                Mò ốc cuối trời, mò cua đáy bể
                                Có ghềnh sông nào Cha không đến Cha ơi
                            
                                Rét thấu xương, Cha lặn ngòi, ngoi nước
                                Nắng cháy da, leo đồng cạn, lội đồng sâu
                                Vai vác cày, tay Cha dắt con trâu
                                Ngọn roi chiều ấy, rèn nết người con đó

                                Một bàn tay đầy, trưa hè Cha làm gió
                                Hai bàn tay vơi, Cha vực đỡ đời con
                                Khoai mốc Cha ăn, nhường con lưng cơm
                                Manh áo lành, Cha dành con đi học
                            
                                Cha nằm đây giữa lạnh lùng gió bấc
                                Nén hương đây con sưởi ấm lòng Cha
                                Rồi mai kia con lại đi xa
                                Cha lại dắt tay con như ngày xưa, Cha nhé

                                                                        Làng Gọc
                                                     Thanh minh đầu cha đi xa (1998)
                                                              Ngày Cha sinh con 17/3
                                                                      Tròn tuổi 40

                                                             NGUYỄN ĐÌNH THÁI

* Rút trong tập thơ LỬA THAN – NXB Hội Nhà văn 2012


 





                                      

Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

MỘT NGÀY MƯA

Lữ Mai

     Lữ Thị Mai là cái tên quen thuộc trong làng thơ trẻ hiện nay. LÃO NÔNG PHU rất vui khi được giới thiệu những tác phẩm của chị trên blog. Mong rằng góc nhỏ của Lữ Thị Mai trên blog LÃO NÔNG PHU sẽ luôn cập nhật những tác phẩm mới để bạn đọc được thưởng thức những thi phẩm đậm chất nữ tính, được thể hiện bằng thứ ngôn ngữ giàu tính biểu cảm, đượm buồn; nhịp điệu thơ chậm, thấm dần vào lòng người đọc và đọng lại rất lâu. 

Bài đăng đã được sự đồng ý của nhà thơ Lữ Thị Mai qua FB. Xin cảm ơn chị!


có gì đâu mà buồn
qua đêm sông Hồng quặn thắt
đối thoại chiêm bao bằng môi khóa
kín mít phức âm 
.
ta đốt từng búp lửa tìm hoa
hàng rào cũ ngòi pháo câm phát nổ
người năm ấy giong thuyền buồm lặng ngắt
nay quay về thẫm đỏ ngày mưa
.
anh mải mốt không dưng tìm đến
cánh chuồn kim xao nhãng buổi hẹn hò
tháng Sáu bủa vây mắt ướt
thiêm thiếp em thánh thót 
.
hiên nhà lóe búp hoa vằng vặc
gọi trái bưởi non bầm bởi ngón chơi chuyền 
cớ gì đâu em buồn
hỡi nụ cười di - gan nửa miệng

                                             Lữ Thị Mai




KHÔNG BÁO TRƯỚC

Hôm qua có một bạn ở xa, lần đầu gọi điện thoại kêu: "Sao giọng cô trẻ thế ạ?" Mình đưa lại bài thơ này để các bạn thấy là PTTN đã tự chán mình đến mức nào nhé: "Tôi mà không mông má- Trông khác gì giẻ lau..."





Từ ngày chàng lấy vợ
Rồi định cư nước ngoài
Họ không hề gặp gỡ
Không một dòng email

Bất ngờ chàng gõ cửa
Nàng cũng hơi càu nhàu:
"Tôi mà không mông má
Trông khác gì giẻ lau!"

- Ừ, tôi không báo trước
Để thấy bà như xưa
Áo con thì không mặc
Tóc chỉ còn lưa thưa...

Họ trêu đùa chọc phá
Chê xấu nhau đủ điều
Tiếng cười như nắc nẻ
Không một lời thương yêu

Chàng lặng thầm nhận biết
Chiếc áo nàng đang mang
Là áo len xưa cũ
Chàng cởi trao cho nàng

Một ngày đông buốt giá
Cái thời còn đói ăn
Cái thời còn thiếu mặc
Cái thời đầy khó khăn...

Trong căn phòng sang trọng
Bàn nở đầy hoa tươi
Chàng không hề báo trước
Bỗng gặp thời đôi mươi.


                            Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn

              



Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2013

NỠM, TÙY HỨNG

      Khoảng gần 16 giờ 09/6/2013, nhà văn Nguyễn Hiếu post lên facebook bài thơ NỠM, TÙY HỨNG. Chỉ những bậc thầy về ngữ nghĩa mới có thể thăng hoa trong sự kỳ diệu của ngữ nghĩa. Tôi không tự tin lắm nên không dám hứa với anh sẽ viết bài bình về bức THI HỌA này. Xin nhường cho các bậc đàn anh thẩm định. Có lẽ tôi phải gửi qua email cho nhà thơ, nhà văn Dương Phượng Toại ở Chi hội VHNT thị xã Quảng yên. Anh là nhà thơ của đồng quê. Anh sẽ có cái nhìn thấu đáo hơn qua trang blog cá nhân của anh: MIỀN SÔNG TRĂNG hoặc GIÓ ĐỒNG QUÊ.


Chao ơi, oản tháng giêng 
Sao chùa làng không dâng 
Vẹo tròn đầy thềm trước giại 
Khoanh chân, rung ria. Mèo mướp
Thân cau buồn thẳng lay lay 

Chén nghiêng chập chờn say 
Tay phảy quạt bắt chuồn kim 
Dải yếm đào chùng 
Bồng đảo gió lồng say 
Nắng nhẹ trùm cây

Đẫy tay cặp bánh dầy 
Nếp mùa trắng tinh con nhộng 
Váy lụa phồng buồm võng 
Anh hai ngắc giọng lới lơ

Kén đang ươm tơ
Hàng đang đắt mối đành chờ 
Thoi giục chân đạp gấp
Ngẩn ngơ ư? 
Khối kẻ thẫn thờ 


  Nhà văn NGUYỄN HIẾU