Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2013

ĐỢI CHIỀU*


Cái bàn bỗng rộng thêm ra
Ta ngồi chống chếnh như là ngồi nghiêng

Chiều như bỗng mãi dài thêm,
chỉ vì một nỗi vắng em đó mà

Nỗi buồn như vỡ vụn ra,
nửa chìm đáy cốc, nửa ra hiên ngoài

Chiều buông nắng xế đổ dài
Tán bàng, lại ngỡ bóng ai ghé vào

Ngẩn ngơ tựa giấc chiêm bao
Chiều buồn chưa uống giọt nào đã say

                                                       13 h 5/7/2004

                                              NGUYỄN ĐÌNH THÁI


*Rút từ tập thơ GƯƠNG THAN LẤP LÁNH – NXB Văn học 2011








Thứ Năm, 23 tháng 5, 2013

QUA ĐÒ NHUỆ GIANG*




Chưa đến sông Nhuệ bao giờ
Đã nghe con sóng vỗ bờ quanh tôi
Sông ấy có lở, có bồi?
Đò ngang còn có ai ngồi gốc đa?
Nương dâu biếc bãi phù sa
Nón ai thấp thoáng chiều tà triền sông?
Tiễn người, thầm tiễn trong lòng
Dùng dằng, vấp bước..., chỉ mong... lỡ đò...

                                                                03h15 13/02/2012

                                                             NGUYỄN ĐÌNH THÁI

*Rút trong tập thơ LỬA THAN – NXB Hội Nhà văn 2012

GIẤC MƠ ĐÒ CHIỀU*



Con đò thuở ấy còn đâu
Nhớ lắm. Thương lắm. Bật câu: ... “Ơi đò...!”
Bến sông lở ấy bây giờ
xanh rì lau cói. Lũ cò bặt tăm
Mãi trăm năm. Mãi ngàn năm
Thương quá. Nhớ quá. Thốt thầm: ... “Đò ơi...”
Bên mãi lở. Bên vẫn bồi
Lều kia. Diều ấy. Trong tôi mãi còn
Sông đừng cạn. Đá chớ mòn
Đò nghiêng. Sóng vỗ. Chập chờn giấc trưa
Chao ôi! Gặp lại ngày thơ
Bồng bềnh một bận. Đò xưa... Ơi đò...!

                                                  13h40 12/02/2012

                                                  NGUYỄN ĐÌNH THÁI

* Rút trong tập thơ LỬA THAN – NXB Hội Nhà văn 2012

EM BÉ BÁN SIM Ở NGÃ BA ĐỒNG LỘC*


Tôi mua hai lon sim,
giá bốn nghìn
Tôi đưa em
cả tờ giấy bạc mười nghìn đồng chẵn
“ Dạ thưa, xin chú, con cảm ơn
Thế này thì mua được bốn đọi cơm
cho các em. Sáng tới giờ, hàng con ế lắm!”

Tôi nấc nhẹ. Trái sim rừng nghẹn đắng:
“Thôi, chừng năm lon nữa, chú mua cho
coi như đây là có chút quà,
tặng các cháu để thêm phần giấy bút”

Tôi cười mà mắt cay, nhòe ướt
Em lanh chanh, hớn hở, ríu rít khoe,
nhìn đứa em cặp mắt đang tròn xoe:
“Tiền của chú tặng chị em mình đó”

Xót xa chưa, niềm vui nho nhỏ
Tướp tứa lòng, tôi lặng lẽ quay đi:
“Các con tôi dù có thiếu điều chi,
nhưng lâu lắm, cơm thì đâu thiếu”

Có một điều giản đơn, tôi hiểu
Miền Trung như người mẹ còn nghèo
Lũ trẻ thơ còn cơ cực sớm chiều
Đong hồn nhiên trong từng lon sim tím

Tôi ngại ngần mỗi khi vào quán
Chợt nhận ra mình xa xỉ ly bia
Chợt nhẫn tâm khi kí ức ùa về,
hình ảnh bé bán sim chiều Ngã Ba Đồng Lộc.

Ngã Ba Đồng Lộc
Thị xã Cửa Lò 29/7/2007
Đêm 04/10/2010

NGUYỄN ĐÌNH THÁI

*Rút trong tập thơ TRUYỀN ĐĂNG – NXB Lao động 2012





Thứ Tư, 22 tháng 5, 2013

NÓI VỚI ĐỒNG ĐỘI Ở NGHĨA TRANG LIỆT SĨ TRƯỜNG SƠN*

            
                       Tôi đến Gio Linh trưa tháng bảy
                       Chỗ các anh nằm ngan ngát hương thơm
                       Muỗi vẫn đan dài tay áo ĐôngTrường Sơn,
                       nước khe cạn, lèn đá dày bướm trắng

                       Tề chỉnh đội hình, oai linh trong nắng
                       Đài ghi công kiêu hãnh giữa Trường Sơn
                       Cả Binh đoàn đạp nghiêng đất Tà Cơn
                       Xe thiết giáp san bằng đồn Dốc Miếu

                       Vẫn tăm tắp cả đội hình hành tiến
                       Đủ cả đây lính thiết giáp, xe tăng
                       Đủ cả đây lính hoá học, thông tin
                       Đủ  bốn Quân đoàn hợp thành cú đấm thép

                       Ơ, các anh bây giờ sao lặng ngắt?
                       Tôi đã đến đây! Lính Sư Bảy, E Ba
                       Hàng mộ thứ năm là cậu bạn Vũ Trường Sa,
                       lấy thân mình che tôi trong trận pháo

                        C trưởng ơi, lúc sắp đi, anh nhường áo
                       “Cậu mặc vào, đi tiếp hộ tớ nghe!
                       Chiếc mũ này đưa tặng lại thằng Lê.
                       Thôi, tớ đi. Chào. Vĩnh biệt”

                        Đồng đội ơi
                                         tôi đến đây
                                                         các anh có biết!
                        Ta  thắng rồi, thắng lớn lắm, các anh.
                        Đại quân ta làm Đại thắng bảy lăm,
                        quét sạch lũ xâm lăng và bán nước
                                                                                     
                       Màu xanh mới lại phủ dày lên Tổ Quốc
                       Lúa vàng tươi  châu thổ Cửu Long
                      Tấp nập, đông vui phiên chợ nổi ngã ba sông
                      Nha Trang, thuyền dập dìu mùa câu cá mực 
                 
                     Nghe nhói lắm, thẳm sâu trong lồng ngực
                    Thắp tâm hương xin lạy tạ các anh 
                    Quân đoàn mình lại tiếp tục hành quân,
                    vẫn hiển hiện các anh trong đội ngũ

                   Thôi, các anh hãy yên lành giấc ngủ,
                   mây trắng Trường Sơn làm chăn phủ các anh
                   Ấm áp trong nôi Mẹ Quảng Trị, Gio Linh,
                   nâng giấc thu những Người Con Trung Hiếu
                
                                                       Gio Linh- Thành cổ Quảng Trị
                                                                       60 năm ngày TBLS
                                                    Đồng Hới đêm 29/7/2007
                                                                 Hạ Long 27/7/2010
                                                                  Sửa lại : 28/9/2010
                                                            Chỉnh thêm : 30/9/2010

                                                             NGUYỄN ĐÌNH THÁI

* Rút trong tập thơ GƯƠNG THAN LẤP LÁNH, NXB Văn học 2011
                 

                             
                        
                     

                                                            
                      
                      
                






VỚI EM*




Giá em dịu dàng hơn
thì anh đâu có trách
Giá em đừng thóc mách
những việc của người ta

                                      Mỗi cây một loài hoa
                                      Mỗi người riêng một cảnh
                                      Nếu mình không thông cảm
                                      chớ nên xen lời vào

Láng giềng phải có nhau
Vui buồn nên chia sẻ
Nhưng em đừng mách lẻo
chuyện riêng tư nhà người

                                     Chuyện dở hay ở đời
                                      chắc gì ta sáng suốt
                                      Em chớ cười người trước
                                      sau thì ai khóc đây?

Ai chẳng muốn điều hay
Ai không mong điều tốt
Đời lúc cười, khi khóc
Sông khúc lở, khúc bồi

                                   Thóc mách chuyện của người
                                   ta trở nên nhỏ hẹp
                                   Hãy nói câu tốt đẹp
                                   Hãy nói lời yêu thương

                                                                       28/2/2003
                                                         Sửa lại: 26/9/2010

                                                       NGUYỄN ĐÌNH THÁI

Rút trong tập thơ KHƠI NGUỒN SUỐI THAN
NXB Văn học 2010
                                                          




Thứ Ba, 21 tháng 5, 2013

CÁI DUYÊN LOÀI GIÁN



         LÃO NÔNG PHU Xin giới thiệu một bài viết của Tiến sĩ Văn học Nguyễn Văn  Đường về truyện ngắn ÔNG GIÀ VÀ CON GIÁN của nhà văn Nguyễn Hiếu.
         Nguyên gốc bài viết do nhà văn Nguyễn Hiếu gửi qua email cho tôi.






                                                                                                     Nhà văn Nguyễn Hiếu

                                 CÁI DUYÊN LOÀI GIÁN

 (BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU BÚT PHÁP NGUYỄN HIẾU QUA TRUYỆN NGẮN LOÀI GIÁN)

                                                                      Tiến sĩ Văn học Nguyễn Văn Đường
                                                                               (Bút danh Đường Văn)

          Ấn tượng bật nổi, với tôi sau khi đọc hàng trăm truyện ngắn trong Tuyển Truyện ngắn Nguyễn Hiếu là sự phong phú về đề tài, đa dạng về nghệ thuật thể hiện. Đã có một số truyện toát lên những nét duyên riêng khá mới mẻ, độc đáo. Chính nhờ nét duyên đậm đà ấy mà người đọc đọc rồi lại muốn đọc lại vài ba lần, cơ hồ vẫn chưa giảm bớt thi vị, thú vị, mặc dù chính danh trong làng truyện ngắn chuyên nghiệp Việt Nam đương đại, Nguyễn Hiếu chưa lọt vào top đầu.
          Loài gián in trong đó là một trong những đoản thiên tiểu thuyết như thế.   
·        Giọng điệu-Nét duyên đầu tiên
          Giọng kể trong Loài Gián là giọng của nhà văn già mấp mé lục thập nhi nhĩ thuận.  Trầm tĩnh, nhẩn nha vừa kể vừa tả vừa hồi ức, cảm xúc, liên tưởng, tưởng tượng, chiêm nghiệm, nghĩ suy, bình luận… Trôi chảy tự nhiên, dễ dàng cứ như là tiện đâu ghi đấy, nhặt gom những chuyện vụn vặt, vớ vẩn trong cái gia đình riêng bé nhỏ của mình: một bà vợ già hay cáu bẳn hết lòng vì cháu nội, cặp vợ chồng con trai – con dâu, đàn gián –kẻ đối thoại, đối trọng với nhà văn đầu hói đang vừa chán nản chấp nhận vừa cố chống chọi với cái già rệu nhão, thể chất và tinh thần bởi những gắng gỏi, nỗ lực tinh thần để sống và viết - như cái nghiệp dĩ kiêu hãnh nhọc nhằn sẽ đa mang đến chết…tất thảy hình như chẳng có công phu, dụng ý gì to tát?!
          Nổi lên là giọng tự đùa cợt, giễu nhại mình và thế hệ, trang lứa mình về sự vụng về, vô tích sự, với tư cách là chồng, là cha, là ông trong mọi công việc thực tế thường nhật của gia đình, trong cái nhìn bao dung mà khó chịu của bà vợ già hay cáu bẳn vô cớ,  trong cái nhìn lễ phép, đã có phần chơm chớm coi thường hơi lộ ở thằng con trai, và sự đồng tình, cố giấu nơi đứa con dâu yêu chồng, nên kính nể bố chồng. Tất cả được bắt đầu và xoay quanh từ 1 sự việc chẳng đáng bận tâm: ông bố sai con mua thuốc diệt gián. Bực bội, thương con, vợ, cháu..nên lão đành thúc thủ, nhẫn nại chịu đựng, … rồi lên giường nằm, tình cờ có dịp trò chuyện tay đôi với con gián đại biểu. Quá trình đối thoại từ chỗ con người trịch thượng, kẻ cả; có văn hóa, coi thường giống côn trùng hạ đẳng hôi xì; nhưng đến cuối cuộc trò chuyện thì con người đã hầu như khẩu, tâm cũng phục trước kiến thức uyên bác, lập luận chắc nịch, chứng lý rõ ràng của… Gián!
          Tưởng câu chuyện có thể dừng ở đây cũng đã hay rồi! Nhưng không! Ngoắt một cú rất ngoạn mục diệu nghệ, chỉ bằng 1 lượt lời:
          Gián:… - Không tin, ông cứ thử thành loài gián chúng tôi xem sao?- Người:.. - Thành loài gián chúng mày ấy ư? Làm sao có thể, làm sao?… Mình lẩm bẩm mãi… Tiếng mình nhỏ dần, nhỏ dần
          Thế là, như trong truyện đồng thoại - cổ tích thần kỳ, nhà văn hói đầu đã vụt biến thành con gián thực thụ (Nhưng thú và lạ ở chỗ: khi đã thành gián ông vẫn nghĩ, nói, vừa vẫn là người vừa là gián). Sự biến thành Gián bất ngờ này tạo điều kiện khám phá, kiểm chứng thêm nhiều thực tiễn sinh động đời sống gián trong mối quan hệ với chuột, mèo,con người …trước khi 1 tai nạn kinh hoàng ập tới tạo cơ hội gián trở lại làm người, đặng rút ra bài học nhân sinh thế sự… và… hết truyện!
          Giọng điệu đôn hậu, phục thiện, xét cho cùng vẫn phát khởi từ cái tâm tính hiền lành pha hóm nghịch lẫn nghiêm túc khiến Nguyễn Hiếu cố ý không đẩy cái kết truyện giả tưởng theo hướng bi kịch: Tuy nhiên, ở đây, luồng hơi thuốc độc phóng từ bàn tay nhỏ yếu của đứa cháu, mới chỉ khiến ông già – gián cụ ngã chổng kềnh, tạm bất tỉnh nhân sự hồi lâu trong bếp, biến thành trò cười cho bà vợ già… mà thôi!
          Chuyện người hóa gián, gián lại hóa người, gián – người bỗng trở nên bình đẳng trong đối thoại và ngẫm nghĩ, nhận xét thiên nhiên, môi trường, cuộc sống, con người…Vai chủngười thoắt đổi thay để có điều kiện hợp lý tìm hiểu, khám phá, chiêm nghiệm, nhận xét, luận bàn, cọ sát với phản biện - vai khách (gián). Từ đó hình thành đường dây cốt truyện đơn giản mà lắt léo, lúc chùng, lúc căng; từ đó toát lên chủ đề tư tưởng và cảm hứng chủ đạo cùng những cạnh khía chính, phụ, lớn, nhỏ hữu quan, làm tăng sự đa nghĩa và chiều sâu tư tưởng – nghệ thuật của truyện. So với truyện giả tưởng của Nguyễn Hiếu viết cùng năm: Ruồi có thể ăn được, nhân vật chính Kiên cũng bị /được biến thành ruồi. Môtip người biến thành côn trùng được lặp lại. Nhưng nếu trong Ruồi…chỉ là 1 chi tiết đến cuối truyện mới xuất hiện, thì ở Loài gián, nó trở thành tình huống trung tâm đầu mối, khởi nguồn diễn biến chuỗi tình tiết truyện và phơi mở tâm lý nhân vật phức tạp hơn, ly kỳ hơn. Nhờ vậy,  ý nghĩa tượng trưng của hình tượng, cũng trở nên giàu có, chân thật hơn.         
          * Nét duyên thứ hai bạn đọc cảm nhận rất rõ ở Loài giáncảm hứng về tâm lý tuổi già và tình yêu gia đình của nhà văn.       
          Đọc Loài gián, thấy Nguyễn Hiếu đã nói dùm thế hệ U40… không chỉ cái tâm lý, tâm trạng của lớp người chớm bước vào độ tuổi già mà còn bộc lộ trách nhiệm và tình yêu thương gia đình mặn mòi, thô vụng, lặn vào trong sâu nặng…. Thấy ông yêu thương bà vợ già tấm mẳn hay cáu biết bao nhiêu, yêu thương, trọng nể lớp hậu sinh khả uý - con cháu ruột thịt mình biết bao nhiêu! Ngay đoạn mở truyện đã gợi được sự đồng cảm cao của mấy anh, chị cao tuổi. Nhưng đọc đến đoạn:
          Nghe vợ già trách, nghe cháu khóc laị thấy xót, ân hận, len lén lên giường nằm. Định vớ cuốn sách đọc, nghĩ thế nào lại thôi. Tay vắt ngang trán, mắt nhắm lại. Nằm một lúc thình lình lại buồn…
          Tự dưng lòng tôi gờn gợn, nao nao Những câu văn chậm, kỹ, đẫm tình, sâu đằm mà mộc như thế này tuy không nhiều nhưng không phải quá hiếm hoi trong truyện ngắn và tiểu thuyết của ông. Hoặc đoạn cuối:
                    …Tiếng thằng cháu nội hét váng lên:
-         Bà ơi! Ông nội ngã trong bếp.
    Tiếng bà vợ già lầu bầu vẻ khó chịu:
-         Ông cháu còn có gì mà không bầy ra?!. Vừa già, vừa là nhà văn thì còn khối trò nghịch. Lạ thật! Từng ấy tuổi rồi mà  cứ như trẻ con. Bạ đâu cũng nằm được. Buồn cười thế cơ chứ!
Còn mình thì ân hận. Chỉ thiếu một chút nữa thôi là chính mình lại tự giết mình!...
          Đó là một trong những náo cảnh nho nhỏ vẫn thường xảy ra hằng ngày, hằng buổi ở nhà tôi, nhà anh? Tiếng la hoảng của thằng cháu xót xa ông nội yêu quý nhất đời, hẳn làm gã gián – ông ứa nước mắt!? Và trong những tiếng lầu bầu của bà vợ già khó tính kia, phải chăng vẫn bộc lộ tình thương yêu đắng đót, trái nết của ngưòi đàn bà đã cùng ông đằng đẵng hơn 40 năm trường
          Đọc Loài gián, tôi bỗng nhớ đến 2 tập truyện ngắn, truyện vừa cùng đề tài của Bùi Hiển (Ý nghĩ ban mai), Vũ Tú Nam (Sống với thời gian hai chiều) ra đời vào những năm 80 thế kỷ trước. Quả là người viết cũng phải tới độ tuổi nào đó mới có thể viết thật, đúng, sâu sắc và hay… cách nhìn, cách cảm, tâm lý, tâm trạng của lớp người ở lứa tuổi ấy. Cùng bàng bạc bâng khuâng, trầm trầm, hiu hiu buồn buồn, lặng lặng, thấp thoáng cô đơn, thi thoảng lóe lên chút nghịch, hóm… nhưng ở hai tác giả lão thành trên không có được cái linh hoạt, ranh mãnh, biến hóa phóng túng, thực – ảo khôn lường, từ cốt truyện đến cách kể, cách tả như truyện ngắn Nguyễn Hiếu.
          Tôi lại nghĩ tới Nguyễn Khải với những Thượng đế thì cười, Trôi theo tự nhiên, Nghĩ muộn,… những tiểu thuyết, hồi tưởng, tùy bút chính trị được viết khi nhà văn của hôm nay đã ngoài thất thập, những tác phẩm văn xuôi từng gây xôn xao dư luận trong, ngoài giới phê bình và bạn đọc mấy năm vừa qua. So với nhà văn lừng danh thuộc thế hệ cha chú, Nguyễn Hiếu chưa đạt tới cái vân vi sâu sắc, thật mà ảo, nghiêm ngắn mà đùa cợt, vẻ ngoài hối lỗi chân thành mà trong thẳm sâu lại vẫn ngầm tự hào, tự kiêu…của tác giả Xung đột, Cha và con và…,Vòng sóng đến vô cùng,… Nhưng bù lại, nét duyên riêng ánh lên vẻ đẹp đằm thắm, khiêm nhường, tự biết mình của văn Nguyễn Hiếu khi viết về tâm sự tuổi già chính là ở sự chân thật đến vụng ngượng; trong sự nhẫn nhịn, sẵn sàng chịu thua thiệt, nhường lời, nhường phần thắng cho vợ con, bạn bè, … nhưng thi thoảng, thấp thoáng vẫn lóe lên vài nét cười mủm mỉm ranh mãnh, dăm tia nhìn giễu cợt nhẹ nhàng, lịch lãm… của nhân vật hay nhân vật – người kể chuyện thông minh – ngù ngờ, biết tuốt – như chẳng biết gì! (đa trí tựa ngu!). Chỗ này, thiển nghĩ, Nguyễn Hiếu hình như lại chẳng nể, không nhường Nguyễn Khải lấy nửa ly ông cụ!?
       Phải chăng đó là một trong những điểm gần mà xa của 2 lực sỹ văn xuôi đương đại Việt Nam?
          Đó chính là nét duyên hấp dẫn thứ hai của Loài gián.
* Nét duyên thứ 3 của Loài gián ánh lên từ cuộc đối thoại người - giánđoạn thời gian hóa gián,  rồi trở lại người của nhà văn hói dầu.     
          Đọc đoạn trò chuyện – tranh biện thông minh, sắc sảo mà kẻ đuối lý, chịu trận, chịu thua, nếu không nói cơ bản là bị khuất phục, ai ngờ lại chính là… con người! Kết quả đó khiến tôi nghĩ tới truyện ngắn nổi tiếng Người độc giả của M. Gorki (TT TN M.G- NXBVH, H, 1971, tập 2). Tôi nghĩ: hình thức bề mặt là đối thoại người – gián; nội dung bề nổi dễ nhận ra là vấn đề thái độ của con người với môi trường, với những loài côn trùng, chim, thú độc hại, bẩn thỉu? Nhưng ngay ở chủ đề thời sự mang tính nhân văn - khoa học quan trọng này, cách giải quyết của tác giả lại cũng nửa vời, chưa rõ ràng. Vậy, cuối cùng, câu hỏi tất yếu đặt ra là, có nên tiêu diệt, tận diệt gián cũng chim sẻ, chuột, sâu, bọ,… để bảo vệ mùa màng, giữ gìn môi trường thiên nhiên,…trong sạch, yên lành hay không? Nếu làm được, có khi lại phải lãnh chịu những hậu quả tai hại, nguy hiểm khác ... Câu trả lời cuối cùng và triệt để, trong truyện cũng như trong thực tế, thậm chí trong giới khoa học tiếc thay, vẫn ở phía trước! Tính mở và tính khoa học, thời sự của truyện ngắn này, có lẽ là ở đó.
          Còn ở tầng nghĩa thứ hai, sâu hơn, là: thái độ con người tôn trọng thiên nhiên, bình đẳng và trân trọng các loài côn trùng, động, thực vật, sản phẩm của tự nhiên…phải tuân thủ những quy luật khách quan của chúng, phải có cái nhìn sâu, nhìn xa, tổng thể và khách quan; từ đó xác định cách thức  ứng xử với thiên nhiên, muôn loài…Những quyết sách vội vã, cực đoan của con người nhân danh vì cuộc sống con người mà phát động phong trào tiêu diệt chim sẻ (Trung Quốc) trước đây hay phát triển nuôi ốc bươu vàng, rùa tai đỏ… ở nước ta những năm gần đây… đều đã và đang phải trả giá cực đắt! Còn trong truyện ngắn hay này, đáng lẽ nó nên ẩn kín, chìm khuất giữa và dưới các hình tượng, chi tiết, để người đọc tự rút ra bài học, thì, tiếc thay, nó lại được trực tiếp nói ra, bung ra, lồ lộ, vụng về ngay trong đoạn kết. Và đến đây, tác giả, không hiểu sao lại chọn cái kết.” Tất cả đã được ghi vào sổ Trời!!!???
          Nhưng có lẽ đó chỉ là một ý nghĩ, một câu văn đùa đùa cho kết truyện thêm đậm đà dư vị. Nhà văn ưa hài hước hơi già tay vẽ nét vui duyên dáng cuối cùng trước khi đóng truyện, chứ không phải đó là tư tưởng nghiêm chỉnh của ông.
          Tầng nghĩa sâu thứ ba, sâu hơn nữa, tôi cho là: tính chất phân thân – phân đôi nhân vật từ trong bản chất và ý nghĩa cuộc đối thoại và cuộc hóa thân người - gián, gián – người. Tính chất luận đề của truyện cũng nổi lên ở đây. Xét cho cùng, những ý kiến, quan điểm của con Gián đã phản biện thẳng thắn, có lý, có tình đã hoàn toàn thuyết phục nhà văn đầu hói, mới chính là tư tưởng, ý kiến, quan điểm của người kể chuyện – tác giả phản bác lại những ý kiến, quan điểm của không ít người trong xã hội ta hiên nay – được đặt vào miệng gã nhà văn. Có cái gì rất gần gũi về giọng điệu, thái độ giữa nhân vật tôi – nhà văn M.Gnhân vật người bạn đọc trong Người độc giả – con người kỳ quái, khó hiểu thường tỏ ra nhạy bén, sắc sảo hơn hẳn ông kỹ sư tâm hồn Nga nhiều. Không biết Nguyễn Hiếu có ít nhiều chịu ảnh hưởng của M.G khi viết Loài gián không? Nhưng rõ ràng, cách xây dựng tình huống truyện và xây dựng cặp nhân vật tư tưởng – đối thoại - tranh luận này đã góp phần thể hiện rất hiệu quả mà uyển chuyển, mềm hóa những vấn đề tư tưởng xã hội quan trọng, tâm lý con người phức tạp – Ý tưởng nghệ thuật của tác giả.
          Chẳng lẽ, thành công thú vị rất đáng ghi nhận và biểu dương ấy lại không tạo thêm một nét duyên lặn vào trong nữa của truyện ngắn Loài gián?

Trèm, đêm 29 – 31 - 3 – 2012.
***
Email:d0988502105@gmail.com
                                                            Đt: 01666800831

ÔNG GIÀ VÀ CON GIÁN

Xin giới thiệu một truyện ngắn nữa của nhà văn Nguyễn Hiếu. Anh vừa gửi tặng tôi qua email

Hình ảnh: Có ba cậu ấm và một cô chiêu chẳng cần đi đâu nữa

                                                Ảnh: Các cháu nội của nhà văn Nguyễn Hiếu
                                                (Ảnh này nhà văn gửi cho tôi trên Facebook)

ÔNG GIÀ VÀ CON GIÁN
Truyện ngắn

1. Hồi còn trẻ đặt mình xuống là ngủ. Nếu không bị việc gì o ép, câu thúc thì ngủ thật đẫy giấc mới mở mắt. Mở mắt rồi còn oằn oài chán mới dậy. Về già các bộ phận trong người như cái máy đã rão. Ăn chẳng mấy khi ngon, còn ngủ thì thật tội. Đểnh đoảng cơm tối xong vớ tờ báo, ngồi trước vô tuyến. Cái gì cũng có vẻ chăm chú lắm, nhưng chẳng hay báo viết gì, ti vi chiếu gì. Buồn ngủ nhíp mắt nhưng để chiều sự buồn ngủ đó đi nằm thì chỉ đựơc dăm phút đầu chìm vào giấc,sau đó choàng dậy, trằn trọc, nghĩ đủ thứ trên đời. Giấc ngủ xa mấy con sào. Cả đêm vật mình, vật mẩy như vậy nhưng mọi sự đã thành nếp. Dậy thật đúng giờ và bao giờ cũng vào giờ đường phố mới lép nhép vài ngưòi đi lại. Từ hồi về già, dậy sớm mới hay trên đời này sao lắm dán thế. Nhất là trong bếp. Bật đèn lên,thấy mấy con gián to tướng chạy lạt xạt. Ngay đầu mũi dép,một con xem chừng có vẻ gián già cỡ thế hệ cụ, vểnh đôi râu nhọn hoắt lên. Mắt kém rồi nên không nhìn thấy mắt nó, nhưng cứ thấy động tác của đôi râu chắc nó xem thường mình lắm. Bực mình giơ chân cao đạp mạnh xuống. Chân chùn, bắp thấy hơi đau, vậy mà con gián đã lướt nhanh đến tường bếp, nó dừng lại một lát,đưa đẩy đôi râu vẻ khinh thị, đoạn mới chui tọt vào khe tủ bếp. Có lẽ từ hôm nhìn thấy con gián cụ ấy, hay là sự ghét gián nằm sẵn trong người nên sự kiêu căng của con gián ấy càng làm mình ghét gián hơn. Có sáng thấy một con béo núc ních đang mải đảo râu, bất chợt ra chân nhanh như hồi còn trẻ, dẫm mạnh một cái. Tiếng kêu bép vang lên nho nhỏ Con gián nát nhừ dưới dép, vài đôi chân gẫy vụn còn động đậy. Sáng sáng thấy gián phong tỏa, tràn lan trong bếp nên sự ghét loài côn trùng hôi hám này càng tăng. Bảo thằng con trai đi mua thuốc xịt gián về. Thoạt đầu nó chủng chẳng :
       - Ôi dào ơi, thuốc ấy độc lắm. Gián chết đâu chả thấy thì các cháu ông rồi cả nhà có khi lại gầy còm vì thứ thuốc đó.
      Con dâu phụ hoạ thằng chồng :
-  Bây giờ người ta làm giả nhiều lắm. Thuốc diệt gián giả thiếu gì bố. Có khi ngưòi ta chỉ làm cái mùi cho giống thuốc thật thôi. Thế thì tội gì hả bố. Rồi cả nhà lại khốn khổ bởi …
Mình dứt khoát
-         Cứ mua về cho bố. Nhìn lũ gián tao không chịu đựoc
     Con giai lim dim mắt :
-         Thì bố không để ý đến nó nữa thì hơi đâu mà khó chịu
Mình trừng mắt :
-   Cái thằng này. Nuôi từ bé đến lớn mà bây giờ bảo mua có độc một hộp thuốc gián mà lại không nghe hả!
     Nghe mình nhắc đến công sinh thành, dưỡng dục lớn lao trước một việc nhỏ nhoi con dâu dàn hoà:
- Bố thích, anh cứ mua về cho bố
Thuốc con trai mua chắc là thuốc thật. Nhà sặc mùi thuốc diệt gián. Từ hôm có thuốc, lũ gián xem ra chết nhiều, hay tản mát đi đâu không biết. Sáng ra mặt sàn nhà nhẵn húi. Những con gián vênh váo với đôi ria ngoe nguẩy không thấy chạy đi chạy lại. Có dễ được hơn nửa tháng cho đến một sáng nọ, khi thức dậy pha ấm trà chống tăng áp huyết vừa nâng chén lên  nhâm nhi thì lại thấy từ đầu tủ một con gián thập thò ra. Mắt già kém vả lại mắt dán quá nhỏ nên không thấy nhưng chắc đôi mắt con gián này đang đảo đồng đảo địa. Rõ là đôi mắt con vật lơ láo, vì con gián này rõ là con gián bé. Thấy trong mình thoáng xuất hiện buồn như nỗi buồn như hồi sung sức. Đã định rồi mà không làm đựơc việc lớn đã định. Nhà mình thế là không diệt đựơc hết gián,vậy là một thế hệ gián nữa lại ra đời. Nghĩ mà phát bực lên. Vị trà áp huyết dìu dịu ngọt bỗng nhạt thếch. Ngồi thụp xuống bất động, tay rút dép giơ cao lên rình, đợi cho con gián tưởng mình là vât vô tri bò ra. Hạ nhanh tay dép. Tiếng bép vang lên thật to nhưng con gián trẻ đã thoăn thoắt chạy vào gầm tủ. Tiếng thằng cháu nội thứ hai khóc ré lên, bà vợ già lầu bầu :
-  Ông rõ thật dỗi hơi. Không còn việc gì nữa hay sao mà lại đi đập gián làm thằng bé giật mình đây này.
     Nghe vợ già trách, nghe cháu khóc lại thấy xót, ân hận len lén lên giường nằm. Định vớ cuốn sách đọc, nghĩ thế nào lại thôi. Tay vắt ngang trán mắt nhắm lại. Nằm một lúc thình lình lại buồn. Một con gián to vừa phải từ đâu bò ra, đôi râu đảo nhẹ. Thấy mọi sự yên tĩnh, cả thằng ngưòi già cũng không động đậy. Con gián bò lên ngực, rồi bò lên tay. Mình thấy cũng hay hay, mặc dù mùi gián đã chớm thoang thoảng. Cứ để xem xem thế nào. Con gián bò giật từng đoạn hết cánh tay rồi lên lướt nhanh lên cái đầu hói. Mùi hôi đậm hơn. Định giơ tay gạt mạnh mặc dù biết sau đó tay mình sặc mùi gián hăng xịt, rửa ít ra ba nước xà phòng tắm hiệu Lux may ra mới hết mùi, thì vừa lúc đó thấy vành tai rầm rậm bởi chân gián. Rồi tiếng hai ngọn râu sát vào nhau khe khẽ xịt xịt. Mình chợt rùng mình nhận ra không rõ vì sao mình hiểu đựơc lời con gián đang lào khào bên tai.   
-         2 Con dán này có lẽ là con gián đựoc lũ gián cử ra để đối thoại với mình. Nghe những lời nó nói mình lờ mờ nhận ra. Nếu là người thì con gián này không phải loại gián thường. Thứ người chiều chiều ngồi chết dí uống bia và lật tìm những con số để làm vài con đề. Hoặc bàn tán với tất cả sự hăng say về trận bóng tối hôm trước. Thứ ngưòi chẳng cần biết sự phát triển của nền công nghiệp toàn cầu đã làm hỏng không khí trong lành, phá vỡ tâng ô dôn như thế nào. Càng chẳng cần biết số nhà văn này tị hiềm nhà văn kia. Sách hắn ra, hắn biếu đọc rồi thấy lạ, thấy hay cũng cứ im lìm để thiên hạ quên lãng cho đáng đời . Ai bảo mày viết hay, mà lại không có bạn hẩu trong làng. Thứ ngưòi chẳng cần truy tìm nguyên nhân vì sao ông ấy chẳng lấy chi làm kiệt xuất mà lại được quyết định ở lại làm việc quá tuổi về hưu. Con gián này rõ là gián đại biểu cỡ như đại biểu hội đồng nhân dân. Biết ăn nói trước đám đông, biết lựa lời trước từng đối tượng. Nó còn quái đến độ nó biết nó chỉ đang chỉ đối thoại với một ngưòi tại nhà riêng nên giọng điệu con gián này cũng chẳng cần lễ nghĩa mà mang sặc mùi chua chát. Ngay câu mở đầu đã chứng tỏ nó là con gián trực tiếp hay gián tiếp biết thằng tôi là kẻ rất ghét gián và luôn rắp tâm để tiêu diệt loài gián. Hình như một chân trước của nó gõ nhẹ vào vành tai tôi, giọng tỏ ra bình quyền và xấc:
- Này con ngưòi, con ngưòi. Nghe rõ những lời này đấy chứ ?
       Nghe một con vật nói vậy, tôi tin không ai trong giống người chúng ta là không cáu giận. Riêng tôi cố nén không muốn to tiếng, càng không muốn đập bàn. Không phải vì sợ loài gián trả thù mà cái chính là lo thằng cháu nội út không ngủ đựoc, bà vợ già lại lầu bầu. Thế mới biết hồi trẻ dịu dàng, nhường nhịn nhau bao nhiêu thế mà về già cứ động một tí là có thể nạt nộ ngưòi đàn ông gắn bó với mình cả đời. Nào có phải ai xa lạ cho cam. Đấy chính là kẻ từng thổn thức, từng mong nhớ mình, nhưng khi mình thành lão già vô dụng thì bà ta quên hết để chỉ cần lo đến sự an giấc của thằng cháu nội nhỏ nhoi. Chẹp miệng thầm điều mà chưa bao giờ mình dám nói thẳng trước mặt bà vợ già. Không có cái thằng tôi giờ vô bổ, vô dụng này thì làm gì mà có hai đứa cháu nội để bà quí bà chiều. Thôi đành. Một điều nhịn chín điều lành cho xong. Bởi thế biết là cơn giận loài gián đang trào lên sùng sục tôi vẫn cố nén:
- Chuyện gì thì mày cứ nói toạc ra hở cái giồng hôi xì kia .
-  Này, giống ngưòi luôn luôn gồng mình để trở thành giống thông minh trên mặt đất mà khi ăn nói với loài khác kể cả loài bé nhỏ có mùi vị riêng của họ mà lại thô thiển thế sao. Muốn nghe những lời tốt đẹp sắp tới đây thì chỉnh lại lời đi.
      Quả tình mình hơi rùng mình, thấy ngượng khi nghe con gián nói một cách điềm tĩnh nhưng cũng không thiếu sự thách thức. Ngượng thành thử mình cũng vơi bớt sự giận dữ,sự xem thường loài dán hạ giọng:
- Thôi đựơc rồi , vậy gián có gì cứ nói.
        Lần này con gián trút một hơi như đọc thuộc lòng một bài viết tâm huyết cỡ như bài viết của gã nhà văn cả đời không thoả mãn với xung quanh đau đáu hàng vài chục năm trời mãi mới trút ra được. Vừa diễn thuyết, con dán vừa gõ chân trước đều đặn vào vào vành tai mình  :
-   Tôi biết ông là kẻ có học. Kị tôi, cụ tôi đến đời bố tôi và cả chính tôi cũng đã từng chui vào các tủ sách của nhà ông nên không lạ gì. Nhưng tôi tin sự học của ông chưa đủ. Trong khi mọi thế hệ gián nhà tôi đã bò khắp lượt các cuốn sách ông có trong tủ, nghĩa là ít nhiều các đời nhà gián tôi đã biết đựơc tất cả mọi điều các cuốn sách đã viết, trong khi đó chúng tôi thấy không ít cuốn sách ông chưa hề động vào. Gáy sách vẫn cứng, nhiều trang chưa dọc. Nếu ông chú ý đến những cuốn sách ông đó thì không đến nỗi hôm nọ nhà ông phải gọi đồng nát vào để dọn chỗ sách bị bọn mối xông thành đất phí phạm như thế. 
     Mình cựa quậy đầu định quát to vì tự ái, rút lại tôi nói khẽ khàng như thanh minh, chống chế  :
 - Cũng tùy cuốn đọc thôi, chứ loài ngưòi mỗi ngày cho ra ít nhất ba ngàn cuốn, mà cuốn nào cũng đọc thì cả đời chỉ có đọc sách còn làm được việc gì nữa …
     Chiếc chân trước hơi sắc gõ vào vành tai mình cái gõ mạnh hơn cái gõ gián đánh nhịp:
-  Tạm thời như thế để biết trình độ của tôi và ông ra sao. Nhưng dù sao tôi cũng thừa nhận ông là một kẻ có học. Bất kẻ kẻ có học nào khi bắt đầu chạm đến khu vực kiến thức cao đều biết rõ một câu chân lý vĩnh viễn đúng. Ông có đoán đựơc câu nào không ?
       Mình lặng đi phần vì kinh ngạc,phần vì chưa hiểu ý con gián định nói đến điều gì . Chả nhẽ đó là câu “có học mới nên ngưòi" hay câu “đoàn kết là sức mạnh”,  hay “đi một đàng học một sàng khôn”. Mải nghĩ mình đâm bần thần ra. Tự nhiên mùi gián bốc lên cay xè. Chắc con gián cười nên mới hôi đến vậy. Khiếp quá! Cười mà có mùi như thế thì đáng sợ thật. Mình cố nén để khỏi hắt hơi thì giọng con gián đã vẳng lên không giấu vẻ kênh kiệu:
- Câu ấy thật đơn giản. Đó là mọi loài vật sinh ra trên trái đất này đều bình đẳng. Chân lý tuyệt diệu đó chính loài ngưòi các ông sáng tạo ra. Cứ theo chân lý ấy thì con voi cũng như con kiến, con gián cũng như con người cũng đều có vị trí ngang nhau. Vì thế chẳng có loài nào có quyền quyết định sự sống còn của các loài khác. Điều này tôi tin ông không tìm ra lí lẽ nào khả dĩ có thể tranh luận được. Bởi lẽ đơn giản mà ngôn ngữ loài ngưòi đã xác định. Tất cả mọi thứ động đậy trên trái đất này đều có chữ con ở đầu. Sự bình đẳng ở đấy chứ đâu. Sự bình đẳng ấy trùm lên tất cả. Mỗi loài vật đều có thế mạnh riêng để tạo ra sự đa dạng, phong phú của thiên nhiên.
     Nhịp vỗ bằng bàn chân trước có cạnh sắc của con vật nó càng nhanh khiến mình càng thấy ngứa tợn trên vành tai xong mình cố không động cựa. Giọng con gián càng riết róng hơn :
 - Nhưng về đặc tính thì trong khi các loài đều có những đặc tính đặc thù cho loài mình, chỉ có loài ngưòi là chung chung nhất. Ông đừng tự ái cứ bình tĩnh nghe đã. Chính ngôn ngữ các ông đã khẳng định điều này. Đây này.Khi đánh giá những ngưòi tài hay có đặc điểm gì thì giống ngưòi các ông thường bảo. Khoẻ như voi, ăn như lợn, dữ như sư tử, bắt chước như khỉ, bơi như cá, dai như đỉa hay như loài tôi các ông cũng phải động đến khi so sánh đấy là hôi như gián. Ông công nhận chưa? Sự bình đẳng chính là ở chỗ đó đấy.
      Mình suýt bật cười vì sự phát hiện của con vật. Cố nén mình giữ vẻ khiêm tốn hỏi:
-   Còn loại người không có đặc điểm gì sao ?
      - Có chứ. Điều đáng tiếc là vì cái đặc tính đó mà trái đất bị lụn bại dần,hư hỏng dần. Mọi vẻ đẹp của thiên nhiên bị huỷ hoại. Mọi sự thanh bình của muôn loài bị đào xới. Ngay cả con ngưòi các ông cũng dần dần ngột ngạt vì bầu không khí ngày càng bị dơ bẩn.
-   Đặc tính,đặc tính nào? Đừng tưởng ta nhịn mà tưởng ta hèn đâu. Cứ liệu đấy. Nghe giọng kết tội của con gián mình bật dậy gằn giọng quát lại con  vật:
-  Ông bình tĩnh. Con chó nào các ông nuôi biết đựơc tính chủ, nghe theo lời của chủ, hay con vẹt nào học đựơc tiếng ngưòi, líu lô theo các ông thì các ông bảo “Chà, con vật này khôn như người đấy" sao? Đấy đặc tính duy nhất của loài ngưòi tóm lại dồn trong thứ đức tính ấy. Khôn ngoan. Đó là một đặc tính ghê gớm. Điều đáng tiếc là sự khôn ngoan của giống ngưòi chỉ dành cho mục tiêu duy nhất là sự tồn tại của giống ngưòi. Vì thế nên thế giới này, thiên nhiên này mới dần dần băng hoại, khốn khổ như thế.
-   Này này, thế không khôn thì làm sao loài ngưòi có đựơc như ngày nay. Trước kia chúng tao có khác gì loài khỉ loài vượn. Nói chung là y như con vật. Trần truồng, trần trụi, ăn lông ở lỗ. Ngày cả loài dán chúng mày, loài ngưòi không khôn thì với tốc độ sinh đẻ của chúng mày, của loài chuột,loài ruồi thì chẳng mấy chốc mặt đất chỉ còn dặt lũ sâu bọ làm khổ con ngưòi chứ béo bở gì.
-   Này, ông lại bất lịch sự rồi. Đừng tưởng là ngưòi thì muốn nói gì thì nói đâu. Mọi sự tồn tại đều có lý của nó. Không tin ông cứ thử thành loài gián chúng tôi xem sao.
-   Thành loài gián chúng mày. Thành loài gián chúng mày ấy ư? Làm sao có thể, làm sao?…Mình lẩm bẩm mãi…Tiếng mình nhỏ dần, nhỏ dần ….

3     Thoạt kì thủy mình cứ tưởng mình vẫn bình thường. Thế mới hay, con ngưòi ta mấy ai biết đựơc thực sự con ngưòi ta là thế nào giữa quần thế. Đây chính là một đặc tính của giống ngưòi mà may quá con gián chưa biết nếu không nó còn chì chiết chán. Vì cái đặc tính đáng sợ đó nên đã là ngưòi cho dù là kẻ có tài năng vượt trội đến cả những ngưòi bình thường, thậm chí bất tài nhất mỗi khi nói đều mở đầu “theo tôi thì …”, rồi “mọi ngưòi hoàn toàn hiểu lầm tôi chứ thực ra tôi là thế này thế nọ…”. Sau nhưng lời lẩm bẩm nhỏ dần mình biến thành một con dán thực thụ. Vậy mà mình cứ tưởng mình vẫn là ngưòi đàng hoàng như hàng tỉ con ngưòi đang tồn tại trên mặt đất cho đến khi thằng cháu nội thứ nhất đang tô chữ bỗng giật mình giơ bút chì chỉ về phía mình với giọng thảng thốt :
           - Bố kìa. Có con gián đang nằm trên gối của ông nội kìa
            - Đâu đâu?
            Sau tiếng đâu đâu tự nhiên mình thấy mình bị tung thẳng lên cao rồi rơi đánh xạch xuống đất. Liền sau đó là một làn chớp xanh và tiếng bép vẳng lên như tiếng sét (có lẽ lúc đó thành gián nhỏ bé rồi nên rồi nên mọi sự phóng to lên so với khi làm người. Làn chớp xanh chính là chiếc dép Thái Lan thằng con trai giơ lên cùng tiếng dép đập mạnh trên mặt giường). Mình nhanh nhẹn phóng nhanh xuống gậm giường. Tiếng thằng con trai cả hối tiếc.
          -  Chà, chà con gián này khôn ranh như người ấy. Bố nhanh thế mà nó còn nhanh hơn.
            Nghe nó nói chỉ thiếu một chút nữa mình bò ra nói cho nó mấy câu. Bố mày chứ gián đâu. Vậy là cũng chỉ thiếu một chút nữa thì xẩy ra phụ tử tương tàn. Vụ này mà thành thực tế thì các báo tha hồ mà tăng tia ra phải biết vì từ xưa đến nay những vụ tham ô, giết ngưòi, tai nạn giao thông kể cả tai nạn gây chết hàng chục ngưòi cũng vô thiên lủng chứ con giết bố khiến thi thể của bố nát bấy chỉ bằng một nhát dép Thái Lan thì vụ án này xứng đáng thành kỉ lục toàn cầu chứ bỡn sao. Nhưng bây giờ… Mình thấy hơi buồn vì tự nhiên lại hoá thành gián – loài vật hôi xì chuyên ăn đêm và ở trong xó tối, nhưng mình thấy vui vui vì dịp hoá thân này tạo cho mình hiểu được thấu đáo vài loài kiểu côn trùng như gián. Là loài gián về thân hình nhưng vẫn còn chút tính của người nên mình vẫn cảm thấy ngường ngượng với tâm lý của gã lính mới ra nhập loài. Vì thế mình lẳng lặng bò vào góc chân giường hi vọng có thể gặp lại con gián quen thuộc đã từng chuyện trò. Nhưng mới bò đựơc mấy bước,chợt phát hiện ra mình đang đói. À, thì đúng quá còn gì. Lúc mình trò chuyện với con gián khôn ngoan có lẽ vào lúc gần năm giờ sáng thì phải. Đúng rồi. Giờ ấy ngày nào mình chả lật dậy, nằm cố cũng không đựơc. Cuộc trò chuyện có lẽ ngốn mất gần tiếng đồng hồ, vậy bây giờ đã là gần bẩy giờ, tức là đến giờ mình cần ăn sáng rồi. Đói là phải thôi. Chỉ có điều bây giờ là gián rồi, nên… Mình lẳng lặng bò ra chợt nhìn thấy bát cơm mèo đang nằm chỏng chơ ngay cạnh chân tủ lạnh. Tự nhiên mình thấy thèm những hạt cơm khô không khốc còn vương một vài chiếc xương dăm cá diếc ở cái bát dành cho mèo. ở đó toả ra thứ mùi mà khi làm ngưòi chỉ thoáng ngửi đã lộn mửa. Còn bây giờ thì thèm quá. Thèm đến run hết cả hai chiếc râu nhọn trên đầu. Mình bò nhanh về phía cái bát thì bất ngờ có ba, bốn con gián từ đâu bò lại, râu của cả ba con khua lia lịa có vẻ tức giận. Hàng loạt chân mầu nâu sẫm, leo khoeo giơ ra cản đường. Con gián to nhất có vẻ kẻ cả nhìn mình chăm chú, giọng nó hầm hừ:
-   Này mày là con gián ở đâu lạc đến mà ngu thế. Mày muốn chết hay sao mà lại định bò ra sàn nhà lúc này. Chỉ cần con ngưòi nó nhìn thấy thì liệu thân mày có còn nguyên vẹn không cơ chứ .
-   Nhưng tôi đói quá. Mình nhỏ nhẹ với sự năn nỉ hèn yếu.
- Đồ nợ. Chắc cả đêm qua lại dong chơi đú đởn với con nào chứ gì.  Thôi bò theo chúng tao đến chỗ này, may ra còn thứ mà ăn tạm chứ mày cứ liều lĩnh thử thò ra bây giờ xem.   
-  Sao các vị lại tốt với tôi thế ?
      - Cùng loài gián với nhau lại chả đùm bọc, bảo vệ nhau thì để con ngưòi nó diệt hết. Hôm nọ nhà nó chả xịt cho một chặp thuốc chết gần nhẵn số gián trong nhà này là gì. Mày hít mạnh một chút xem, chỗ nào chả sực mùi thuốc diệt gián. Kinh quá. Nhưng cũng may loài gián ta vừa nhỏ bé, vừa mắn đẻ nên giống ngưòi cứ tìm đủ cách để giết loài ta cũng không xong. Chứ  cứ khoẻ mạnh nhưng to tướng và ít đẻ thì dù tợn, dữ như voi, sư tử, như hổ, tê giác thì giống ngưòi tàn ác nó cũng giết cho đến tiệt chủng chứ bỡn sao. Đến cái răng của hổ ngưòi nó còn bẻ, cái sừng của tê giác nó còn lấy để đeo vào ngưòi, để ngâm rượu mong tránh đựơc gió, khoẻ được cái khoản vợ chồng thì nó còn vứt đi thứ nào của muôn vật nữa đấy rồi cả loài mình, hiện nay giống ngưòi chê ẩm chê eo vì hôi nhưng chả phải đợi lâu đâu giống ngưòi chúng nó loay hoay chả nghĩ ra sự chế biến để kiểu như gián om, gián nầu canh, gián rán cho mà xem. Đến hôi như bọ xít mà bọn ngưòi con biến thành món nhắm rượu thì chúng còn ngại món gì. Tóm lại rồi đây khoa học ẩm thực của ngưòi tiến lên thì bất cứ vật gì ngọ nguậy trên mặt đất chúng đều nghĩ cách chén tất.
- Thôi, thôi nó đói lả râu ra rồi. Dẫn nó đi ăn đi đã. Nói lắm để làm gì. Việc nói là của giống ngưòi còn loài vật mình chỉ biết ăn, sinh đẻ, tránh sự giết chóc để tồn tại thôi.
      Con dán thứ hai nhỏ hơn một chút nhưng có một chiếc chân trước bị gẫy. Sau này mới biết là do một chiếc vung xoong thình lình rơi xuống trong đêm, may nó nhanh chân nghe tiếng gió nên thoát khỏi
      Khi là người thì khoảng cách này mình đi có dễ chỉ chưa đầy mười bước, nay làm thân gián nên đoạn đường bọn gián dẫn mình đi từ gần giữa gầm giường đến gậm chiếc tủ Nhật rõ thật dài. Có lẽ phải hơn năm phút mới đến. Con dán to chỉ vào một đống to có lẽ chỉ bằng hai ngón tay nằm kề bên chân tủ .Hoá ra đó là mẩu sô cô la mà mình đưa thằng cháu nội lớn nhưng bị  thằng bé tranh giành nên rơi xuống.
-  Ăn đi. Loài ngưòi nghĩ ra lắm thứ ăn thật. Thứ này từ khi sinh ra tao mới ăn một lần khi nó rơi xuống. Đắng thế không biết. Nhưng đã là loài dán thì nhặt đựơc, cái gì thì ăn thứ ấy chứ có phải giống ngưòi giầu sang đâu mà chọn lựa. 
       Có lẽ vì đói quá nên mình lẳng lặng cúi xuống gặm miếng sô cô la vương cả chút mạng nhện. May là đã từng là ngưòi nên tôi cảm thấy sự ngon lành của mùi vị miếng bánh sô cô la đã chớm mùi mốc. Mình vừa ăn vừa ngọ nguậy đôi râu cảnh giác. Thế mới biết làm giống vật nào thì có bản chất của giống vật ấy. Con dán gẫy chân bò tập tễnh quanh mình, đôi mắt nhỏ của nó nhìn mình chằm chằm vẻ ngạc nhiên:
- Nhìn mày ăn tao biết mày khôn như ngưòi ấy, vì gần hết bọn gián đều không thấy món này ngon. Thế mà mày ăn tì tì vẻ thòm thèm thế.
- Tôi đói.
      Mình vừa cố nuốt mảnh sô cô la vụn vừa nói. Ngay lúc đó mình cảm thấy thèm một chút bia. Mặc dù khi mang thân người đã lâu lắm rồi chứng cao áp huyết đã khiến mình xa lánh thứ đồ uống kì diệu mà chỉ loài ngưòi mới nghĩ ra và biết dùng. Mình định chép miệng nhưng hai cái hàm của dán cứng đơ. Thế mới hay ngay như chỉ đứng về mặt cấu trúc giống ngưòi đã có nhiều ưu thế để biểu lộ cảm xúc hơn mọi loài vật. Cặp môi ngưòi mới đẹp làm sao nhất là môi của giống cái, rồi bộ ngực, cái chân, cặp hông. Chẳng thế mà giống ngưòi nó có thể biến cơ thể thành thứ vật dụng có thể mua bán kiếm tiền nuôi sống mình và ngưòi thân. Còn các loài vật thì… Đó là chưa kể con ngưòi con biết nghĩ ra mọi thứ để trang điểm làm đẹp thêm cho thân thể họ. Thế cho nên cuộc sống của loài ngưòi mới phức tạp.
-  Mày nghì gĩ mà đần râu ra thế?
       Con dán to chĩa thẳng đôi mắt nhỏ xíu của nó vào mình.
-   Ăn chán rồi thì đi theo tao ra chỗ cơm mèo. Tao biết lúc này cả nhà nó đi dỗ dành để bón cơm cho thằng cháu bé rồi
- Ngộ nhỡ con mèo .
-  Lúc này thì mày lại lộ là con gián ngu. Ngay có mặt con mèo, tao vẫn ăn được cơm của nó. Con mèo chỉ gầm gừ với chuột, với chó thôi chứ còn tụi gián mình thì nó không chấp. Nó ăn ngay bên cạnh mày ăn cũng chẳng thoải mái. Hiểu chưa? Thôi theo tao.
         Vì no, nên mình cảm thấy bụng mình hơi lặc lè nhưng mọi sự cảm thấy bình thường. Chứng áp huyết, căn bệnh đang trở thành mốt của giống ngưòi tịnh không mảy may ảnh hưởng kể cả khi đã đầy bụng vì sô cô la ngọt. Thế mới biết đôi khi làm loài vật cũng có lúc có lợi. Vừa nghĩ mình vừa bò theo con gián to. Đang bò đột nhiên mình thấy có một luồng hơi thật mạnh từ trên cao ập xuống. Con gián to nhanh chân chui tọt vào kẽ hẻm tường. Con gián què chân định chạy nhưng ngay lập tức nó bị một đế giầy to tướng hạ xuống. Rất may nó là con gián trẻ, phần nữa cũng vì nó chưa ăn nên nó chỉ bị gẫy thêm một chân nhưng vẫn chạy thoát vào nơi mình vẫn để túi đựng vợt cầu lông. Còn riêng mình chắc vì ăn quá no. Cái bụng phình ra thành chướng ngại vật cho tám chiếc chân, nên mình vừa định vọt thật nhanh để tránh luồng hơi, nhưng không kịp nữa rồi. Luồng hơi vừa cay vừa hăng làm mình ngã lăn quay, tám chân chổng lên lia lịa,đạp mạnh. Mới biết loài nào cũng thế những kẻ ăn no thì dễ gặp tai nạn đến thế nào. Đầu óc mình mê man không kịp nghĩ gì, chỉ thấy hình như lơ mơ bên tai tiếng hét váng. Đầu tiên là tiếng của bà vợ già :
  - Không đứa nào trông em để nó cầm cái hộp xịt dán nghịch kia kìa.
  Kế liền là tiếng thằng cháu nội hét váng lên:
  - Bà ơi, ông nội ngã trong bếp.
Tiếng vợ già lầu bầu vẻ khó chịu :
     Ông con còn có gì mà không bầy ra. Vừa già, vừa là nhà văn thì còn khối trò nghịch. Lạ thật. Từng ấy tuổi  rồi mà cứ như trẻ con. Bạ đâu cũng nằm đựơc. Buồn cười thế cơ chứ .
           Còn mình thì ân hận. Chỉ thiếu một chút nữa thôi là chính mình lại giết mình. Đúng là mình chứ có phải ai trong cái nhà này quyết liệt để mua cho bằng đựơc hộp thuốc xịt gián đâu. Thế mới hay ở đời thì tốt nhất là ở hiền gặp lành chứ bầy trò để hại cho dù hại loài nhỏ bé nhất như gián cũng có lúc bị chính cái trò của mình hại lại. Ông trời trên cao chẳng bỏ qua trò nào của giống ngưòi đâu. Tất cả đều được ghi vào sổ trời hết đấy.  
                                                                  
                                                                                                                           NGUYỄN HIẾU  


GIẢI CỨU NÀNG MA - NƠ - CANH

       Nhà văn Nguyễn Hiếu vừa gửi tặng qua email cho tôi truyện ngắn GIẢI CỨU NÀNG MA NƠ CANH. Anh còn chua thêmNhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái có phê đại ý: "Nguyễn Hiếu may mắn bắt được một cặp Chí Phèo -Thị Nở hiện đại. Anh lại khuyến mại độc giả tiếng cười sở trường của anh". Tác phẩm này cũng đang in trong tập mới của anh do NXB Văn học ấn hành. Trước khi về hưu, nhà văn công tác tại Ban Kinh tế - Khoa học - Công nghệ, Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam (VOV).
         LÃO NÔNG PHU xin trân trọng giới thiệu tác phẩm này của nhà văn Nguyễn Hiếu.

Hình ảnh: Cùng với cặp uyen ương 18 tuổi bản Tằng Phản và kịch tác gia Vũ Xuân Cải bên thang nhà sàn

              Ảnh: Nhà văn Nguyễn Hiếu, thứ nhất từ trái sang

                                                                                            Truyện ngắn
1.
        Gã là một đàn ông vừa bình thường vừa không bình thường. Sự bình thường của gã ai cũng nhận thấy nếu nhìn hình thức bề ngoài . Cái bề ngoài ấy có thể làm mê đắm một người đàn bà đang cô đơn hay ít ra là đang độ và có nhu cầu đực cái. Mà hai yếu tố này thì cứ mười đàn bà thì lấy xác xuất nhỏ nhất cho đỡ phải mang tiếng nói phét cũng phải đến bẩy ả hội đủ .Kể cả những ả đàn bà có một gia đình đề huề gồm một ông chồng khỏe mạnh, mồm khi thở và nói không đến nỗi hôi hám trừ khi ăn tỏi và hành sống . Kiếm tiền không phải là nhiều nhưng có lương hàng tháng đưa cho vợ. Vào độ tuổi bốn chục thì một tuần đòi vợ từ hai đến ba lần và đến tuổi sáu mươi thì cứ mười ngày đến nửa tháng lại được một lần tình tang. Những đứa con học hành bình thường, không nghiện hút và biết sợ bố mẹ và không dám liều lĩnh, bất chấp tất cả để có tiền khi chơi gêm hay dự sinh nhật bạn. Bởi cái bề ngoài của gã có thể coi là trên mức trung bình của giống đàn ông. Gã cao một mét sáu tám. Nặng gần 70 kí vào mùa hè và nhỉnh 71 kí khi vào đông. Mắt to, lông mày, và râu độ ba ngày không cạo thì lộ ra màu hung hung của bộ râu hao hao hình quai mũ bảo hiểm. Đôi môi gọn như môi người Pháp. Đây chính là điều khiến người đang ở vị trí bố gã nổi giận vì môi ông này vừa dầy vừa to y như ông ta có gốc gác châu Phi. Nhưng chuyện này sẽ cắt nghĩa ngay sau một vài dòng nữa xin các bạn đừng nóng vội mặc dù thời buổi này người ta chỉ ưa sự sốt sột có tính cơ bắp, hiệu quả ngay về lợi nhuận chứ không thích chờ đợi một cách trữ tình cùng sự bền chặt lâu dài trong tình cảm và trí tuệ. Điều không bình thường ở gã bắt đầu từ sự không bình thường của gia cảnh. Mẹ gã thủa thiếu nữ thuộc diện xinh đẹp và phát dục sớm. Mười bốn tuổi thấy con trai, đàn ông đi qua cổng là phao câu đã nhấp nhổm. Giống con gái háo giai như vậy thì ngày một ngày hai thể nào cũng dính. Y như rằng. Ông ngoại gã rất dữ đòn mà cũng chỉ kìm được con gái cho đến khi mẹ gã chớm 17 tuổi thì đã có mang gã. Cái thai này ngay cả khi nếu áp dụng phương pháp phổ biến như hiện nay là hội thảo cũng không thể tìm ra tác giả thực sự có đầy đủ tư cách pháp nhân để giữ bản quyền. Chính vì thế ông ngoại gã khi phát hiện bụng con gái lùm lùm thì đã quất cho cô nàng một trận ra trò. Nhưng may ông ngoại của gã là người biết giải phẫu học và ít nhiều còn sót con nên chỉ lấy cành dâu quất thật lực vào đôi mông mây mẩy rắn chắc đương thì, chứ tịnh không động chạm gì đến phần bụng đang chứa một sinh linh nào đó. Sau khi trừng phạt con gái, ông bèn gọi một tay thanh niên mồ côi cả cha lẫn mẹ đến. Sau một cuộc điều đình có lợi nhiều mặt về kinh tế cho tay thanh niên này thì đám cưới được tổ chức không linh đình lắm nhưng cũng không đến nỗi khiến nhà gái xấu hổ vì lộ ra vụ cưới chạy danh cho gia đình đã trót sinh ra đứa con gái chửa hoang. Sau đó gã thanh niên ở rể .Thoạt đầu tiên với chức phận “chó nằm gậm chạn” ông con rể này cũng tỏ an phận siêng năng trong công việc cho gia đình nhà vợ cả ngoài đồng và trên giường nhưng khi căp vợ chồng gá lắp này đã có bốn con kể cả đứa con tráng men kia thì gã con rể đã bán thửa ruộng được bố mẹ vợ kèm vào xuất vợ. Xẻ một nửa tiền tự nhiên có được để xây hẳn một tòa nhà ống như mọi kẻ bán đất ở làng ngoại ô trên mảnh đất của cha mẹ đẻ đã hơn chục năm nay bỏ hoang. ..Từ hồi ra ở riêng, cũng là khi đứa con tội nghiệp là gã đã loi thoi lớn. Nhìn vẻ ngoài chẳng có chút nào giống mình nhất là cặp môi người bố hờ bắt đầu cắn dứt mẹ gã và tỏ thái độ phân biệt chủng tộc với gã. Gã không biết bố mình là ai đã đành, nhưng gã lại thấy bất công trước thái độ mà các bậc trí nhân trong thế giới gọi là nạn Xê ô nít không hiểu sao lại rơi vào thân phận mình. Thế mới hay thế giới cũng như con người sự đối xử thế nào thì hậu quả sẽ như vậy. Vì thế nên chứng bất thường ở gã nẩy mầm và ngày càng phát triển. Được cái sự bất thường này nghiêng về tính âm. Con giai con đứa gì mà mới mười ba, mười bốn tuổi mà quá kiệm lời chứ đừng nói là bô lô ba la như những đứa trẻ cùng lứa. Còn khoản cười hiếm hoi lắm mới thấy gã tủm tỉm một cách vô cớ không rõ vì nguyên nhân gì. Mắt lúc nào cũng cụp xuống. Nhìn kĩ thì hình như đôi mắt trong veo đó lúc nào cũng rân rấn nước rình khóc. Ba đứa em hình như cũng vào hùa với bố thi nhau hành hạ gã. Những lúc đó chỉ thấy gã nhoẻn miệng một cách hiền lành, đai lượng tuy hơi ngơ ngác một chút rồi lại quần quật làm đủ thứ việc trong nhà. Những khi cả nhà đi cỗ bàn họ hàng, làng xóm thì gã lại len lén ra ngồi xuống mô đất bên bờ sông nhìn đám bèo trôi trên mặt nước đục ngầu trên đó có mấy con chuồn chuồn ớt rập rờn nửa bay nửa đậu. Hàng xóm bảo gã đần, người làng bảo đầu óc gã có vấn đề. Những đứa con gái mới lớn, hiền lành, đa cảm thì có vẻ thương hại gã. Đần hay đầu có vấn đề hay không thì không biết chỉ biết gã hiền lành và nhịn nhục. Nhịn người bố hờ từ lâu coi gã như một vết nhục khó xóa của kiếp nam nhi của ông đã đành mà gã nhịn cả ba đứa em lúc nào cũng tìm cớ để chòng chọe gã. Gã chả động chạm đến ai, vậy mà lần ấy ông bố hờ đã làm gã chỉ thiếu một chút nếu không nhìn thấy những giọt nước mắt chảy lướt thưót từ cặp mặt đỏ hoe của mẹ thì gã đã nhẩy xuống sông rồi …
2.
          Sự việc diễn ra thật kì quặc và cũng thật vu vơ. Số là hôm ấy, ngay từ sáng sớm bố mẹ gã và ba đứa em lên ăn cưới ở nhà người em thúc bá của ông bố hờ. Mẹ gã thương gã lắm định ở nhà cùng với con. Nhưng bố gã nhất quyết bắt bà lên. Bà đành phải nghe. Con người kể cũng lạ. Dạo mới ra giàng chưa vướng bận vào ai và nhất là ông ngoại còn sống thì mẹ gã chỉ cần ngúng nguẩy một chút là khối thằng con trai quỵ lụy, xun xoe, nịnh bợ làm vừa lòng cô ả. Vậy mà bây giờ … Thôi cũng là sự bù trừ cho lẽ đời. Cả nhà đi rồi. Nhà cửa vắng hoe làm gã thanh thản hơn. Gã loay hoay cho lợn  gà ăn rồi đi ra phía bờ sông. Gã ngồi thẫn thờ, đầu óc lơ mơ. Mùa này sông cạn, chuồn chuồn ớt không thấy rập rờn nửa bay nửa đậu trên những cánh bèo tây, chỉ thấy mấy con giang gầy nhom giang thẳng cảnh, thẳng chân như nhưng mũi tên bay qua sông. Đang ngồi bỗng gã giật mình khi thấy sát bờ sông ngay cạnh hòn đá mẹ gã hay ngồi rửa rau một vật gì màu hồng hồng đang nổi rập rờn. Gã rùng mình một chút rồi lao ào xuống. Khi gã vớt cái vật đó lên thì mắt gã rớm rớm nước mắt. Hóa ra đó con búp bê nhựa không biết từ đâu trôi đến. Chỉ có điều con búp bên này không hoàn chỉnh, ngoài thân mình cụt ngủn, chìa ra một cánh tay duy nhất quắp lại. Và một cái đầu mặc dù bị nứt toác nhưng ngay cả vết nứt rạch đôi khuôn mặt cũng không làm ánh mắt nhựa tươi cười của con búp bê rầu rĩ đi. Nụ cười ấy vẫn thật sư vô tư và vui vẻ một cách tội nghiệp khiến người bình thường nhất cũng mủi lòng, huống hồ một gã bất bình thường hơi nghiêng về tính âm như gã. Gã đưa cả hai tay ra nâng thân hình con búp bê lên mặt ngửa lên trời. Hôm đó cuội trời. Vậy mà hình như gã thấy chói mắt. Vừa leo lên giải dốc quen thuộc gã vừa thở vừa khóc. Rồi như một kẻ vụng trộm gã rón rén đặt thân con búp bê vỡ đầu, tàn phế vào một bụi cây dứa dại, rồi chạy thật nhanh về phía chuồng lợn cầm vội chiếc cuốc. Gã lao xồng xộc xuống vệ đê ven tường đình. Gã đào thật nhanh chiếc hố giống như lỗ huyệt rồi lom khom đi về bụi cây. Nâng thân hình của con búp bê nhựa lên, gã òa khóc nức nở. Mắt nhòe đi, mồm lắp bắp những câu không thành lời. Thổn thức một hồi lâu, gã xé một mảnh lá chuối gói thân hình nhựa bé bỏng lại rồi thận trọng đặt xuống lỗ huyệt xinh xinh. Gã vừa gạt nước mắt vừa cầm cuốc định lấp đất lên thì vừa lúc đó ông bố hờ của gã về. Ông cau mặt khi nhận ra thằng con thiên hạ mang danh con mình đang hí húi bên bờ tường. Sau cái nhíu mày đầy hoài nghi ông xồng xộc chạy xuống. Không nói một lời, ông gạt bắn gã ra, bới nhanh chỗ đất vừa lấp rồi moi lên cuộn lá chuối rách bươm. Khi nhận ra thân hình cụt lủn của con búp bê nhựa, ông bố hờ vừa nhìn gã chằm chằm vừa phá lên cười.
            - Thằng rồ. Thế mà làm tao phát hoảng lên lên tưởng mày giống lão ông ngoại nhà mày chuyên chôn rượu lậu. Hại tao. Hóa ra. Hừ hừ. Đồ dở người…Có thế này mà mày cũng đắp mả bố mày hay sao ?
            Khi gã chưa nhận ra điều gì thì tay bố hờ đã vung cao.Thân hình của con búp bê tội nghiệp đã tung lên, một cánh tay còn lại của con búp bê vì bị bàn tay thô bạo của người đàn ông làm rời khỏi thân hình bay lên một vòng cung mờ rồi cùng phần còn lại của con búp bê rơi xuống dòng nước đang mùa cạn. Một con thuyền sang ngang vô tình chà lên khiến nó chìm nghỉm.
           Gã mím chặt môi, thẫn thờ. Rồi quay lại nhìn thẳng vào ông bố hờ của gã bằng đôi mắt bất động như mắt thủy tinh khiến ông này rùng mình như trông thấy cặp mắt mở trừng trừng của người chết .
3
           Ngót chục năm sau gã lấy vợ. Chuyện gã lấy vợ cũng ly kì .Người thì bảo thánh nhân đãi khù khờ. Người thì bảo ông trời chả để ai thiệt. Theo lời đàm tiếu của người bình thường thì gã không có thể gọi là điên hay rồ vì gã hiền lành và chưa bao giờ làm hại ai hay có hành động có thể gọi là gây gổ. Nhưng thiên hạ có thể xếp gã vào hạng ngố. Gã có thân hình và khuôn mặt có thể coi là đẹp trai. Ở người bình thường, người ta có thể kiêu hãnh và tận dụng điểm mạnh đó. Với gã thì không, bởi gã quá lành và không ý thức được điều này. Rất may cái sự đàn ông không quyết định bởi hai đặc tính này. Trong hai mươi tư giờ của một ngày, một đêm sự đời đã có nhiều sự biến đổi bất ngờ khiến một tay viết văn có hạng chuyên nghĩ ra tình huống ly kì nhất cũng khó lường huống hồ gần chục năm, ngót ngét 3650 ngày, đêm. Sau cái lần an táng không thành công con búp bê vớt được trên sông cuộc đời gã dường như không mấy thay đổi trong khi đó làng của gã lại biến động ghê gớm. Đất cát ở cái làng này từ xưa đến nay là thứ vô tri vô giác chẳng mấy ai để ý. Đất ở ven sông Đào ai có sức thì cứ việc vỡ hoang muốn trồng trọt hay xây nhà xây cửa thì tùy không ai đả động. Đất trong vườn, ngay sát nách con cái lớn cứ việc chia. Kể cả đất hoang ở làng ai muốn làm gì cũng thoải mái. Người trong họ hay bạn bè thân thiết, cánh hẩu với nhau rẻo mồm còn xin được ít thì trăm mét nhiều thì hàng sào. Vậy mà mấy đận gần đây người từ thành phố ra, người tứ xứ ùn ùn đến làng mua đất. Thấy bảo gía đền bù đất của chính phủ để làm dự án gì gì ấy cao ngang với giá bán tự do. Thế là cái thứ tưởng như vô bổ, rẻ như cho ấy bỗng nhiên thành vàng, thành tiền. Đất ruộng vì thế teo lại. Ao chuôm bờ lũy cứ lấp, tre pheo, cây vối cây nhãn, cây bưởi cứ chặt để trơ đất ra chờ bán. Làng giầu lên trông thấy. Nhà ngói cây mít, cau liên phòng, bể nước, bụi nhài, dại nứa vắng dần để thay vào đó là nhà ống bê tông suốt ngày ì ùm tiếng nhạc tây, nhạc ỉ eo vẳng ra từ loa cùng tiếng xe máy phóng ào ào. Trong đám người có thể xem là phát đạt, biến đổi nhanh nhất từ đất ấy là nhà ông thợ may ở đầu dốc Đá. Nghề may là nghề gia truyền của nhà này. Dân làng thực mục sở thị ít nhất là ba đời gần đây. Trước khi có việc đất cát trở thành thứ quí giá thì nghề thợ may của ông này không thoát khỏi cảnh thâm đít gù lưng, sống lay lắt. Dân làng nghèo đến cái ăn chưa đủ nữa là nghĩ đến may vá. Họa có ai dạt đến cửa hàng của ông chỉ để bích kê lại cái quần, chữa lại cái áo hay mượn cớ hút ké thuốc lào. Đến khi đất cát lên ngôi thì ông chia phân miêng cho ba thằng con trai mỗi thằng gần ba trăm mét đều là đất do ông khai khẩn ở bờ sông Đào hồi tàu bay Mỹ đến bắn phá. Ba thằng con xẻo chỗ đất được chia bán cho thiên hạ. Thằng nào thằng nấy bộn tiền đủ xây nhà ống, mua xe máy. Còn đứa con gái út thì khổ nỗi lại không mấy ưa nhìn. Người thì thẳng đuột to xương hóp, da khô và nghe nói còn hôi nách. May bây giờ thời buổi tân tiến sẵn ống lăn, ống xịt nên nách hôi mấy cũng không ảnh hưởng lắm. Nhìn con người ta ra giàng là tối, tối có con trai ra vào thậm thịch, hồi sau bố mẹ chúng đến bàn chuyện cưới xin, rồi trông đứa con gái lồng ngồng nhà mình mà sốt ruột. Thôi thì ba thằng anh nó đã đành một nhẽ còn đứa con gái duy nhất này trước khi là con người ta nó là con mình nhưng phải tính sao để nó trở thành con người ta. Thế là tuy nó chưa có gia đình nhưng ông thợ may đang sẵn có mảnh đất mặt đường bên trái nhà, ông làm cho nó cái cửa hàng may mặc sẵn. Ai ngờ nghề may gia truyền của ông có vẻ hãm ở ba đứa con trai mà phát ở đứa con gái út. Thế là cửa hàng may mặc và kinh doanh thời trang “ Kiều Nguyệt “ của cô ả ngày một phát đạt và có tiếng đến nửa huyện. Nom bề ngoài Kiều Nguyệt cũng chẳng thua mấy cửa hàng ở ngoài phố. Cũng tủ gương bầy áo cưới và thời trang mới nhất, cũng hàng dẫy ma nơ canh mặc đủ các mốt thời trang từ quấn áo lót đến quần áo dài, váy cưới. Khi vắng người cô chủ lênh khênh mặt mũi khó đăm đăm như mắc chứng đau bụng kinh niên, lúc có khách lại như phát hỏa cười nói thao thao về mọi thứ mốt đang sành điệu. Mọi chuyện lại bắt đầu từ buổi chiều mưa lướt thướt và gió ầm ĩ vào tiết cuối thu thì phải. Gã thanh niên có tiếng là ngố ở làng buổi sáng hôm đó lên trên nhà bà gì làm giúp. Nếu là đứa con bình thường thì gã đã được đi xe máy. Nhưng bố hờ của gã mặc dù có đến ba chiếc xe máy vừa của tầu vừa xe liên danh lắp ráp cũng chưa bao giờ cho gã động vào. Nên hôm đó cả đi lẫn về lên nhà bà gì gần chục cây số gã đi bộ là sự thường. Khi về đến đầu dốc kề ngay cửa hàng thời trang Kiều Nguyệt thì trời mưa nặng hạt, gã nhanh chân lao vào hiên cửa hàng trú nhờ. Đứng chưa được năm phút gã lại chạy bổ ra khi thấy một ma nơ canh đổ xập. Gã giơ cả hai tay nâng cỗ ma nơ canh đang mặc bộ đồ váy lửng. Khi dựng cỗ ma nơ canh lên rồi, gã giật mình khi thấy khuôn mặt của cô người nhựa quen quen. Gã rùng mình một lần nữa không biết vì ngấm nước mưa hay vì cái gì. Khuôn mặt của ả ma nơ canh giống như mặt con búp bê mà gã vớt được ở dưới sông hồi cách đây gần chục năm. Khuôn mặt trắng hồng của cô gái nhựa lại lấm lem vì bùn. Gã đưa tay áo chùi sạch vết bùn. Môi gã mím chặt. Vừa lúc đó đằng sau gã có tiếng cười lục khục. Gã giật mình quay lại thì thấy cô chủ cửa hàng thời trang Kiều Nguyệt đang đỏ mặt vì cười .
-    Khiếp, mưa gió thế này đi đâu mà khổ thế
-   Tôi lên nhà gì làm giúp.
       Mắt gã vẫn không rời cô ma nơ canh
         - Dựng nó như thế là được rồi. Vào uống nước cho ấm đã. Con ma nơ canh ấy là đẹp nhất cửa hàng này đấy .
                -- Thế à ? Dưng mà …
          - Dưng mà sao. Thôi cứ vào đây đã. Ướt hết cả rồi. Rõ người đời …
                        Chả biết sau đó câu chuyện diễn ra thế nào mà độ ba tháng sau ông thợ may đến thì thào với bố hờ của gã. Ông bố hờ cười phe phé, gật đầu lia lịa. Khi ông thợ may về thì lão đập mạnh vào vai gã bảo
        -  Tao cứ tưởng mày khù khờ. Hóa ra cũng là cái máu của con mẹ mày. Giả chết bắt quạ. Thôi được mày làm rể nhà ấy tao cũng yên tâm. Tao cũng đỡ mang tiếng với làng với nước mà mày cũng mở mày mở mặt với anh em .
4.
           Thế là gã trở thành chồng của cô chủ cửa hàng may, thời trang Kiều Nguyệt. Nhưng người như gã học hành qua quít mặt chữ chỗ nhận được chỗ không. Lọt lòng mẹ cho đến khi thành thằng đàn ông chỉ biết cầm cuốc, cầm xẻng. Tóm lại là hạng cổ cầy vai bừa đơn giản nên khi thành ông chủ trong cửa hàng thênh thang, thơm nức mùi vải, mùi băng phiến và cả mùi mỹ phẩm gì gì ấy của vợ với hàng dẫy người nhựa thì gã quả là chả biết làm gì Cơm nước thì đã có cô vợ son rỗi đang muốn khoe tài nội trợ với thằng chồng u lì nhưng thực có ích khi đêm xuống. Tiếp khách hàng cũng lại là vợ vì lĩnh vực áo quần, mốt miếc này gã là chỉ là xẩm mù sờ voi. Rốt lại công việc chính của gã ban đêm không tính, còn ban ngày thì cứ tuần tự sáng, chiều khuân ra, khuân vào đám người nhựa. Vợ gã xem ra có vẻ chiều gã lắm vì dù sao gã cũng là tay chồng cao to, đẹp mã. Thằng đàn ông đáng mặt đàn ông khi trên giường và có công làm cái bụng của ả lùm lùm lên chứng chỉ cho sự bình thường của người đàn bà. Sự đó làm cho thân hình ả có vẻ phì nhiều, mập mạp, mềm mại hơn. Chỉ có điều gã ít nhời quá. Cả ngày ngay cả lúc ngồi ăn, có chén rượu ngâm đủ thứ thuốc, đủ thứ con vật mà gã vẫn chỉ lặng lẽ ngồi nhai, uống, lâu lâu len lén nhìn vợ tủm tỉm. Hình như hôm đó gã uống nhiều, nên đôi môi ướt gọn gàng xem chừng động đậy. Thấy thế vợ gã bảo :
-   Anh định bảo gì hả ? Cứ nói đi có hai vợ chồng mình sợ gì
-   À à . Này mấy người nhựa người ta làm tài nhỉ .
-   Tài cái gì cơ ? Đôi lông mày tỉa gọn hơi hếch lên, động đậy.
        - Tài chứ. Vì người nào cũng rõ là đẹp. Mà nom cứ hao hao nhau như anh em cùng một mẹ. Mặc quần áo vào mới thấy khác.
-    Nỡm. Người ta làm bằng khuôn mà lại.
-   Nhưng mà cái cô mặc váy có cái mặt thì có vẻ giống hệt …
        -  Cô nào ? Cô nào ?.Giống ai . Vợ gã hình như thoáng ghen. Đừng phắt dậy. Cầm tay hắn lôi lên. Con ấy ở đâu ? Chỉ tôi xem nào
        - Kìa bảo đấy. Là cái cô, cái cô …Gã vừa gỡ tay vợ ra vừa ngúc ngắc cần cổ tìm ra lời nói đúng ý của mình. Mặt gã đỏ bừng lên. Cô búp bê ngày xưa ở sông ý mà.     
              Gã ngoan ngoãn rụt rè chỉ tay vào cô người nhựa đổ xập vì gió gã từng dựng lên vào buổi chiều mưa gió cuối thu. Trong khi vợ gã vẫn chưa hiểu điều gã nói. Ả cau mày cố nghĩ. Gã vẫn lắp bắp muốn nói điều mình  cần nói . Cô vợ phưỡn cái bụng hết nhìn thằng chồng lại nhìn ả ma nơ canh. Ả mủi lòng như mọi người đàn bà chửa con so, lệ lưng tròng trong đôi mắt mở to của ả cùng tiếng thở than đầy oan trái .
       - Tôi, em, em ăn ở với anh có đến nỗi nào mà, mà anh nỡ… Con nó trong bụng …
Thấy vợ khóc, gã cảm thấy sợ hãi càng cuống lên
       - Không. Không. Là cái cô búp bê, búp bê mặt bị vỡ tôi vớt ở dưới sông. Cô ấy chết rồi ,tôi định chôn cho cô ấy. Nhưng bố ,bố moi lên vứt , vứt đi.
          Tuy vẫn đang sụt sịt nhưng vợ vẫn đang cố dỏng tai nghe lời trần tình của thằng chồng ngốc nghếch. Hình như một lúc sau thì ả ta chợt hiểu điều gã nói. Nước mắt vẫn ngấn trên mi, vợ gã bật cười. Đưa tay cấu mạnh vào mạng sườn thằng chồng ả lầu bầu. Rõ khỉ. Búp bê thì kệ bố búp bê. Sắp làm bố rồi mà cứ như trẻ con ấy. Làm người ta cứ tưởng đang mê con nào. Này vớ vẩn, lơ tơ mơ là  là con này xẻo đấy. Hiểu chưa ?
               Gã gật đầu hiền lành. Đêm đó đang nằm cạnh vợ bất chợt gã choàng dậy. Khi nghe tiếng ngáy nhè nhẹ biết vợ ngủ say gã thấy mình tự do hơn. Trong ánh đèn lờ mờ của đèn ngủ, gã giật mình khi nhận ra cô ma nơ canh có khuôn mặt giống búp bê đang đứng im phăng phắc nhưng thân người lại nhẵn lỳ, trơ khấc một màu da hồng nhạt bởi vì không có mảnh quần áo nào. Gã dụi mắt. Rõ ràng buổi tối cô ấy vẫn còn mặc đủ quần áo. Từ ba hôm nay cô người nhựa mặc chiếc váy mỏng( vợ gã bảo là váy ngủ) có in hoa hồng rất to. Trời lạnh thế này mặc thế ấm sao được. Vậy mà mấy cô gái ở làng dưới lên bảo cái váy ấy đẹp lắm. Nhớ may cho mỗi cô một cái giống nhau chỉ khác hoa. Nhớ đấy. Nhớ đấy. Vợ gã gật đầu,cười bảo yên chí, yên chí .Vậy mà bây giờ cô ấy tồng ngồng đứng đấy. Trời lại rét như thế này. Vợ chồng gã nằm trên đệm, quấn thêm cái chán len dầy sụ mới ấm thế mà … Tặc lưỡi lần nữa gã lồm cồm ngồi dậy. Chắc cô ấy lạnh lắm. Gã nhìn nhanh vợ đang nằm rồi len lén đi đến tủ kính bầy quần áo. Đến chiếc ghế vợ gã hay ngồi gã đã trông thấy chiếc váy vẫn mặc cho cô người nhựa. Trời lạnh, cái váy mỏng, lại hở tay thế kia thì chịu sao được. Phải cho cô ấy mặc cái áo dạ may ra. Gã lẳng lặng đến bên người nhựa đàn ông có khuôn mặt và nhất là đôi mắt gã không ưa lắm đang mặc bộ quần áo vừa dài vừa ấm. Gã cúi đầu cố tránh đôi mắt trơ lỳ đang như nhìn xói gã gỡ chiếc áo. Gỡ xong, gã tiến sát cô người nhựa. Trong ánh sáng lờ mờ của đèn ngủ gã thấy ánh mắt của cô người nhựa chăm chú nhìn khiến gã lung túng. Gã vừa định kéo cánh tay nhựa để xỏ vào thì chiếc vạt áo vung lên làm cả thân mình cô đổ nghiêng về phía gã. Gã loạng choạng giơ tay ôm chòang lấy cô gái .Vợ gã nghe động hoảng hốt choàng dậy. Với tay lên đầu giường bật đèn. Trong ánh sáng của ánh đèn thấy chồng đang lồm cồm ôm cô người mẫu bằng nhựa .Vợ gã cau mày, đứng phắt dậy đi lại phía gã .
-   Kìa làm gì thế. Đêm hôm thế này ? Thần kinh à? Vợ gã rít lên.
        - Không. Không. Tôi, tôi sợ cô ấy lạnh. Gã lúng túng đỡ cô người mẫu lên. Bàn tay cầm chiếc áo giơ lên định khoác vào vai cô người nhựa.
Vợ gã tức điên lên giật phắt chiếc áo dạ trên tay gã vứt xuống ghế
        - Rõ thật nợ đời. Nó bằng nhựa thì lạnh lẽo gì. Hay là, hay là anh…Rõ thật là dở hơi.
              Gã đần người ra, nuốt nước bọt một cái cố nói nốt.
        - Mà sao, mà sao lại không mặc áo quần gì cho cô ấy
        - Úi giời ơi. Khổ lắm. Vợ con thì không lo, toàn lo chuyện trời ơi. Có đi ngủ không ? Chồng với con. Chả ra cái giống gì nữa .Khổ thân tôi chữa?

5.
             Hôm sau là ngày trời nổi gió to. Sai chồng chạy xuống chợ mua cái chân dò rồi cô ả ngồi thụp xuống chiếc ghế gườm gườm nhìn cỗ ma nơ canh trần truồng. Trong đầu ả những ý nghĩ loang loáng đảo nhau. Nhìn một lúc ả nhếch môi, rồi xầm xập nhấc cố ma nơ canh chuyên mặc váy lên. Cỗ ma nơ canh hơi nặng, quá sức của ả. Nhưng riêng con này… Tự nhiên ả thấy gét cay gét đắng Nhìn cái mặt nhựa trơ lỳ của nó có đáng ghét không. Mà cái thằng chồng cám hấp lại… Gì thì gì cũng không thể để lão dở hơi ấy hơi đụng vào. Đưa được cô người nhựa ra , ả thở dốc.
-   Sao không cho cô ta mặc quần áo thế ?
           Một giọng khan khàn bông lơn vọng từ phía sau đúng lúc làn gió mạnh vừa đến quật đổ cô ma nơ canh. Ả làm ra vẻ không nghe thấy bực tức cúi xuống dựng cô ta lên, và ngay lập tức lần lượt vặn ngéo hai tay vứt vào nhà. Ép người nhựa vào sát tường xong ả lật đật vào nhà lấy ra chiếc áo bu Jông định mặc vào. Gió làm cỗ ma nơ canh đổ một lần nữa như cố diễu ả. Ả vừa lầm bầm điều gì không rõ vừa lấy sợi giây thép quấn chằng vào cổ người nhựa kéo dịt vào thanh chấn song cửa sổ .”Thế này tha hồ đứng. Bây giờ bão cũng không đổ được“. Ả hể hả ra mặt khi nhìn cô người  nhựa bị buộc chặt trông tội nghiệp như một tội nhân dựa cột tử hình. Ả quầy quả vào nhà. Vừa định cầm chiếc váy mặc cho ma nơi canh bỗng nhớ ra điều gì, ả lạch bạch đi sang nhà bố. Trong khi ả mở tủ lạnh tìm thứ gì đó thì thằng chồng ả đi chợ về. Vừa đến cửa, mặt gã bỗng ngây ra khi nhìn thấy cô ma nơ canh bị trói ghì vào cửa sổ. Gã đặt vội chiếc làn xuống, lại gần. Môi gã hơi bậm lại khi nhìn thấy sợi dây thép buộc quanh cổ người nhựa. Thân hình cụt hai tay với đôi bầu vú phồng to cùng khuôn mặt giống cô búp bê ngày xưa hình như hơi nhăn lại vì đau thì phải làm gã thấy sống mũi gã cay cay. Gã mủi lòng vì thương cô người nhựa. Gã cập rập vào nhà. Tay nhặt đôi tay nhựa nằm chỏng chơ trền nền nhà, tay kia vơ vội chiếc áo bu giông. Cố tránh không nhìn vào đôi mắt nhựa, gã lồng chiếc áo vào thân hình cô gái. Chuẩn bị kéo khóa chiếc áo bỗng gã “à “to một tiếng. Gã đưa tay lên cố tháo sợi dây thép quàng trên cố người nhựa. Đang cố gỡ, gã chợt kêu ré lên .Một đầu giây thép đâm vào ngón tay cái của gã đang vung lên. Giọt máu nhỏ giọt loang đỏ trên mặt cô ma nơ canh. Bây giờ thì rõ ràng gã thấy đôi môi nhựa rớm máu nhuệc ra như cười. Sự hỉ hả làm gã quên đau, một tay gần như ôm thân hình nhựa ,một tay cố dứt mạnh sợi giây thép ra.Ngay sau đó gã ôm cặp tay ra, định lần lượt lắp vào. Dù là người gì mà không có tay cũng khổ. Một cánh tay được lắp nhanh chóng, gã thấy vui vui ,định vào sang bên lắp tiếp nốt thì vừa lúc đó lưng gã bỏng rát vì cái phát cùng lúc đó là tiếng chu chéo của vợ :
        - Nợ ơi là nợ. Ban ngày, ban mặt lại đi ôm con người nhựa để mèo tha bố nó mất chân giò kia kia. Ối giời ơi lại còn lắp tay cho nó .Rõ thật là .
               Liền sau đó gã bị hai cánh tay của vợ lôi bật lùi lại . Cái dát nơi lưng vì bị phát và cái kéo giật làm gã loạng choạng. Gã đứng thẳng lên .Mặt gã lỳ ra khi nhìn thấy vợ gã vặn ngoéo cánh tay nhựa vừa lắp vào thân hình cô ma nơ canh rồi giật mạnh cánh tay nhựa gã đang cầm vứt thia lia vào nhà. Môi mím chặt, mắt gã mở to hết cỡ bất động như mắt thủy tinh khiến ả này rùng mình như đang nhìn vào cặp mắt trừng trừng ,bất động của người chết .

                                               Quỳnh Mai tháng 1-2/ 2010. 29 tết canh dần

                                                                           Nguyễn Hiếu